Nuôi Kỳ Đà Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Krông Pa (Gia Lai)

Nhằm đa dạng hóa các loại vật nuôi, năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện Krông Pa (Gia Lai) triển khai mô hình nuôi kỳ đà thương phẩm hộ gia đình tại thị trấn Phú Túc. Mô hình được triển khai tại 3 hộ gia đình, với tổng kinh phí gần 292 triệu đồng, trong đó Nhà nước đầu tư 170 triệu đồng, vốn nông dân đối ứng gần 122 triệu đồng.
Mỗi hộ được cấp 60 kg kỳ đà giống (tương đương với 33 triệu đồng với tổng số khoảng 80 con giống), hỗ trợ 50% chi phí thức ăn và thú y, cũng như tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ dân. Sau 5 tháng triển khai thực hiện, kỳ đà sinh trưởng và phát triển rất tốt, ít bệnh tật, trọng lượng trung bình mỗi con đạt khoảng 3,5 kg. Với giá bán trung bình khoảng 350 ngàn đồng/kg, tổng doanh thu của mỗi hộ được khoảng 98 triệu đồng, sau khi trừ đi các loại chi phí thì thu được lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng.
Ông Ksor Blăk-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Krông Pa cho biết: Kỳ đà rất dễ nuôi, ít bệnh tật, lớn nhanh. Thức ăn cho kỳ đà được tận dụng từ nhiều nguồn phụ phẩm dư thừa ở địa phương. Trong khi đó, đầu ra tương đối ổn định, thương lái ở các tỉnh như Khánh Hòa, Phú Yên… đến tận nơi để đặt hàng với số lượng lớn.
Bà Phạm Thị Xuyến-tổ dân phố 6, thị trấn Phú Túc, dẫn chúng tôi tham quan trang trại nuôi kỳ đà rộng hơn 65 m2 của gia đình. Bà phấn khởi cho biết: Đây đã là năm thứ hai gia đình tôi triển khai nuôi kỳ đà. Năm 2011, tôi đầu tư làm chuồng trại để nuôi thử nghiệm 30 con kỳ đà, kết quả rất khả quan, xuất chuồng được khoảng 1,3 tạ với giá bán tại thời điểm đó khoảng trên 400 ngàn đồng/kg, sau khi trừ đi các chi phí lợi nhuận mà gia đình thu về được trên 20 triệu đồng.
Phấn khởi với những thành công bước đầu, năm 2012 bà tiếp tục đầu tư mở rộng thêm chuồng trại, thả nuôi hơn 1,6 tạ giống (trong đó 60 kg giống thuộc mô hình) đến thời điểm này gia đình bà đã xuất bán được đợt đầu khoảng 1 tạ kỳ đà thương phẩm với giá bán trung bình khoảng 350 ngàn đồng/kg. Số còn lại khoảng trên 70 con hiện tại vẫn đang sinh trưởng và phát triển tốt, mỗi con đạt trọng lượng khoảng 2,5 - 3 kg. Mặc dù giá kỳ đà năm nay thấp hơn những năm trước nhưng lợi nhuận thu được vẫn cao hơn nhiều so với đầu tư trồng mì, thuốc lá hay lúa.
Bà Xuyến cho biết thêm: Do giá con giống hiện nay trên thị trường khá đắt đỏ (550 ngàn đồng/kg), vì vậy tôi dự định sẽ đầu tư nuôi thử nghiệm kỳ đà sinh sản, nếu thành công thì hiệu quả sẽ rất cao.
Related news

Hai năm trở lại đây, mô hình nuôi cá bóp bằng lồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân sinh sống tại đảo Hòn Chuối (Cà Mau). Đó là tín hiệu đáng mừng để người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo.

Ngày 7-7, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong tuần qua, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ đã xảy ra ở 6 tỉnh, thành Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, TPHCM, Tiền Giang và Cà Mau. Tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại do bệnh đốm trắng là 1.843ha và diện tích bị thiệt hại do hội chứng gan tụy cấp là 2.797ha. Địa phương có diện tích bị thiệt hại nhiều nhất là Cà Mau.

Với ưu thế “Cận lộ, cận giang”, nhất là tận dụng dòng sông Lô chảy qua với nhiều loài cá quý hiếm tự nhiên, người dân Thái Hòa (Hàm Yên - Tuyên Quang) đã đánh bắt và chuyển sang nuôi thử nghiệm những giống cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Giờ thì riêng khoản nuôi cá chiên lồng trên sông Lô đã trở thành “nghề hốt bạc” của nhiều hộ nông dân nơi đây.