Nuôi Cá Rô Đồng Mùa Nước Nổi
Mùa nước nổi năm nay có rất nhiều mô hình làm giàu từ lũ được nhân rộng ở các địa phương vùng ĐBSCL như: nuôi tôm càng xanh, nuôi cá chình, lươn, cá lóc, cá bông... ở các huyện: Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp), Tân Hưng (Long An)... Trong số đó, đáng chú ý là mô hình nuôi cá rô ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An.
Dọc theo tuyến kênh 79, từ thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng đến huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, nước từ thượng nguồn sông Mê Công đang tràn về sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây, cả một vùng mênh mông nước. Trên cụm tuyến dân cư vượt lũ kéo dài theo tuyến kênh 79 lưa thưa người ở, nhiều ngôi nhà liền kề chưa tô xi măng. Huyện Tân Hưng bộn bề công việc lo cho vùng ngập sâu, ngập nông đón mùa nước nổi để phát triển kinh tế địa phương. Năm nay, nước lũ lên chậm và hiền hòa. Theo anh Hồ Văn Dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, huyện đang triển khai mô hình “sống chung với lũ” bằng nuôi trồng thủy sản.
Tại cánh đồng Tân Hưng phía Đông - Bắc của vùng Đồng Tháp Mười, nhiều hộ dân nuôi cá rô qua hai mùa nước nổi đạt hiệu kinh tế rất cao, có hộ thu hàng trăm triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Vĩnh Đại là một trong những hộ nuôi cá rô qua hai mùa nước nổi đạt hiệu quả cao nhất huyện. Được cán bộ khuyến ngư của huyện cung cấp thông tin, từ trước khi lũ về, anh đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nuôi cá trong mùa nước nổi như: đào ao, làm bờ bao.
Đầu mùa mưa, khoảng tháng 5-6, anh đến trung tâm ươm giống Tiền Giang mua 4 ly giống trứng cá rô đồng, mỗi ly giá 250.000 đồng (ly uống nước loại nhỏ khi nở cá bột khoảng 400.000 con. Đến mùa nước nổi, anh đưa nước phù sa vào lấy nước đáy ra. Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên do mùa nước nổi đem lại, anh cho cá bột giống cũng như cá rô trưởng thành ăn thêm thức ăn công nghiệp có độ đạm trên 40%, nhờ đó cá rô tăng trọng nhanh.
Chỉ 4 tháng 15 ngày nuôi với diện tích 2.000m2, anh Dũng đã thu hoạch trên 10 tấn cá rô thương phẩm, bình quân đạt 12 con/kg, cao nhất là 7 con/kg. Với giá bán 25.000 -30.000 đồng/kg, anh thu lãi trên 100 triệu đồng.
Từ hiệu quả kinh tế vụ đầu, anh Dũng đầu tư mở rộng diện tích nuôi cá rô năm 2007 lên gần 2 ha và thả 8 triệu con cá rô. Dự kiến vụ cá mùa nước nổi năm nay anh sẽ thu trên 100 tấn cá rô thương phẩm. Chúng tôi đến ao nuôi của anh Dũng khi nước đã tràn đồng, bên bờ ao cá rô nuôi đã được trên 2 tháng. Từ mô hình nuôi cá rô đồng hiệu quả cao của anh Dũng, đã có thêm nhiều hộ nuôi cá rô với mục đích làm giàu từ mùa nước nổi.
Anh Nguyễn Văn Dũng cho biết: Cá rô đồng là một trong những loại cá sinh sống ở Đồng Tháp Mười. Vì thế khi thả nuôi, chúng rất phù hợp với môi trường sinh thái của vùng đất này. Cá rô nuôi trong ao không đi như cá rô đồng tự nhiên, tức là khi mưa xuống chúng không lóc ra ngoài. Việc khai thác quá mức làm cá rô đồng sinh sống ở Đồng Tháp Mười ngày càng cạn kiệt, nên tiến tới nuôi cá rô mùa nước nổi là đúng hướng đối với nông dân sống trong vùng này. Còn các loại cá như: cá lóc, cá bông... là loại cá dữ, chúng ăn cá nhỏ, nhất là cá linh, cá rô, cá sặt rằn con... Hiệu quả kinh tế không cao bằng nuôi cá rô, lại không bảo vệ được nguồn lợi thủy sản.
Mời bà con tham khảo kỹ thuật nuôi cá Rô: Kỹ Thuật Nuôi Cá Rô Đồng Trong Ao |
Vấn đề mà chính quyền và nhiều người dân ở đây đang quan tâm là xây dựng thương hiệu cá rô cho vùng Đồng Tháp Mười. Hiện tại, mô hình nuôi cá rô mùa nước nổi cho Đồng Tháp Mười chưa có “tiếng nói chung”, nên vẫn còn manh mún. Do đó mô hình “sống chung với lũ” từ nuôi cá rô chưa được nhân rộng.
Đặc biệt, nhiều hộ muốn đầu tư nuôi nhưng còn băn khoăn: nếu sản lượng cá rô lên hàng ngàn tấn thì giá cả có bị sụt giảm do thừa hàng, dội chợ, dù rằng hiện tại giá cá rô cao so với các loại cá khác ở ĐồngTháp Mười?
Dù sao những hộ nuôi cá rô thành công như anh Dũng vẫn đang tin tưởng mô hình nuôi cá rô đồng sẽ mở ra một hướng phát triển mới của nghề nuôi thủy sản cho cả vùng Đồng Tháp Mười. Họ hy vọng sẽ có nhiều triệu phú từ mô hình”sống chung với lũ” qua nghề nuôi cá rô mùa nước nổi.
Related news
An Giang là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, trong đó cây màu phát triển rất mạnh và còn nhiều tiềm năng. Để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng đó, đặc biệt là tạo ra sản phẩm sạch chất lượng, năng suất cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh đang triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số địa phương, trong đó huyện An Phú được chọn thí điểm 2 mô hình ở xã Phú Hữu và Khánh An.
Sau nhiều năm nghiên cứu, tiếp thu khoa học công nghệ mới, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản Thanh Hóa (trên địa bàn xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa) đã chủ động ứng dụng công nghệ dùng men vi sinh sản xuất tôm giống sạch; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật sản xuất đa dạng đối tượng giống thủy sản phục vụ nhu cầu thả nuôi luân canh, xen canh với tôm sú.
Theo lịch thời vụ, các hồ đã tiến hành thả tôm giống đợt 1 năm 2013 được gần 20 ngày. Nhưng nhiều vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trong tỉnh hiện vẫn án binh bất động. Nhiều diện tích hồ nuôi tôm trên cát bỏ hoang phế vì liên tục thất bại.