Nuôi Ong Lấy Mật - Đừng Để Tiềm Năng Bị Lãng Phí
Gần đây, diện tích rừng trống, đồi núi trọc trên địa bàn các xã miền núi được phủ xanh bởi những cánh rừng tràm, rừng cao su bạt ngàn. Từ đây, nhiều hộ dân phát triển mô hình nuôi ong mật mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, tiềm năng này của Thừa Thiên Huế vẫn đang bị lãng phí.
Kỹ thuật - yếu tố quyết định hiệu quả
Nhiều người nói đùa, người nào chăm chỉ giống ong mới nuôi ong hiệu quả. Cũng đúng! Muốn nuôi được ong, người nuôi phải bỏ ra nhiều công sức, trong đó kỹ thuật và đam mê là yếu tố quyết định.
Một số người làm nghề cho biết, phải thường xuyên kiểm tra theo dõi đàn ong nuôi. Chỉ cần 1 đàn kiến hay đàn ong vò vẽ, ong đất đến quấy rối, là cả đàn ong bỏ đi ngay. Nhiều người từ các địa phương khác đến thuê, mướn rừng nuôi ong thì đặc biệt quan tâm đến việc điều tra, giữ gìn đàn, bởi khi ong đi lấy mật, nếu trúng những khu rừng có phun thuốc trừ sâu thì coi như mất cả đàn.
Ông Trần Bá Lưu, Phó Chủ tịch Hội nuôi ong, người gắn bó với mô hình nuôi ong từ những ngày đầu mới phát triển ở Huế, cho biết: Việc chọn giống ong ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất mật. Giống tốt, chúa đẻ khỏe thì năng suất mật cao, người tạo giống phải chọn những đàn ong có đặc tính mong muốn.
Trong một chuyến đi Bình Điền (Hương Trà), chúng tôi khá tò mò khi đoạn đường từ Cầu Tuần đến Bình Điền cứ đi một đoạn lại thấy một lán trại với hàng trăm tổ ong đặt san sát nhau. Chúng tôi dừng lại tại 1 lán trại nhỏ. Lán không lớn chỉ đủ đặt một chiếc giường tre và một số vật dụng, cạnh đó là những chiếc thùng lớn mà người ở đây gọi là phi quay mật và các phi đựng mật. Chủ trại là ông Ngô Văn Minh, gốc Thanh Hóa, vào định cư ở Đắc Lắc.
Dẫn chúng tôi tham quan trại ong, ông Minh, cho biết: “Ở Huế có nhiều khu rừng tràm, cao su là điều kiện lý tưởng cho đàn ong phát triển nguồn mật. Hơn nữa, thời gian này các loại hoa rừng, hoa keo, tràm đang trong thời điểm ra hoa nên mật ong rất tốt. Ông Minh cho hay: Với 400 đàn ong, nếu thời tiết thuận lợi (nắng đẹp), mỗi tuần ông thu hoạch 1 lần, mỗi lần thu được 1,5 tấn mật. Mật sau thu hoạch sẽ được các công ty đến tận nơi thu mua với mức giá từ 32 ngàn đồng đến 40 ngàn đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm thu trên 500 triệu đồng.
Không chỉ ở Hương Trà, các huyện miền núi khác như Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc mô hình nuôi ong cũng phát triển mạnh và mang lại nhiều kết quả. Tại Nam Đông, nhiều người nuôi ong biết đến ông Bùi Quang Tý, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Đông. Cuối năm 2010, huyện Nam Đông hỗ trợ cho 4 hộ dân trên địa bàn 30 đàn ong nuôi thí điểm. Trong đó, gia đình ông Tý nhận nuôi 10 đàn. Sau khi được tập huấn, nắm chắc về kỹ thuật nuôi, gia đình ông nhân rộng đàn nuôi lên trên 60 đàn với thu nhập 150 triệu đồng/năm.
Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển mô hình nuôi ong lấy mật. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 92.000 ha rừng trồng, gần 9.000 ha cao su, thảm thực vật đa dạng, bốn mùa cây trái xanh tươi, nguồn hoa phong phú, trở thành nguồn thức ăn dồi dào cho đàn ong. Bên cạnh đó, việc nuôi ong không ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên mà loài ong còn thực hiện vai trò thụ phấn chéo cho các loại cây trồng, góp phần tăng năng suất, chất lượng mùa màng, bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật. Mô hình nuôi ong đang được khá nhiều hộ quan tâm đầu tư.
Ông Hoàng Hữu Hè, Chủ tịch Hội Nuôi ong tỉnh, cho biết: “Những năm qua, nhất là sau năm 2007, Hội Nuôi ong vận động và tổ chức nhiều mô hình nuôi ong tại các địa phương như Nam Đông, Hương Trà. Đặc biệt, sau khi đưa mô hình nuôi ong ngoại vào nuôi hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi ong nội. Nếu như một đàn ong nội cho lãi ròng 225 ngàn đồng/đàn thì ong ngoại cho lãi ròng trên 1 triệu/đồng/đàn. Đến nay, toàn tỉnh có 2.400 đàn, sản lượng đạt 70 tấn/năm”.
Về sự lãng phí tiềm năng trong phát triển mô hình nuôi ong mật, ông Trần Bá Lưu, Phó Chủ tịch Hội Nuôi ong nói. “Có lần Giám đốc Công ty Ong mật Phương Nam nói với chúng tôi “Hàng ngày người Huế đổ vài trăm triệu đồng xuống đất”. Tiềm năng có, điều kiện có, hiệu quả kinh tế cao nhưng người dân lại không biết tận dụng. Trong khi đó, các công ty ở các tỉnh từ nam chí bắc lại đua nhau vào Huế nuôi ong”.
Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển mô hình nuôi ong. Để mô hình này phát triển cần sự có sự hỗ trợ về kỹ thuật cho người dân, đồng thời lãnh đạo các cấp cần có những định hướng trong phát triển mở rộng mô hình trên.
Vụ thu hoạch chính của nghề nuôi ong kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm. Đây là thời điểm hoa tràm, hoa cao su và hoa rừng nở rộ nên chất lượng mật rất tốt.
“Những năm qua đã mở 20 lớp tập huấn kỹ thuật với 480 lượt người tham gia, kết hợp với công ty Phương Nam tiến hành lập đề án nuôi ong ngoại trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng quy hoạch phát triển đàn ong tại các xã vùng gò đồi có tiềm năng như phía tây Phong Điền, vùng Hương Thọ (Hương Trà), vùng đệm A Lưới, Bạch Mã.
Tiếp tục mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho người nuôi ong, nhất là kỹ thuật phòng, chống bệnh cho ong. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình, hội cần sự quan tâm chỉ đạo, định hướng phát triển của chính quyền từ xã, huyện đến tỉnh”. Ông Hoàng Hữu Hè cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo cho hội viên nông dân và từng bước thay đổi diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương.
Thiếu vốn để sản xuất, chi phí đầu vào tăng cao, tiêu thụ bất ổn cũng như công tác thông tin, dự báo thị trường còn hạn chế là những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản nói chung và sản xuất, tiêu thụ cá tra nói riêng của tỉnh Vĩnh Long hiện nay.
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, kết thúc vụ cá ngừ đại dương năm 2012, sản lượng đạt cao nhất từ trước đến nay với hơn 4.000 tấn nhờ người dân chuyển từ nghề câu vàng truyền thống sang câu tay kết hợp đèn pha. Tuy nhiên, chính cách câu này làm giá cá rớt thê thảm.