Giá / Mô hình kinh tế

Nuôi Rắn Ri Tượng Phát Triển Kinh Tế

Nuôi Rắn Ri Tượng Phát Triển Kinh Tế
Tác giả: 
Ngày đăng: 23/06/2013

Rắn ri tượng là loài thực phẩm rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay. Nhận thấy được điều đó, để có nguồn cung ổn định cho thị trường, nhiều hộ dân ở huyện Thới Bình đã phát triển mô hình nuôi rắn ri tượng thương phẩm và sản xuất rắn ri tượng giống. Điển hình là mô hình của ông Lê Văn Thắng, ở ấp 6, xã Tân Lộc Đông.

Chỉ mới bắt đầu nuôi từ tháng 10/2011 với 50 con rắn giống, nhưng hiện ông Lê Văn Thắng đã phát triển đàn rắn thịt và rắn sinh sản lên vài trăm con, mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Ông Thắng cho biết, qua xem báo, đài thấy rắn ri tượng có giá khá cao, nếu nuôi được loại rắn này sẽ phát triển kinh tế gia đình. Ông đi đến nhiều nơi như: Vĩnh Long, Tiền Giang, huyện U Minh để học hỏi mô hình và tìm kiếm con giống.

Sau khi đã tìm hiểu kỹ càng cách thức nuôi loại rắn này, ông mạnh dạn xây dựng chuồng nuôi và bắt đầu sự nghiệp nuôi rắn của mình.

Sau 1 năm nuôi, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật và cung cấp đủ lượng thức ăn, rắn của ông Thắng lớn nhanh, đạt trọng lượng từ 700 g -1 kg/con. Ông Thắng chia sẻ, để nuôi rắn ri tượng đạt hiệu quả cao, chuồng trại và thức ăn là hai khâu quan trọng.

Nên xây chuồng rắn bằng bê-tông kiên cố, cao từ 1 m trở lên, mực nước luôn giữ ổn định từ 0,5 m trở lên, có hệ thống van để cấp, xả nước, ở đáy bể cần lót một lớp bùn dày khoảng 20-30 cm, thả cỏ hoặc lục bình để tạo môi trường tự nhiên cho rắn sinh sản và phát triển.

Riêng nguồn thức ăn cũng cần chọn nguồn thức ăn phù hợp, rắn ri tượng rất thích ăn các loại cá da trơn, nếu cho ăn các loại cá có vảy rắn sẽ khó tiêu hoá và ảnh hưởng đến đường ruột.

Để giảm chi phí và kịp thời đáp ứng nguồn thức ăn cho đàn rắn của mình, ông Thắng đầu tư nuôi cá trê lai và cá tra với số lượng lớn. Ông Thắng chia sẻ thêm, để rắn dễ tiêu hoá cũng nên thường xuyên trộn thuốc tiêu hoá dành cho vật nuôi hoặc mật ong rừng nguyên chất để tăng cường hệ tiêu hoá cho rắn. Đó cũng là bí quyết giúp cho đàn rắn của ông lớn nhanh.

Tháng 4/2011, đàn rắn của ông Thắng đã sinh sản lứa rắn giống đầu tiên. Với 40 con rắn cái, sinh ra gần 200 con rắn con, thời điểm đó rắn giống ông bán được từ 80.000-90.000 đồng/con. Ông bán 100 con, còn lại ông tiếp tục xây chuồng mở rộng mô hình.

Ông Thắng cho biết, rắn con rất mạnh, sau khi nở từ 1-2 ngày là có thể tự ăn mồi. Muốn cho rắn đẻ tốt, nhắm lúc rắn gần đẻ, xả nước khô, chỉ còn lại lớp bùn và cỏ. Khi rắn đẻ xong, bắt rắn con ra một chỗ riêng vì để trong đó một số rắn mẹ sinh xong rất đói sẽ ăn hết rắn con.

Nhờ kinh nghiệm như thế nên vụ này đàn rắn của ông sinh sản đạt hiệu quả hơn, ông dự tính thu được khoảng 300 con rắn giống. Với giá trên thị trường hiện nay từ 120.000-150.000 đồng/con, ông thu lãi trên 45 triệu đồng. Riêng chuồng rắn thịt khoảng 40 con, cân nặng từ 800 g -1 kg/con, với giá từ 500.000-600.000 đồng/kg như hiện nay, ông Thắng sẽ thu về khoảng 20 triệu đồng.

Từ sự thành công trong chăn nuôi của mình, ông sẵn sàng chia sẻ và hướng dẫn các hộ dân xung quanh cùng thực hiện. Đồng thời, ông cũng đã đăng ký với chính quyền địa phương về việc nuôi động vật hoang dã để có điều kiện phát triển, nhân rộng mô hình, tìm đầu ra ổn định và có biện pháp xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra đối với vật nuôi.

Đây là mô hình rất phù hợp vì người dân có thể tận dụng diện tích xung quanh nhà để nuôi và tăng thêm thu nhập cho gia đình mình./.


Có thể bạn quan tâm

Kinh Ngạc Hai Giống “Siêu Khoai Lang” Kinh Ngạc Hai Giống “Siêu Khoai Lang”

Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây (Trường ĐH Thành Tây, Hà Nội) vừa tiết lộ hai giống khoai lang có khả năng cho năng suất “khủng”, tới 70 – 80 tấn/ha, canh tác tốt sẽ đạt 100 tấn/ha.

23/06/2013
Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cua Biển Ở Nghĩa Hưng (Nam Định) Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cua Biển Ở Nghĩa Hưng (Nam Định)

Trước đây ở Nghĩa Hưng (Nam Định) cua biển từng là mặt hàng xuất khẩu được khách hàng ưa chuộng, đem lại nguồn thu lớn cho ngư dân ở các xã ven biển của huyện. Lượng cua biển này đều được khai thác từ tự nhiên, người dân chưa biết cách duy trì nguồn giống để phát triển nghề nuôi cua biển nên sản lượng khai thác cua biển tự nhiên ngày càng khan hiếm, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Những năm gần đây, nhiều hộ nuôi thủy sản của huyện đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất giống cua biển từ các tỉnh: Cà Mau, Cần Thơ, Khánh Hòa… để áp dụng vào thực tế tại địa phương.

23/06/2013
Nghề Nuôi Lươn Đã Thật Sự Giúp Giảm Nghèo Nghề Nuôi Lươn Đã Thật Sự Giúp Giảm Nghèo

Đến xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang bạn sẽ cảm thấy rất ngỡ ngàng bởi màu sắc sân vườn phía trước nhiều ngôi nhà rất ư là lạ mắt. Trong xanh thẫm mượt mà của cỏ cây, có màu xanh dương đậm của những tấm bạt ni-lon được che chắn thành hình chữ nhựt, mỗi ô chừng vài chục mét vuông. Trong bể có lục bình, điên điển đang trổ ra những bông hoa sắc màu mát dịu. Những cái bể ấy dùng để nuôi lươn đó bạn ạ! Điểm qua hành trình của con lươn từ tự nhiên đi vào bồn bể, bạn sẽ thầm cảm ơn bao người nông dân chân chất đã cần mẫn sớm hôm để tạo thêm nguồn thực phẩm bổ dưỡng cho đời.

23/06/2013