Nuôi Cua Xen Nuôi Tôm Quảng Canh Thu Lợi Khá Ở Bến Tre
Trong điều kiện bất lợi của thời tiết, nghề nuôi tôm sú bị thua lỗ hoặc chỉ có lãi ít, nhiều người đã chuyển sang nuôi cua xen trong ao nuôi tôm quảng canh. Tại huyện Thạnh Phú (Bến Tre), nhiều nông dân đã khấm khá nhờ nghề nuôi cua “nhướng”. Cua “nhướng” là tên gọi của người dân địa phương, vì lúc thả nuôi con cua còn rất nhỏ, người xem phải nhướng mắt lên thì mới nhìn thấy nó được.
Nông dân Nguyễn Văn Mãi, ngụ tại ấp Thạnh Phước - xã Thạnh Phong (Thạnh Phú) là một trong những người có kinh nghiệm với mô hình nuôi cua xen trong ao nuôi tôm quảng canh. Khoảng cuối năm 2010, anh Mãi nuôi thử nghiệm 1.000 con cua giống (giá từ 900 đồng đến 1.000 đồng/con). Sau khi thu hoạch thấy có hiệu quả, anh nuôi tiếp với số lượng nhiều hơn.
Đến nay, anh đã thả được 10.000 con cua nuôi xen với tôm sú trên diện tích 25.000m2 đất. Anh Mãi cho biết: “Cua giống mua về được thả nuôi tự nhiên chung với tôm sú. Mỗi năm thả 2 vụ, vào khoảng tháng 8 và tháng 10, 11 âm lịch. Người nuôi không tốn thức ăn cho cua, chỉ theo dõi tiến độ phát triển, trông chừng mực nước thích hợp theo từng mùa, tháng”. Theo kinh nghiệm của anh Mãi, độ sâu thích hợp để nuôi cua “nhướng” xen với tôm quảng canh từ 0,5m đến 1m; người nuôi phải thường xuyên theo dõi để giữ mực nước trong ao phù hợp theo từng mùa (nhất là trữ lượng nước ngọt cần thiết trong mùa nắng gắt).
Quá trình nuôi, có thể thả thêm cua nhỏ khai thác được từ thiên nhiên (nếu có). Khi cua được khoảng 4 tháng tuổi thì thu hoạch, thả lồng (có mồi) xuống ao để nhử bắt cua bán dần. Đến nay, anh Mãi đã thu lãi trên 200 triệu đồng từ tiền bán cua. Đặc biệt, trong năm 2012, anh nuôi 6.000 con cua “nhướng” và lãi được khoảng 100 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Kháng - Chủ tịch UBND xã, Thạnh Phong có hơn 2.500ha nuôi thủy sản, nhiều nông dân trong xã đã có lãi cao nhờ nuôi cua xen trong ao nuôi tôm quảng canh. Được biết, ngoài xã Thạnh Phong, mô hình nuôi cua xen với nuôi tôm quảng canh đã được nông dân một số xã khác trong huyện như: An Qui, An Thuận, An Nhơn, Giao Thạnh, Thạnh Hải thực hiện và mang lại hiệu quả bước đầu. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần tổ chức hội thảo về mô hình này để giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả tốt hơn.
Related news
Sau nhiều tháng điều tra, nhóm nghiên cứu do Donald Lightner tại Đại học Arizona đã xác định nguyên nhân gây hội chứng chết sớm ở tôm (EMS), hay còn gọi là hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp (AHPNS).
Ông Lưu Xuân Mộc, ấp Bùng Binh 1, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, là người thành công nhất trong xã về mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến “bậc cao” nhờ áp dụng những cải tiến kỹ thuật trong cách nuôi.
Gần 1 tháng rưỡi qua (4/5 đến 17/6/2013) tại tỉnh Nghệ An đã có gần 60 ha tôm thẻ chân trắng ở 13 vùng nuôi tôm thuộc 3 huyện, thành đã dính các loại bệnh: Đốm trắng, Taura và hoại tử gan tụy. Trước tình hình đó, nhiều hộ dân đã thu tôm bán non vớt vát lại vốn.