Nuôi Lợn Trên Nền Đệm Lót Sinh Học
Với ưu điểm “4 không”: không mùi hôi, không khí độc, không cần dọn chất thải và không phải tắm cho đàn lợn trong quá trình nuôi; phương pháp chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học trên địa bàn tỉnh ta đã mở ra hướng chăn nuôi mới theo hướng phát triển bền vững.
Cơ sở đầu tiên áp dụng phương pháp chăn nuôi mới này là HTX Quý Long, thôn Hòa Mục 2, xã Thái Long (TP Tuyên Quang). Năm 2011, HTX Quý Long xin thực hiện dự án nuôi lợn trên đệm lót sinh học. Với phương pháp này, người chăn nuôi đào mỗi chuồng sâu khoảng 1 mét, bên dưới có lót trấu, mùn cưa và rải trên nền một lớp men vi sinh.
Thức ăn cho đàn lợn cũng là men vi sinh trộn với cám ngô, cám gạo theo tỷ lệ nhất định. Hiện cả khu vực chăn nuôi của HTX có khoảng 10 con lợn nái và 20 con lợn thịt, đều là giống lợn đen địa phương được chăn nuôi theo phương thức này. Một điều dễ nhận thấy khi vào thăm khu vực chăn nuôi lợn là gần như không có mùi, không có chất thải ảnh hưởng ra môi trường xung quanh.
Cán bộ Trung tâm khuyến nông tỉnh kiểm tra nền đệm lót sinh học tại chuồng nuôi lợn của gia đình chị Đổng Thị Điểu, thôn 4, xã Bằng Cốc (Hàm Yên).
Anh Trần Hồng Hải, chủ nhiệm HTX Quý Long cho biết: Để thực hiện được mô hình chăn nuôi này, các anh đã đi tham quan, học hỏi ở nhiều nơi như Hà Nam, Ninh Bình... Thấy mô hình mới, cũng dễ áp dụng nên anh em về quyết tâm thực hiện bằng được, giờ thì thành công rồi. Nuôi lợn bằng phương pháp này không tốn nhiều nhân công lao động, như nông trại của gia đình với mô hình trên 30 con lợn chỉ cần một nhân công để đổ thức ăn, còn lại không tốn một chút sức lực nào cho việc dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại.
Với ưu điểm trên, năm nay Trung tâm khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình này tại 2 huyện Sơn Dương và Hàm Yên, trong đó tiêu chí là lựa chọn những hộ có mô hình chăn nuôi lớn nhưng chưa xây dựng được hầm bể biogas.
Chị Đổng Thị Điểu, thôn 4 xã Bằng Cốc (Hàm Yên), một trong những hộ được chọn thực hiện mô hình cho biết: Gia đình chăn nuôi nhiều, thường từ 20 con lợn thịt trở lên nên vấn đề chất thải cũng khá đau đầu, vì không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của gia đình mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Khi thực hiện theo đúng những hướng dẫn mà Trung tâm khuyến nông triển khai trong mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, gia đình yên tâm hẳn. Chất thải không có, đàn lợn phát triển khỏe mạnh, lượng thức ăn giảm đi đáng kể… điều này khiến những người phụ thuộc vào chăn nuôi như gia đình chị hoàn toàn yên tâm.
Ngoài 20 hộ được lựa chọn thực hiện mô hình, hiện đã có khá nhiều hộ chăn nuôi trong xã và các xã lân cận đến tìm hiểu về cách thức làm chuồng cũng như trộn chế phẩm vi sinh.
Theo chị Nguyễn Thu Trang, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học là phương pháp sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm tạo ra các quần thể vi sinh vật sống để xử lý chất thải của vật nuôi, làm sạch môi trường, giúp đàn lợn ăn nhiều, lớn nhanh, tỷ lệ mắc bệnh tiêu hóa giảm do vật nuôi có môi trường tự nhiên để vận động.
Sau thời hạn 2 - 4 năm sử dụng, các chất đệm lót được đưa ra và sử dụng làm phân bón cho cây trồng rất tốt nhờ có hàm lượng dinh dưỡng cao. Nguyên liệu được sử dụng làm đệm lót chuồng là bột ngô, mùn cưa, trấu trộn đều với men vi sinh làm nền thay cho nền xi măng.
Như vậy, sử dụng mô hình này, người chăn nuôi tiết kiệm được tiền điện, nước, nhân công lao động, do không phải tắm cho lợn và giảm đáng kể công quét dọn chuồng. Ngoài ra, khi lợn ăn men vi sinh từ đệm lót sẽ giúp tiêu hóa tốt thức ăn, thời gian nuôi giảm xuống còn 4 tháng, thay vì nuôi theo truyền thống phải mất 5 tháng lợn mới đạt 1 tạ/con.
Chị Trang nhấn mạnh, mô hình chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học nếu được nhân rộng tại các hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, nhất là khu đông dân cư, sẽ có tác dụng thiết thực bảo đảm vệ sinh môi trường, sức khỏe cho người chăn nuôi và cộng đồng, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Related news
Nhắc đến tên của loài rắn này, không ít người nghĩ rằng đây là loài rắn độc, rất khó gần chứ nói gì đến việc thuần chủng, nuôi nhốt. Vậy mà hiện tại, nhiều hộ dân ở xã Long Nguyên, huyện Bến Cát (Bình Dương) đã chọn nuôi bởi lợi nhuận rất cao. Tính trung bình, người nuôi lãi ròng khoảng 1 triệu đồng/con/năm.
Ở bản Xốp Thập, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn, Nghệ An) nhiều người đều thầm cảm ơn ông Kha Văn Phon, Trưởng bản vì với tư cách Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông đã giúp bà con tiếp cận với đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng dễ dàng hơn, từ đó có điều kiện cải thiện cuộc sống. Không những thế, ông còn là một gương điển hình làm kinh tế giỏi, xứng đáng để bà con trong bản học tập.
Mô hình nuôi rắn ri tượng quy mô nhỏ được ông Cao Văn Hùng, ấp Tân Bửu, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau), áp dụng 3 năm, cho thu nhập từ 30 - 100 triệu đồng/năm. Từ cách nuôi đơn giản, hiệu quả, ông đang mở rộng quy mô nuôi đối tượng này.