Chăn Nuôi Vịt Tại Tân Châu (An Giang)
Đây là mô hình được đánh giá rất cao tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp lần thứ 13 (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức vừa qua), với chủ đề “Phát triển chăn nuôi thủy cầm an toàn sinh học”, góp phần hạn chế dịch bệnh trên gia súc gia cầm và ảnh hưởng môi trường sinh hoạt cộng đồng dân cư.
Sau khi đi tham quan thực tế tại các trại giống, tham khảo qua nhiều tài liệu, nhận thấy chăn nuôi heo an toàn sinh học, thân thiện môi trường có nhiều ưu điểm nên ông Nguyễn Tiến Đồn (tổ 9, ấp Vĩnh Thạnh 1, xã Lê Chánh) bàn với gia đình đầu tư chuồng trại quy mô kiên cố 170m2 có lắp đặt hệ thống biogas, chọn con giống tốt… mỗi năm xuất chuồng bán khoảng 300 heo con. “Áp dụng mô hình nuôi an toàn sinh học, tuân thủ quy trình tiêm chủng chặt chẽ nên heo ít bệnh tật, con heo ăn mạnh và mau lớn” – ông Đồn cho biết. Chăn nuôi theo phương pháp hiện đại, từ ngày sinh ra đến khoảng 45 – 50 ngày tuổi, heo đạt trọng lượng từ 12 – 13kg. Ông Đồn thiết kế chuồng trại thành 2 khu riêng biệt, dành cho heo chuẩn bị sinh và sau khi sinh sản để tiện lợi trong chăm sóc.
Hàng ngày, chuồng trại thường xuyên được dội rửa sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh; môi trường chăn nuôi thoáng mát, góp phần hạn chế đáng kể bệnh tật cho đàn heo. Nhờ hệ thống biogas được lắp đặt khép kín, không có mùi hôi, đảm bảo điều kiện môi trường và tiết kiệm đáng kể chi phí chất đốt cũng như sử dụng thắp sáng sinh hoạt.
Ông Hứa Long Sơn, Phó trạm Khuyến nông Tân Châu cho biết, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông An Giang chọn ấp Tân Lập (xã Tân An) thí điểm Chương trình “Nuôi vịt an toàn sinh học” cho 16 hộ thuộc 2 Tổ hợp tác chăn nuôi vịt số 1 và số 2. Bởi, đây là ấp có địa bàn thuận tiện chăn nuôi thủy cầm, vừa có kênh hậu cách ly xa nơi chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa là nơi có mặt bằng giáp với đồng ruộng thuận lợi cho nghề chăn nuôi vịt.
Nhất là sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nông dân hùn lại mua đồng cho ăn tại chỗ, có lợi cho người chăn nuôi và chủ ruộng, góp phần vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt phần nào ốc bươu vàng, lúa cỏ và quản lý được dịch bệnh theo quy trình chăn nuôi.
Theo ông Trương Văn Mầm, người nuôi vịt theo mô hình an toàn sinh học, sau 7 tháng, đàn vịt 460 con phát triển tốt, bình quân mỗi ngày thu được 400 trứng. Tại thời điểm trứng vịt đang có giá, ông đạt lợi nhuận 500.000 đồng/ngày. “Đây là mô hình chăn nuôi gia cầm dễ thực hiện, tỉ lệ hao hụt dưới 2%. Đặc biệt là dễ kiểm soát dịch bệnh, hiệu quả hơn so với nuôi chạy đồng trước đây” – ông Mầm cho hay.
Từ nguồn kinh phí “ Dự án Chăn nuôi thủy cam an toàn sinh học” của Chương trình Khuyến nông quốc gia năm 2012, Trung tâm Khuyến nông An Giang triển khai mô hình nuôi vịt hướng trứng an toàn sinh học tại xã Tân An và ghi nhận được nhiều kết quả rất phấn khởi cho người chăn nuôi. Qua đó, nuôi vịt theo phương pháp “an toàn dịch bệnh” hay “an toàn sinh học” được nhiều hộ nông dân nuôi vịt đàn truyền thống của xã Tân An hưởng ứng và áp dụng, kết quả ban đầu rất khả quan.
Ông Trương Văn Nhích, Tổ trưởng Tổ hợp tác số 1, cho biết, khi bà con nuôi vịt đàn ở Tân An được tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chọn con giống vịt nuôi hướng trứng, nông dân dần dần thay đổi nhận thức, chuyển từ chăn nuôi theo tập quán “chạy đồng thường xuyên và chạy đồng xa” sang chăn nuôi “an toàn sinh học”, kết hợp với nhiều mô hình khác, như: “Vịt – cá”, “vịt – cá – lúa”… thực hiện chặt chẽ quy trình quản lý dịch bệnh.
Tổng số 16 hộ trong dự án (mỗi hộ được hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn và thuốc trị bệnh… tương đương 16 triệu đồng/hộ), sau 7 – 8 tháng chăn nuôi, lợi nhuận thấp nhất cũng được 20 triệu đồng/hộ, cao nhất 45 triệu đồng/hộ. Nhờ giới thiệu của Trung tâm Khuyến nông An Giang, giá vịt cao 10.000đ – 20.000đ/con, giá trứng cao từ 100đ – 200đ/trứng. Ngoài ra, còn được Hội Nông dân thị xã Tân Châu hỗ trợ vốn cho 4 hộ để tái đàn.
Ông Tôn Thất Thịnh, Trưởng phòng Kỹ thuật – Trung tâm Khuyến nông An Giang, đánh giá cao mô hình “Nuôi vịt an toàn sinh học” của xã Tân An, tuy thực tế còn nhiều khó khăn như hộ nuôi còn nhỏ lẻ, còn hộ chạy đồng xa tính rủi ro cao, hộ nuôi kết hợp mô hình “cá – vịt – lúa” còn ít, nhưng hiệu quả nhất là nhận thức đa phần của nông dân được nâng lên, mở hướng chăn nuôi mới “an toàn dịch bệnh”.
Có thể bạn quan tâm
Con tôm hùm nuôi ở Phú Yên đã góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về tự nhiên đầm, vịnh, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Nhiều hộ ngư dân đổi đời nhờ nuôi tôm hùm, và tiêu biểu một trong số đó phải kể đến ông Nguyễn Thành Nhơn ở thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu).
Ông Nguyễn Văn Út, hội viên nông dân ấp Tân Phú, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Ông còn được mọi người nể phục bởi đức tính cần cù, ham học hỏi, chịu khó để vươn lên.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt, ấp Phú Chiến, xã Phú Hưng, TP Bến Tre đang thực hiện mô hình nuôi cút lấy trứng và tận dụng phân cút trồng gừng đạt hiệu quả kinh tế cao.