Prices / Tin thủy sản

Nuôi ghép ốc hương và hải sâm

Nuôi ghép ốc hương và hải sâm
Author: Thái Thuận
Publish date: Monday. March 22nd, 2021

Nuôi ghép ốc hương và hải sâm là giải pháp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Chuẩn bị

Ao nuôi ghép ốc hương và hải sâm thường chọn gần biển, nước trong, sạch. Độ mặn 25 – 35‰ và ổn định, nguồn nước không bị nước ngọt ảnh hưởng do tác động của nước sông vào mùa mưa hay nguồn nước sinh hoạt. Ao có bờ chắc chắn, có lưới chắn xung quanh để ngăn không cho ốc bò lên bờ ao. Độ sâu ao khoảng 0,8 – 1,5 m, có hệ thống cấp thoát nước thuận lợi, đảm bảo nhiệt độ nước ổn định.

Chuẩn bị ao: Tháo cạn, vét hết lớp cát bẩn trong ao nuôi hoặc dùng ống nước có áp suất mạnh để rửa lớp cát. Tu sửa bờ, cống, ống thoát, ống xi phông, đắp lại bờ ao sạt lở, đảm bảo bờ ao chắc chắn giữ được nước. Tiêu diệt địch hại như cua, ghẹ bằng tay, không sử dụng hóa chất vì ốc nhạy cảm hơn tôm. Phải có lưới chặn ở cống khi lấy nước để ngăn không cho cá dữ, cua ghẹ vào ao ăn ốc con.

Bón vôi Ca(OH)2 với liều lượng từ 300 – 400 kg/ha và phơi đáy ao từ 5 – 7 ngày thì tiến hành cấp nước. Nước được lọc qua túi lọc để ngăn chặn trứng và địch hại. Có thể bố trí giàn quạt nước để cung cấp ôxy và tạo dòng chảy trong ao.

Thả giống

Chọn giống ốc hương và hải sâm ở những cơ sở sản xuất giống uy tín, đảm bảo chất lượng, giống đã được kiểm dịch. Đối với ốc hương, nhìn bằng mắt thường kích thước ốc tương đối đồng đều, màu sắc tươi sáng, các vân có màu nâu đậm, vỏ còn nguyên vẹn, ốc không bị sưng vòi. Kích cỡ trung bình là 0,05 g/con, khoảng 8.000 – 10.000 con/kg. Nếu thả giống quá nhỏ sẽ rất hao hụt. Giống thường được vận chuyển bằng phương pháp kín (túi nilon có bơm ôxy), đặt vào thùng xốp có nắp đậy kín. Mật độ thả 300 – 500 con/m2

Đối với hải sâm, cần lựa chọn những con có màu sắc tươi sáng, đồng đều, kích cỡ con giống từ 2 – 20 g/con. Mật độ thả 3 con/10 m2. .Tùy thuộc vào quãng đường mà có biện pháp vận chuyển kín hoặc hở để đảm bảo sức khỏe cho hải sâm giống. Lưu ý, cần tránh để ánh nắng chiếu trực tiếp vào hải sâm giống.

Trước khi thả cần cân bằng nhiệt độ và độ mặn để tránh sốc cho ốc hương và hải sâm. Ngâm bao/thùng giống xuống ao, cho nước vào từ từ đến khi con giống hoạt động linh hoạt thì thả xuống ao, nên thả xa bờ để tránh làm tổn thương con giống. Thả giống ốc hương và hải sâm vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát là thích hợp nhất.

Cho ăn

Thức ăn cho ốc hương là cá tạp, giáp xác nhỏ hay trai. Tùy vào độ tuổi mà cần sơ chế thức ăn, giai đoạn đầu cần băm nhỏ cá tạp; trai, giáp xác cần đập bỏ vỏ, rửa sạch. Ốc thường được cho ăn 2 lần/ngày ở giai đoạn nhỏ và thường một lần khi ốc lớn vào buổi chiều tối.

Theo dõi thường xuyên lượng ăn để có những điều chỉnh phù hợp, tránh dư thừa nhiều gây ô nhiễm ao nuôi. Lượng ăn tùy theo kích cỡ và thời gian nuôi (thường bằng 5 – 10% trọng lượng thân), cho ăn phải trải đều khắp ao.

Trong quá trình nuôi cũng cần bổ sung vitamin và các khoáng tự nhiên cho ốc phát triển mạnh và phòng ngừa các bệnh do thiếu vi lượng. Bổ sung 3 – 5 g/kg thức ăn.

Hải sâm là loài ăn lọc, vì vậy chúng có thể tận dụng nguồn thức ăn dư thừa của ốc hương và ăn mùn bã hữu cơ trên nền đáy.

Quản lý

Thay nước thường xuyên để bổ sung ôxy và tăng cường thức ăn tự nhiên vào ao, làm môi trường ao nuôi sạch sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

Đối với hải sâm nhỏ, mới thả nuôi, sức đề kháng yếu, di chuyển chậm chạp nên người nuôi cần thường xuyên kiểm tra ao để vớt dọn rong rêu, bắt các loài địch hại như ốc, cua, tôm… tránh để ao bị thiếu khí. 

Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao nuôi như: pH, độ mặn, độ kiềm, khí độc… để kịp thời điều chỉnh và xử lý.

Kiểm tra lưới bao xung quanh ao nuôi, tiến hành vệ sinh lưới nếu bẩn nhằm tăng cường khả năng lưu thông của nước, thay mới nếu lưới quá bẩn hoặc bị rách.

Thu hoạch

Sau khoảng 7 tháng nuôi ghép ốc hương và hải sâm có thể tiến hành thu hoạch. Ốc hương có trọng lượng trung bình khoảng 120 con/kg; hải sâm khoảng 230 g/con.


Related news

Khả năng sinh sản của tôm thẻ bố mẹ nuôi trong ao và bể Khả năng sinh sản của tôm thẻ bố mẹ nuôi trong ao và bể

Một nghiên cứu mới đây so sánh sự khác biệt về hiệu suất sinh sản của tôm thẻ chân trắng bố mẹ đã thuần hóa được nuôi trong bể tuần hoàn

Monday. March 22nd, 2021
Chiết xuất cây bồ công anh cải thiện tình trạng ruột cá Chiết xuất cây bồ công anh cải thiện tình trạng ruột cá

Việc bổ sung chất dinh dưỡng của cây bồ công anh (DH) giúp cải thiện tình trạng của ruột cá rất hiệu quả. Đây được xem là phụ gia tiềm năng bổ sung vào thức ăn

Monday. March 22nd, 2021
Phương pháp mới phát hiện bệnh đốm trắng trên tôm Phương pháp mới phát hiện bệnh đốm trắng trên tôm

Các nhà nghiên cứu đã phát triển một phương pháp mới để phát hiện bệnh đốm trắng trên tôm, phương pháp này cho kết quả trên tại chỗ.

Monday. March 22nd, 2021