Nuôi gà an toàn để xuất khẩu
Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đang gấp rút triển khai mở rộng các vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi gà sạch để đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu.
Nhiều trang trại nuôi gà sạch rất mong muốn được tham gia vào chuỗi cung ứng gà xuất khẩu (Ảnh: Phú Lộc - ĐQ)
Chúng tôi đến trại gà của ông Lê Văn Nghĩa (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) để tìm hiểu. Đây là một trong số các trang trại gà nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tham gia mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh hướng tới xuất khẩu, do Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai triển khai thời gian qua.
Cơ hội
Theo ông Nghĩa, từ ngày tham gia chương trình, trang trại của ông gần như phải thay đổi toàn bộ quy trình nuôi gà truyền thống nhằm đảm bảo các yêu cầu đặt ra. Trước hết, hệ thống chuồng trại được ông đầu tư đồng bộ nhằm đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Ngoài trại nuôi gà thịt thương phẩm, ông còn phải xây dựng thêm trại nuôi gà giống. Trong đó, từ con giống, thức ăn, thuốc thú y tất cả đều phải đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.
Đặc biệt, 1 tháng trước khi xuất bán gà, theo qui định ông phải ngừng sử dụng tất cả các loại thuốc thú y. Mặc dù quy trình nuôi được kiểm soát chặt chẽ, gà thịt đạt tiêu chuẩn sạch theo quy định nhưng hiện tại ông Nghĩa vẫn phải bán gà qua thương lái.
“Cứ 2 ngày lại có xe của thương lái vào bắt gà, mỗi lần bắt vài ngàn con. Giá bán theo giá thị trường, lúc cao họ mua cao, lúc giá xuống họ mua thấp”, ông cho biết.
Do đầu ra không chủ động lại hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nên trại gà của ông Nghĩa dù chăn nuôi theo quy trình sạch, nhưng giá cả cũng không khác so với gà thường. Bởi vậy, khi nghe thông tin về việc một doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu được thịt gà sang thị trường Nhật Bản, ông rất muốn được tham gia vào chuỗi cung ứng gà nguyên liệu.
"Tham gia vào chuỗi chăn nuôi xuất khẩu, doanh nghiệp thu mua đảm bảo sản lượng và giá gà ổn định, chắc chắn người nuôi sẽ yên tâm hơn rất nhiều. Theo quy trình của doanh nghiệp đưa ra, gà nguyên liệu phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhưng nếu có mô hình chăn nuôi cụ thể, được hỗ trợ kỹ thuật thì chúng tôi sẽ đáp ứng tốt”, ông Nghĩa cam kết
Tương tự, ông Lâm Đình Tới, chủ trại gà 20 ngàn con tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom cũng cho rằng, chỉ cần có đầu ra, giá cả ổn định thì người chăn nuôi sẽ tham gia. “Quy trình nuôi, chúng tôi chỉ cần có mô hình cụ thể cộng thêm đó là sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp thì làm được hết, chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm chăn nuôi hàng chục năm rồi”, ông Tới cho hay.
An toàn dịch bệnh
Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, để đáp ứng nhu cầu chế biến thịt gà xuất khẩu sang Nhật, Cty Koyu & Unitek đang cần nguồn gà nguyên liệu rất lớn. Trong khi đó, số trang trại đáp ứng được các tiêu chuẩn đưa ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là chưa nhiều, do đó cơ hội để người chăn nuôi gà tham gia vào chuỗi có biên độ rất rộng.
Tuy nhiên, để được tham gia vào chuỗi, trại nuôi cần phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe. Thực tế cho thấy, khó khăn lớn nhất đối với các trại gà để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng xuất khẩu chính là vấn đề an toàn dịch bệnh.
“Vừa rồi Cty Koyu & Unitek có tổ chức các đoàn kiểm tra các trại nuôi gà, trong đó có trại nuôi của gia đình tôi. Dù trại đảm bảo các tiêu chuẩn đề ra nhưng do nằm gần với các trại chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực nên họ còn lo ngại đối về vấn đề an toàn dịch bệnh”, ông Ngọc chia sẻ
Tuy nhiên, theo ông Phan Minh Báu - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, rất khó để thực hiện quy định về khoảng cách trại nuôi. Bởi, phần lớn người chăn nuôi hiện đang ở dạng nhỏ lẻ, nếu thực hiện việc giữ khoảng cách 1 m có một trại nuôi như yêu cầu thì Đồng Nai sẽ không còn bao nhiêu trại nuôi gà nữa.
Vì thế, nhằm gỡ khó cho người chăn nuôi, ngành nông nghiệp địa phương đang gấp rút triển khai mở rộng các vùng an toàn dịch bệnh để đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu. Theo đó, tại đây đã xây dựng và chứng nhận an toàn dịch bệnh cấp xã đối với 2 huyện Thống Nhất và Trảng Bom. Ngoài ra, 10 xã quanh trại gà của Cty Koyu & Unitek cũng đã được công nhận an toàn dịch bệnh. Tức là, tất cả các khu vực nói trên đều đã đủ tiêu chuẩn để nuôi gà xuất khẩu.
"Chúng tôi đang tập trung mở rộng xây dựng thêm các xã an toàn dịch bệnh nằm trên địa bàn huyện Xuân Lộc và TX Long Khánh. Mục tiêu những năm tới là sẽ xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu gà nguyên liệu”, ông Báu nhấn mạnh
"Chúng tôi là một đối tác với công ty Koyu & Unitek, hiện có nhiều trại nuôi gia công được công ty cung cấp thức ăn, con giống, hỗ trợ kỹ thuật nuôi. Tuy nhiên, điều kiện để tham gia làm "vệ tinh" cho công ty là các trại gà phải đạt tiêu chuẩn về VietGAP, GlobalGAP và đặc biệt là phải nằm trong vùng an toàn dịch bệnh", ông Gabor Fluit, TGĐ Châu Á (Cty TNHH De Heus) nhấn mạnh.
Related news
Đây là loại gạo có hàm lượng vitamin nhóm B, Canxi, Magie, Omega 3-6-9 cao, có lợi cho sức khỏe, giảm các bệnh về tim mạch, xương khớp, béo phì
Giá nho vụ nghịch đang ở mức cao nhưng vẫn khan hiếm hàng. Các vườn nho ở Tuy Phong đều bị mất mùa do mưa kéo dài hồi đầu vụ.
Để tìm đầu ra cho cây nho, một trong những khâu quan trọng là sản xuất được nho “sạch” đạt tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng thương hiệu