“Nuôi Ong Ta” Và Câu Chuyện Đi Tìm Thương Hiệu
Chỉ chọn nuôi ong ta, lấy chất lượng mật ong làm trọng và chủ động trong việc xây dựng và hình thành thương hiệu của riêng hội mình, “Hiệp hội nuôi ong ta” của các CCB xã Thái Hòa (Hàm Yên) khiến cho nhiều người trẻ giật mình trong cách làm ăn..
Hội trưởng “bất đắc dĩ”
Mặc dù chưa được cơ quan chức năng ra quyết định chính thức về tên gọi, nhưng “Hiệp hội nuôi ong ta” đã thành tên gọi nằm lòng của các hội viên nuôi ong xã Thái Hòa. Ông Hà Mạnh Cường, thôn Làng Mãn 2, người có nhiều kinh nghiệm nuôi ong ta và cũng là người có số lượng đàn ong ta nhiều nhất, “bất đắc dĩ”được bầu làm Hội trưởng.
Ông Cường dẫn chúng tôi đi thăm những thùng ong đặt rải rác quanh nhà: “trước, những thùng ong của gia đình tôi không đặt trong vườn, trong sân mà được ưu tiên dành riêng trên khu vực sân thượng, hoặc đóng treo bên hông tường nhà, lý do là vì sân nhà quá chật hẹp, nhưng vì say nghề nên phải bám nghề theo cách chẳng giống ai”. 15 năm trước, sau khi xuất ngũ về địa phương, ông nhận thấy 2 lợi thế của quê hương mình vẫn chưa có người để ý là chè và tận dụng phấn các loại hoa.
Ông liền đầu tư tiền xây dựng nhà xưởng để thu mua chè búp tươi của bà con trong xã, đồng thời đặt chục thùng ong đầu tiên trong sân nhà. Sau vì công việc sản xuất chè quá bận rộn, gia đình lại neo người nên ông ngưng nuôi ong, đến 7-8 năm. Ông Cường chia sẻ, trước đây nuôi ong cũng chỉ vì mưu sinh thôi. Xuất ngũ về quê, ai bày cho cách gì kiếm tiền là phải bắt tay vào làm ngay, được đồng nào hay đồng nấy để còn nuôi vợ nuôi con.
Nhưng khi làm quen với con ong thì nó lại trở thành một niềm đam mê ngấm sâu vào máu. Bởi con ong nó có nhiều bí ẩn, nhiều điều kì diệu nên người ta sẽ bị chính con ong “quyến rũ”, đưa họ đi từ thú vị này đến thú vị khác. Ngừng nuôi, nhưng việc theo dõi đàn của các hộ nuôi ong trong xã, đặc biệt các hộ gia đình có thành viên là CCB như mình, ông Cường vẫn khá sát sao. Càng quan sát, càng thấy anh em làm theo hướng mở rộng quy mô đàn, cái “máu” trong ông lại càng được thôi thúc phải nuôi trở lại.
Nghề nuôi ong khá đơn giản, để phát triển đàn ong chỉ cần đầu tư mua giống ban đầu, sau đó tự tách ong chúa sang tổ khác để tăng đàn. Thời mới quay trở lại nuôi, ông Cường mua 3 tổ ong, sau đó tự nhân đàn, tách đàn và sau 4 năm thì gia đình ông đã có 40 đàn với chất lượng mật thì… khỏi chê. Nuôi ong cho mật quanh năm, đàn ong mới tách tổ khoảng 20 ngày là đã bắt đầu cho mật. Mỗi năm, từ 40 đàn ong, gia đình ông thu 200 lít mật thơm ngon, bình quân một lít mật khoảng 150.000 đồng.
Cùng với việc bán ong giống, từ đầu năm đến nay, gia đình ông Cường thu về trên 20 triệu đồng tiền bán mật ong và ong giống. Từ khi nuôi ong trở lại, ông Cường kết nối được với 10 hội viên Hội CCB trong xã để cùng nhau trao đổi, học tập và chia sẻ với nhau những kinh nghiệm quý trong nghề ong. Các hội viên liên kết với nhau theo kiểu tự phát, mỗi tháng gặp gỡ một lần, nhưng những kinh nghiệm mà họ có được sau những buổi gặp gỡ ấy giúp ích rất nhiều trong công việc, nhất là cách để làm sao giữ cho đàn ong khỏe mạnh và cho mật đều đặn, với chất lượng mật thơm ngon.
