Nuôi Dúi Trên Đảo Phú Quý (Bình Thuận)
Đầu năm 2012, trong một lần mua con dông từ Phú Quý chở vào Phan Thiết bán cho các quán ăn kiếm lời, trong khi chờ tàu về lại Phú Quý, anh Trương Văn Tảo (sinh năm 1983, tại thôn Phú An, xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý) tranh thủ ghé huyện Hàm Thuận Nam thăm người thân, tình cờ phát hiện nhà bên nuôi con dúi sinh sản. Anh Tảo sang chơi tìm hiểu và quyết định mua dúi con về đảo nuôi. Sau khi thả nuôi 6 con, dúi con sinh trưởng và phát triển rất tốt, không mắc bệnh, chỉ trong 6 tháng mỗi con đạt trọng lượng 1,5 kg và bắt đầu sinh sản.
Mỗi năm, đàn dúi của anh Tảo đẻ 4 lứa, dúi mẹ sinh mỗi lứa từ 3 - 5 con. Khoảng 1 - 2 tháng có thể đem bán dúi con làm con giống. Nếu nuôi tiếp bán thịt thì sau 5 - 6 tháng có thể đạt trọng lượng trên 1,5 kg. Nguồn thức ăn của dúi rất dễ kiếm thường là tre, các loại cỏ, củ, thân cây cỏ voi, mía đường, những thức ăn này sẵn có ở địa phương. Hơn nữa, việc nuôi dúi cũng ít tốn thời gian chăm sóc, mỗi ngày cho ăn 3 lần nên có thể kết hợp làm các công việc khác kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình.
Kết quả sau 18 tháng thả nuôi 6 con dúi giống, anh Tảo đã bán được 8 con dúi giống, mỗi cặp dúi giống được bán với giá từ 3.500.000 đồng thu được 14 triệu đồng, trả hết số nợ đã vay ban đầu của ngân hàng. Nhờ được chăm sóc cẩn thận nên đàn dúi của gia đình anh Tảo hiện có 13 con, phần lớn đang trong giai đoạn mang thai chờ sinh lứa tiếp theo. Do nắm bắt được kỹ thuật nuôi cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình của anh Tảo nên rất nhiều hộ gia đình trên đảo đã tìm đến anh để học hỏi, đăng ký mua giống nuôi.
Anh Tảo vui mừng cho biết, hiện nay anh đã ký hợp đồng cung cấp dúi thương phẩm cho các nhà hàng ở Phan Thiết, Đồi Sứ (Hàm Thuận Nam) với giá 400.000 đồng/kg, không hạn chế số lượng. Sau khi ổn định về đầu ra sản phẩm, anh Tảo đang xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô nuôi dúi lên trên 50 con. Anh Tảo nhẩm tính, cứ mỗi con dúi thương phẩm bán với giá như hiện nay thì bình quân mỗi con sẽ thu về 600.000 đồng, nếu nuôi 50 con dúi cái thì 1 năm anh có ít nhất 600 con dúi con. Khi đó, mức thu nhập của gia đình anh sẽ trên 300 triệu đồng/ năm. Còn nếu bán được nhiều dúi giống cho các hộ khác nuôi thì mức thu nhập còn cao hơn rất nhiều.
Dúi thuộc loài gặm nhấm (dòng họ chuột) nên rất dễ nuôi, ăn tạp, không bị mắc bệnh, giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định, ít gây ô nhiễm môi trường. Đây là một mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao đang thu hút người dân trên đảo.
Related news
Từ trồng 3 vụ lúa nếp/năm, mấy năm gần đây, Hiệp Xương (huyện Phú Tân, An Giang) đã chuyển hơn 150ha sang trồng 2 vụ lúa nếp và 1 vụ trồng rau muống lấy hạt.
Cũng như nhiều người nuôi tôm khác ở đồng bằng sông Cửu Long, anh Huỳnh Chí Thanh ngụ tại xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau rất lo lắng trước tình hình dịch bệnh trên tôm bùng phát và gây thiệt hại. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến do ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thì những lo lắng đó không còn nữa.
Với quyết định tìm hướng đi mới để làm giàu, anh Chu Đình Dục (38 tuổi), ở thôn Trung, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên đã tìm đến nghề nuôi gà Đông Tảo.