Thái Bình Căng Sức Chống Chọi Sâu Cuốn Lá
Có nhiều điều bất thường về nạn sâu cuốn lá nhỏ được ghi nhận ở Thái Bình trong vụ lúa này. Bất thường thứ nhất là ngay từ 21-26/3, mật độ bướm sâu cuốn lá đã đạt trung bình 3-4 con/m2, có chỗ bu đặc tới 30-60 con/m2- gấp 10-30 lần so với trung bình nhiều năm. Điều đặc biệt, khả năng đẻ của lũ bướm này cũng rất "dữ dội", tỷ lệ nở của trứng gần như 100% nên sâu non xuất hiện với mật độ trung bình từ 100-150 con/m2, nơi cao từ 400-500 con/m2 trên một diện tích cực lớn mà trọng điểm là các huyện như Thái Thuỵ, Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư.
Từ đợt sâu lứa 1 tiếp tục sang đợt sâu lứa 2 với diện tích gây hại hầu như toàn bộ 84.000 ha gieo cấy của Thái Bình, mật độ cao hơn nhiều, trung bình từ 200-300con/m2, có chỗ lên tới 1.000-1.700 con/m2, gây hại trực tiếp lên lá đòng. Điểm khác thường nữa là sâu non có tốc độ cắn phá tàn bạo nên phát triển cũng rất nhanh…
Về Vũ Vinh (Vũ Thư), dù đã đứng ngọ và trời đang mưa rả rích nhưng ông Mai Xuân Thường-Chủ nhiệm HTX vẫn lụi cụi trên đồng. Ở những ruộng bị sâu cuốn lá nhỏ phá nặng lúa bị lùn cây, vàng vọt, xơ trắng còn các ruộng khác đều thấy rất nhiều cây lúa có lá cuộn tròn.
Chỉ một lúc quơ tay ông Thường đã vặt được cỡ chục cuộn lá như vậy và bóc cho tôi xem những con sâu li li bằng đầu kim đang ngọ nguậy không ngừng. "Vũ Vinh có 219 ha lúa thì tất cả đều bị sâu cuốn lá nhỏ cắn. Đợt đầu, lực lượng BVTV cũng tuyên truyền phun trừ nhưng nông dân chủ quan, chỉ phun khoảng 20% diện tích bởi nghĩ rằng lúa cấy mới 20 ngày không thể có sâu được và nếu có dính sâu cũng không sợ vì khả năng đền bù của lúa non cao. Không ngờ, sâu lây lan với tốc độ chóng mặt, phá hoại ghê quá nên đợt phun thứ hai 100% nông dân đều ra đồng. Ước tính Vũ Vinh có 20% bị sâu phá hoại nặng".
Sang xã Vũ Chính (Vũ Thư) tình hình cũng tương tự như ở Vũ Vinh. Đâu đâu tôi cũng thấy những ruộng lúa với chi chít những cuộn lá thậm chí những ruộng nặng, lúa thụt hẳn đi so với mặt bằng chung. Nông dân Nguyễn Thị Bé vừa tất tả với gánh rau đi chợ vừa cho biết: "Nhà tôi cấy 4 sào lúa, cho ăn nhiều phân nên tốt lắm. Đùng cái dính dịch sâu cuốn lá, phải phun một đợt thuốc rồi mà vẫn còn lo ngay ngáy. Năm nay cái gì cũng đắt, phân đắt gấp đôi, thuốc BVTV đắt gấp rưỡi mà không biết có bị thất thu hay không nữa".
Trước tình hình sâu cuốn lá nhỏ gây hại như vậy, Thái Bình đã đôn đáo chỉ đạo đồng loạt ra quân trừ sâu, bảo vệ lúa. Chi cục BVTV Thái Bình những ngày qua căng hết sức mình để theo dõi tình hình sâu bệnh, cán bộ làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật thậm chí 30/4, 1/5 cũng không rời nhiệm sở. Lúc tôi đến, dù là sát trưa, trời mưa tầm tã nhưng anh em vẫn chờ điện khẩn của UBND tỉnh về biện pháp trừ sâu cuốn lá để lại đội mưa đem xuống từng huyện cho kịp thời, không dám gửi bưu điện vì còn "chạy đua" với sâu bệnh.
Ăn cơm trưa với tôi, ông Phạm Văn Nhạc- Q.Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh liên tục bị "nã" điện thoại cũng vì…sâu cuốn lá nhỏ. Điều khiến ông Nhạc lo nhất là khả năng chịu đựng của người nông dân quê lúa. "Năm nay giá vật tư tăng vọt, riêng tiền chi cho trừ sâu cuốn lá của cả tỉnh vừa qua đã trên 30 tỉ, sắp tới phun tiếp ngốn mất cỡ 30 tỉ nữa thì quả là một thử thách rất lớn, nếu họ mà buông thì thất thu là điều hoàn toàn có thể".
Nỗi lo mất mùa kép bởi dịch "tai xanh" trên lợn và nạn sâu cuốn lá nhỏ trên lúa hiện đang trở thành mối lo chung của toàn tỉnh Thái Bình.
Có thể bạn quan tâm
Cho ngan ăn sau một ngày bỗng thấy hàng trăm con ngan trong trại lăn đùng ra chết. Xung quanh vấn đề này ông Lỗ Cao Chí, chủ trang trại ngan nghi vấn có thể do loại thức ăn hỗn hợp dành cho vịt, ngan hiệu Herofeed 3002 của Cty CP Dinh dưỡng Việt Tín
Trước thực trạng ngày càng nhiều người nuôi tôm ở Ấn Độ chuyển sang nuôi tôm chân trắng, nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo người nuôi thận trọng trong từng khâu sản xuất mới có thể duy trì sản lượng cao.
Mỗi năm trang trại nuôi chim cút của anh Hưng cho thu lãi gần trăm triệu đồng, tạo điều kiện cho một số lao động địa phương với mức thu nhập khá...