Nuôi Heo An Toàn Sinh Học
Hiện nay, một trong những khó khăn đối với người chăn nuôi nói chung là vấn đề vệ sinh môi trường. Để đạt được điều đó, người nuôi phải tính toán kỹ lưỡng trước khi tiến hành chăn nuôi. Và mô hình nuôi heo an toàn sinh học tại gia đình của anh Nguyễn Tiến Đồn ở xã Lê Chánh, Thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang là địa chỉ tham quan, học tập của rất nhiều bà con và cả những cán bộ trong nghề.
Thời điểm hơn 15 năm trước, gia đình anh Đồn vừa làm ruộng, vừa làm rẫy nhưng lợi nhuận thu được không nhiều. Đến khoảng năm 1997, anh Đồn quyết định bán hết đất ruộng để tập trung cho nghề nuôi heo tại 2 công đất thổ cư còn lại. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu, anh cũng nuôi heo trong chuồng đất theo kiểu cũ. Mãi đến năm 2003, anh mới xây dựng mô hình hoàn chỉnh gồm chuồng trại, hệ thống xử lý nước, xử lý chất thải như hiện nay.
Để thiết kế được mô hình chuồng trại có nhiều ưu điểm như thế, anh Tiến Đồn đã mất khá nhiều thời gian, vừa nghiên cứu, vừa đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi. Anh cho biết, vấn đề khó nhất anh phải nghĩ đến đó là xây chuồng để nuôi heo nái. Nếu làm đúng quy cách theo sách vở, bài bản thì chuồng phải là chuồng sàn, làm bằng nhựa.. Tuy nhiên, mô hình trên sẽ phải tốn nhiều chi phí. Với kinh nghiệm, sự sáng tạo và quyêt tâm để thành công với nghề, anh Tiến Đồn không ngừng mài mò, suy nghĩ và đưa ra cách thiết kế khá độc đáo cho mô hình của mình.
Trong nhiều năm qua, chuồng nuôi heo nái của anh, mặc dù chỉ lát bằng gạch nung thông thường, nhưng vẫn đạt yêu cầu trong chăn nuôi như: đảm bảo thoát nước nhanh, độ bám tốt, nên thích hợp cho cả heo mẹ và heo con. Đây cũng chính là điều mà nhiều người trong nghề tìm đến anh học tập.
Việc xây dựng chuồng trại tốt, sạch sẽ còn là yếu tố kỹ thuật cần thiết để tăng hiệu quả trong chăn nuôi
Việc xây dựng chuồng trại tốt, sạch sẽ còn là yếu tố kỹ thuật cần thiết để tăng hiệu quả trong chăn nuôi. Nhờ xây dựng mô hình khép kín như vậy, kết hợp với vệ sinh tiêm phòng nghiêm ngặt, trại heo nhà anh Tiến Đồn, gần chục năm qua, chưa xuất hiện tình trạng dịch bệnh nào xảy ra.
Ngoài việc phải biết nuôi heo nái, nếu muốn thành công trong nghề này, anh Tiến Đồn chia sẻ, người nuôi cần phải biết phòng ngừa từ xa để tránh hao hụt đầu con, phải hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn thức ăn công nghiệp, chủ động được nguồn thức ăn tại chỗ như rau xanh, tấm cám…
Với nghề nuôi heo nái và sản xuất con giống, anh Tiến Đồn càng chú ý đến chất lượng con giống nhiều hơn. Ngoài việc lựa chọn nguồn con giống tốt từ các trại uy tín, anh còn thường xuyên làm công tác đổi đàn bố mẹ, tránh tình trạng thoái hóa giống.
Với quy mô 20 heo nái, năm nào cũng vậy, trang trại của anh Đồn đều xuất bán từ 35 – 45 bầy heo con, tương đương gần 400 heo giống, lợi nhuận vài trăm triệu đồng. Ngoài những bằng khen, giấy khen của ngành chức năng và Hội Nông dân tỉnh An Giang khen tặng, anh Đồn còn vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi năm liền. Hiện, mô hình của anh đang là điểm sáng để nhân rộng tại địa phương
Có thể bạn quan tâm
Kết hợp các mô hình “Dân vận khéo” để huy động sức dân trong phát triển kinh tế được phường Tân Thành, TP Cà Mau, coi là chìa khoá thành công trong công tác xoá đói giảm nghèo, đưa kinh tế phát triển xứng với tiềm năng lợi thế của địa phương.
Luật Đất đai năm 2003 quy định thời hạn giao sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là 20 năm; thời hạn giao đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là 50 năm.
Với 1.057 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, những năm qua, Hội Nông dân T.P Điện Biên Phủ luôn là một trong những cơ sở hội thực hiện tốt các phong trào phát triển KT – XH tại địa phương.