Prices / Tin thủy sản

Nuôi ghép cá thát lát cườm và cá sặc rằn

Nuôi ghép cá thát lát cườm và cá sặc rằn
Author: Lê Loan
Publish date: Monday. September 21st, 2020

Nuôi ghép cá thát lác cườm và cá sặc rằn giúp hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường ao nuôi do thức ăn dư thừa gây ra, giảm chi phí xử lý môi trường cũng như tăng thêm thu nhập cho người nuôi.

Điều kiện ao

Vị trí ao nuôi cần xa khu công nghiệp, có hệ thống giao thông và điện lưới thuận lợi. Có nguồn nước cấp và chủ động được việc cấp, thoát nước. Nên gần nhà để thuận tiện cho việc chăm sóc và bảo vệ cá.

Không có nhiều cây lớn, tán lá rộng xung quanh bờ ao vì cây lớn sẽ che ánh sáng mặt trời, ảnh hưởng đến năng suất của ao, đồng thời lá cây rụng xuống làm thối nước gây ô nhiễm môi trường.

Ao nuôi nên có dạng hình chữ nhật hoặc hình vuông. Bờ ao phải đủ cao để tránh ngập do mưa lớn và phải cao hơn mực nước trong ao khoảng 30 – 50 cm. Ao nuôi tốt nhất là đất thịt hoặc đất thịt pha cát, đáy bằng phẳng hơi nghiêng về cống thoát nước khoảng 5 – 10 độ.

Chuẩn bị ao nuôi

Diện tích ao nuôi tốt nhất dao động khoảng 500 – 1.000 m2, độ sâu nước 1,4 – 1,6 m. Trước khi nuôi cần vệ sinh xung quanh bờ ao, tát cạn nước, vét hết lớp bùn đáy, bón vôi với lượng 10 – 15 kg/100 m2, phơi khô đáy ao khoảng 1 tuần.

Sau đó, tiến hành bơm nước vào ao qua lưới lọc để ngăn cá tạp và cá dữ, dùng rễ dây thuốc cá diệt tạp với lượng 3 kg/100 m2. Để nước trong ao khoảng 3 – 5 ngày khi nước trong ao có màu xanh của tảo thì thả cá. Nhiệt độ nước thích hợp từ 26 – 30 độ C, pH khoảng 6,5 – 8,5, hàm lượng ôxy hòa tan >3 mg/l.

Thả giống

Lựa chọn cá đồng đều kích cỡ, khỏe mạnh, không xây xát, không mất nhớt, không dị tật, bơi lội nhanh nhẹn. Chọn cá có cỡ lớn thì tỷ lệ hao hụt sẽ càng giảm, cá giống thát lát nhân tạo ương nuôi sau 2 tháng thường đạt cỡ 5 – 8 cm thì có thể thả nuôi, nguồn giống ở những cơ sở uy tín.

Để khắc phục tình trạng ăn thịt lẫn nhau thì yêu cầu cỡ giống khi thả của cá sặc rằn phải bằng hoặc lớn hơn giống cá thát lát, thích hợp là khoảng 250 – 300 con/kg. Trước khi thả, cần tắm cá qua nước muối 2% trong 10 phút để tiêu diệt mầm bệnh.

Các tỉnh Nam bộ có thể thả quanh năm do thời tiết nắng nóng, ấm áp thuận lợi cho sự sinh sản của cá. Đối với các tỉnh miền Bắc thời tiết có mùa rét thì nên thả vào tháng 4 là hợp lý.

Tỷ lệ nuôi ghép cá thát lát cườm và cá sặc rằn là 4:1, mật độ thả cá thát lát cườm khoảng 5 – 10 con/m2. Cá thát lát cườm được thả nuôi vào giai trong ao, giai có diện tích khoảng 100 m2; đối với cá sặc rằn thì thả ở trong ao Nên thả giống vào lúc sáng sớm hoặc trời mát. Ngâm bao chứa cá giống trong nước ao khoảng 15 – 20 phút trước khi thả và mở miệng bao cho cá ra từ từ.

Cho ăn

Sau khi thả cá giống từ 12 – 24 giờ, tiến hành cho cá ăn. Cho cá ăn bằng thức ăn tươi sống như các loại cá tạp xay nhuyễn theo từng giai đoạn phát triển hoặc thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm khoảng 40% trở lên. Nên sử dụng sàng ăn để dễ quản lý và tập cho cá quen dần với môi trường ao nuôi.

Cho cá ăn với khẩu phần khoảng 4 – 15% so khối lượng cá thả. Giai đoạn cá nhỏ cho ăn 3 lần/ngày, cá lớn cho ăn 2 hoặc 1 lần/ngày. Trong khi cho ăn thường xuyên theo dõi khả năng bắt mồi của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Theo dõi thời gian cho cá ăn trong khoảng 45 phút, nếu sau 45 phút cá chưa ăn hết lượng thức ăn cần điều chỉnh giảm ngay bữa sau; ngược lại cá đã ăn hết lượng thức ăn đã cung cấp thì cần tăng lương thức ăn ngay bữa sau, lượng thức ăn tăng trong bữa sau khoảng 5% so với lượng thức ăn cung cấp trong bữa đó.

Chăm sóc

Thường xuyên kiểm tra ao, bờ ao, cống thoát nước, định kỳ 15 – 20 ngày thay 30% lượng nước ao hoặc khi nước ao bị bẩn, kết hợp tạt vôi, lượng 2 – 3 kg/100 m2.

Trong ao nuôi ghép, cần chú ý sự thay đổi chất lượng nước để nhanh chóng xử lý. Không để nước quá xanh đậm hoặc có mùi hôi.

Định kỳ bổ sung men tiêu hóa, Vitamin C vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá.

Sau thời gian nuôi khoảng 6 – 7 tháng sẽ tiến hành thu hoạch, trọng lượng trung bình đối với cá thát lát cườm 300 – 450 g/con và cá sặc rằn đạt 100 – 120 g/con.


Related news

Lưu ý khi nuôi ghép thủy sản Lưu ý khi nuôi ghép thủy sản

Khi lựa chọn cá nuôi, cần chọn nuôi ghép các loài cá có tính ăn khác nhau, không cạnh tranh về không gian sống, thức ăn.

Monday. September 21st, 2020
Quản lý chất lượng nước ao tôm Quản lý chất lượng nước ao tôm

Xử lý nước bằng chế phẩm sinh học là xử lý các chất ô nhiễm hoặc chất thải bằng việc sử dụng các vi sinh vật (như vi khuẩn) để phân hủy các chất không mong muốn

Monday. September 21st, 2020
Một chất thay thế mới dành cho thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản Một chất thay thế mới dành cho thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản

Folium Science đã phát triển một mối quan hệ đối tác mới để mở rộng ứng dụng “các thành phần sinh học có chỉ dẫn” của họ vào cá hồi nuôi.

Monday. September 21st, 2020