Hội nhập bằng thương hiệu
Với 10 hội viên, số lượng đàn lên đến 400 đàn và những CCB Thái Hòa bắt đầu nghĩ đến chuyện làm ăn chuyên nghiệp.
Cái chuyên nghiệp đầu tiên mà những cựu chiến binh nghĩ tới chính là việc thành lập một hội nuôi ong của chính mình. Cái tên “Hiệp hội nuôi ong ta” được thống nhất, mục tiêu là muốn khẳng định tính liên minh, tính đoàn kết và sự sẻ chia của những hội viên trong hội. Ông Cường bảo ngay sau khi quyết định đặt tên là “Hiệp hội nuôi ong ta”, các hội viên trong hội đã làm đơn gửi đến Sở Tài nguyên và môi trường để có được cái tên chính thức, và mặc dù chưa có trả lời, nhưng tự khắc cái tên đã trở thành gắn bó, đồng thời cũng để phân biệt với những cá nhân nuôi ong khác ở trong xã.
Ông Hoàng Thế Bảo, thôn Lũ Khê, người có công trong việc tìm thương hiệu cho sản phẩm mật ong của hội cho biết, cùng với việc thành lập hiệp hội, anh em trong hội lên một kế hoạch chi tiết, trong đó tập trung vào việc làm sao để đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm mật ong của các hội viên trong hội, đồng thời giữ được uy tín với khách hàng. Sau khi bàn bạc, “Hiệp hội nuôi ong ta” đã chủ động làm đơn đến Sở Khoa học và Công nghệ và hiện đang chờ những hướng dẫn cụ thể từ Sở trong việc xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm.
Nghề nuôi ong ở xã Thái Hòa những năm gần đây không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho người lao động, mà còn giúp nhiều gia đình các hội viên CCB trong hiệp hội thoát nghèo. Ông Nguyễn Văn Tý, một hội viên cho biết, cái hay của người nuôi ong ta chính là việc không phải đi xa như những người nuôi ong giống ngoại Italia; hơn nữa, do đặc thù là ong ta nhỏ bé, lấy một lượng mật vừa phải nên không ảnh hưởng nhiều đến năng suất mùa vụ.
Tuy nhiên để hướng tới phát triển thương hiệu theo hướng hàng hóa thì tới đây, các hội viên “Hiệp hội nuôi ong ta” Thái Hòa sẽ cùng nhau đưa đàn lên Mèo Vạc, Đồng Văn trong mùa hoa bạc hà để có được chất lượng mật cũng như giá cả cao hơn. Hội viên nào sức khỏe không tốt sẽ giao đàn cho các hội viên còn lại để chất lượng mật ong của hội được đồng đều, đảm bảo.
“Hiệp hội nuôi ong ta” của các CCB xã Thái Hòa là minh chứng rõ ràng cho câu “gừng càng già thì càng cay”.
Related news
Nhằm từng bước nâng cao lợi nhuận chăn nuôi bò sữa, và khắc phục tình trạng thiếu lao động, thì cơ giới hoá trong chăn nuôi bò sữa đang từng bước tháo gỡ gánh nặng, nổi lo cho người nông dân về chất lượng nguồn lực lao động, và cũng là giải pháp để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong tình hình sản xuất hiện nay.
Hầu hết các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản tại thời điểm này đều bị giảm giá tới 50-60%, song vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Theo nhận định, với đà giảm giá này, có thể khiến cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân rơi vào khủng hoảng, thậm chí tê liệt.
Sau hơn 3 tháng thả nuôi, Công ty TNHH một thành viên Thông Thuận - Kiên Giang (Cty Thông Thuận) vừa thu hoạch vụ nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tiên tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang với năng suất đạt gần 17 tấn/ha.