Giá / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Lóc - “Lợi Bất Cập Hại!” Ở Bình Định

Nuôi Cá Lóc - “Lợi Bất Cập Hại!” Ở Bình Định
Tác giả: 
Ngày đăng: 26/05/2012

Nắng tháng 5 xối vào mặt, mồ hôi ướt đẫm lưng, nhưng hoạt động thu hoạch cá lóc tại ao nuôi cá nhà anh Huỳnh Văn Lượng (xóm 7, thôn Hòa Tân, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) rất sôi động. Vụ này cá nuôi phát triển tốt, lại được giá nên người nuôi cá rất mừng. Tuy nhiên, một vấn đề làm bà con “đau đầu” là ô nhiễm môi trường từ nuôi cá…

Chị Lượng vừa ghi sổ từng mã cân cá, vừa cho biết: “Cá nuôi khoảng 4 tháng là thu hoạch, con to nhất hơn 1 kg, nhỏ nhất 0,4 kg. Như lứa cá này rất đều, mập chắc; cả người bán, người mua đều vừa ý, với giá tiêu thụ bình quân 44.000 đồng/kg. Lứa này gia đình tôi xuất khoảng 2 tấn, tổng thu hơn 80 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 40 triệu đồng”. Được biết, gia đình chị Lượng nuôi 6 ao cá lớn, nhỏ, diện tích hơn 400 m2, bình quân mỗi năm xuất bán 3 - 4 lứa, lãi ăn chắc không dưới 120 triệu đồng.

Theo người nuôi cá ở Hòa Tân, bà con chủ yếu nuôi cá lóc trong ao phủ bạt; đóng giếng lấy nước ngọt; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xử lý ao đìa, vệ sinh nguồn nước; đảm bảo thức ăn (cá tạp) tươi sống, không để dịch bệnh xảy ra. Nhờ đó, cá phát triển nhanh, rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí đầu tư. Ao nhỏ nuôi cá nhỏ, đến khi cá được chừng một tháng tuổi thì đưa ra ao lớn, lại thả tiếp cá nhỏ, cứ thế xoay vòng quanh năm. Khi xuất bán cá, hầu như chỉ cần gọi điện thoại, thống nhất giá cả, thương lái từ Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai... đưa xe về chở tận nơi, thanh toán tiền bạc dứt điểm một lần. Nhiều hộ nuôi 3 - 4 ao, với tổng diện tích 300 - 400 m2, mỗi năm thu lãi trên dưới 100 triệu đồng.

Ông Trương Minh Bé, Trưởng thôn Hòa Tân, cho biết: Phong trào nuôi cá lóc trong ao phủ bạt ở xóm 7 bắt đầu từ năm 2008 với vài hộ nuôi. Thấy hiệu quả cao, nhiều hộ đã chặt cây tạp vườn nhà lấy đất trống làm ao, nghiên cứu kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm, tổ chức nuôi cá với số lượng giống thả nuôi ngày càng tăng. Hiện cả xóm 7 có gần 40 hộ nuôi cá lóc, trong đó hơn 50% hộ nuôi với quy mô lớn, mỗi lần xuất cả tấn cá, thu lãi mỗi năm cả trăm triệu đồng. Không ít hộ đã giàu lên nhờ nuôi cá lóc. Phong trào nuôi cá lóc đã lan rộng ra các xóm 8, xóm 9 trong thôn.

Tuy việc nuôi cá lóc cho thu nhập khá cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nhưng cũng xuất hiện một nỗi lo lớn. Đó là vấn đề nước thải từ các ao nuôi, với khối lượng lớn, không được xử lý, bốc mùi tanh hôi nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường, nhất là vào mùa nắng nóng. Chưa kể, nước này đã thẩm thấu xuống một số giếng nước, không thể dùng làm nước uống như trước đây, gây bức xúc cho nhiều người, nhất là những hộ không nuôi cá.

Làm gì để vừa tránh ô nhiễm môi trường, vừa tạo điều kiện để bà con ở Hòa Tân tăng thu nhập từ nuôi cá lóc, là vấn đề đặt ra cho chính quyền xã Mỹ Đức và các ngành chức năng!

Có thể bạn quan tâm

Sản Lượng Rau Các Loại Đạt Gần 8 Nghìn Tấn Sản Lượng Rau Các Loại Đạt Gần 8 Nghìn Tấn

Trong đó, chủ yếu là su su 1.500 tấn, bắp cải 700 tấn và sản lượng đậu, đỗ, một số loại rau địa phương như cải xoong, khởi tử, cải địa phương...

26/05/2012
Cải Tạo Đất Trồng Màu Để Làm Lúa Thu Đông Cải Tạo Đất Trồng Màu Để Làm Lúa Thu Đông

Hiện nay, do làm lúa lợi nhuận thấp, nhiều nơi đã chuyển đổi 1 hoặc 2 vụ trồng lúa sang trồng màu các loại như bắp, đậu nành, mè… Dưới đây là một số biện pháp cải tạo đất sau khi trồng màu để trồng lúa thu đông có hiệu quả.

26/05/2012
Lãi Cao Từ Trồng Đậu Bắp Trên Đất Lúa Lãi Cao Từ Trồng Đậu Bắp Trên Đất Lúa

Do nghề trồng lúa gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh nên nhiều nông dân An Giang đã chuyển đổi sang trồng đậu bắp Nhật trên đất lúa, thu được hiệu quả cao.

26/05/2012