Nuôi Cá Rô Phi Trong Môi Trường Nước Lợ
Để khắc phục tình trạng cá rô phi đơn tính ở các ao nuôi nước ngọt hay bị bệnh dịch, năng suất kém, gia đình bà Nguyễn Thị Sáng ở thôn 1, xã Hải Tiến, TP Móng Cái (Quảng Ninh) đã nghiên cứu và áp dụng thành công kỹ thuật nuôi cá rô phi trong ao nước lợ với nhiều ưu điểm vượt trội như: Giảm dịch bệnh trên cá, rút ngắn thời gian sinh trưởng, tăng chất lượng thịt cá…
Chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp nuôi cá rô phi trong ao nước lợ, bà Sáng cho biết: “Trước đây không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều hộ dân ở đây đều nuôi cá rô phi đơn tính trong các ao, hồ nước ngọt. Tuy nhiên, do các ao nuôi nước ngọt thường có ký sinh trùng như: Trùng bánh xe, trùng quả dưa, sán lá chủ, rận cá… nên khi nuôi cá rô phi đơn tính với mật độ dày thường mắc bệnh và giảm sức ăn, chậm lớn, hình thức xấu, chất lượng thịt kém làm giảm giá thành của cá.
Để phòng và chữa bệnh cho cá cũng có nhiều biện pháp kỹ thuật sử dụng hoá chất hoặc vôi bột. Tuy nhiên, sử dụng hiệu quả biện pháp này cần phải có trình độ và kinh nghiệm, mặt khác lại tốn thêm khá nhiều chi phí. Do vậy, việc nuôi cá rô phi đơn tính ở đây trở nên không hiệu quả và nhiều hộ gia đình đã đổi sang loại cá khác”.
Vì lý do ấy, trong một lần tình cờ xem chương trình Khuyến nông trên kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam, thấy giới thiệu kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính trong ao nước nợ với nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện ở địa phương, gia đình bà Sáng đã cùng với một số hộ nuôi khác trong khu vực áp dụng thử và cho kết quả rất khả quan. Cá không bị bệnh dịch do ký sinh trùng gây ra, tốc độ sinh trưởng tốt, thịt cá và hình thức lại ngon và đẹp hơn hẳn.
Theo bà Sáng, kỹ thuật nuôi cá rô phi trong ao nước nợ khá đơn giản chỉ cần xử lý ao trước khi nuôi theo đúng quy trình nuôi cá truyền thống; lấy nước vào ao khoảng 70% ao; thả cá giống bình thường; sau khi nuôi cá 1 tháng thì bắt đầu lấy nước mặn vào ao với độ mặn khoảng 20%o thì ngừng. Điều quan trọng là khi lấy nước mặn vào người nuôi cần lấy từ từ và sử dụng quạt tạo khí để đảo đều nước. Trong khi cấp nước cũng cần phải kiểm tra độ mặn của ao.
Kỹ thuật này đã được gia đình bà Sáng ứng dụng từ 5/2012. Sau 4 tháng nuôi, ao cá nhà bà Sáng không còn hiện tượng cá bị bệnh do ký sinh trùng nữa trong khi các địa phương khác trong tỉnh như: Quảng Yên, Đông Triều, Uông Bí đã xảy ra tình trạng dịch bệnh trên và cá chết rải rác ở các ao nuôi. Không những thế, trọng lượng cá trong ao nuôi gia đình bà Sáng đã đạt trên 0,5kg/con, sản lượng đạt 12 tấn/2,5ha. Có thể khẳng định đây là một giải pháp hữu hiệu cho những hộ gia đình nuôi cá rô phi đơn tính mang lại hiệu quả và nâng cao năng suất lao động.
Related news
Việc phát triển mạnh cây keo lá tràm góp phần làm thay da đổi thịt vùng đất Thạnh Phú (xã Đại Chánh, Đại Lộc), tạo điều kiện để người dân nơi đây có cuộc sống ổn định.
Từ cuối tháng 3 đến nay, Doanh nghiệp tư nhân Đức Mai (huyện Tây Sơn - Bình Định) - đơn vị tham gia liên minh sản xuất và chế biến hạt điều thuộc Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh - đã đến xã Cát Lâm tổ chức thu mua hạt điều của 57 hộ xã viên HTXNN 2 Cát Lâm, xã Cát Lâm (Phù Cát) cùng tham gia liên minh với giá 18.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường tại thời điểm 500 đồng/kg.
Anh Võ Thiếu Sơn, ở ấp Bà Tiên 2, xã Phú Đông (huyện Tân Phú Đông - Tiền Giang) có 2 công đất đầm nuôi tôm nằm cặp theo sông Cửa Trung. Sau những vụ nuôi tôm không hiệu quả, anh Sơn quyết định chuyển sang thử nghiệm nuôi cá rô phi thương phẩm, ổn định cuộc sống.