Nuôi Cá Hồi Thiệt Hại Nặng Sau Lũ Quét Bản Khoang

Do suy giảm nguồn cung nên cá hồi tại thị trấn Sa Pa tăng giá khoảng 40-50 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân là do hai cơ sở nuôi và cung ứng cá hồi, cá tầm lớn nhất ở Sa Pa bị thiệt hại nặng trong trận lũ quét vừa qua.
Chị Nguyễn Thị Lan, chủ một nhà hàng lớn ở phố Cầu mây (thị trấn Sa Pa) cho biết, từ sau lũ quét xảy ra tại xã Bản Khoang, giá cá hồi nhập vào tăng từ 170- 180 nghìn đồng/kg tăng lên 210- 220 nghìn/kg, loại cá từ 1,2- 1,5 kg/con.
Không chỉ tăng giá, mà còn không mua được loại cá chất lượng cao của HTX Can Hồ A (xã Bản Khoang- Sa Pa), khan hiếm cá tầm và cá hồi của cơ sở Thịnh Mơ (tại xã Tả Phìn, huyện Sa Pa). Đây là hai trong số những cơ sở nuôi và cung ứng cá hồi, cá tầm chất lượng cao, sản lượng lớn nhất trên địa bàn huyện Sa Pa hiện nay.
Trận lũ quét dữ dội xảy ra đêm 4-9 vừa qua đã “xóa sổ” toàn bộ HTX cá nước lạnh Can Hồ A. Ông Nguyễn Cẩm Lũy, Chủ nhiệm HTX Can Hồ A cho biết: Lũ quét đã phá hủy 12/15 ao ươm giống và nuôi cá hồi thương phẩm, cuốn trôi bảy tấn cá tầm, 17 tấn cá hồi cùng toàn bộ số cám nuôi cá nhập khẩu từ Phần Lan và Pháp, tổng thiệt hại khoảng hơn 20 tỷ đồng.
Cũng tại xã Tả Phìn (Sa Pa), lũ quét đã tràn qua hệ thống ao nuôi cá hồi của cơ sở Thịnh Mơ, cuốn trôi ra suối Ngòi Đum hàng chục tấn cá thương phẩm.
Được biết, tại huyện Sa Pa hiện có trên 30 cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm, với tổng sản lượng khoảng 150 tấn cá thương phẩm/năm.
HTX Can Hồ A và cơ sở Thịnh Mơ là hai địa chỉ cung cấp lượng cá hồi, cá tầm lớn của Sa Pa đã bị thiệt hại nặng do lũ quét. Chính vì vậy, nguồn cung ứng cá hồi và cá tầm cho các nhà hàng, khách sạn tại thị trấn Sa Pa suy giảm, khiến cá tăng giá mạnh.
Related news

Bên cạnh những lo ngại như mất thị trường trong nước, gây xáo trộn quy hoạch một số ngành..., không thể phủ nhận việc thương nhân Trung Quốc (TQ) thu gom nông sản cũng tạo ra một số dấu hiệu tích cực, nếu không muốn nói đây chính là cơ hội để nông dân, doanh nghiệp (DN) Việt Nam trưởng thành hơn, thúc đẩy giao thương, buôn bán giữa hai nước, giảm nhập siêu từ TQ

Tháng 9/2010, nông dân trồng cao su ở Tánh Linh (Bình Thuận) từng điêu đứng khi lần đầu tiên đối mặt với bệnh vàng lá. Đến tháng 5/2011, bệnh vàng lá lại một lần nữa xuất hiện sớm hơn so với dự kiến và có khả năng dịch bệnh sẽ lan rộng trên nhiều diện tích trồng cao su của huyện vào tháng 8, 9 tới

Trong những năm gần đây, ở huyện Dương Minh Châu (DMC), tỉnh Tây Ninh có rất nhiều nông dân đã và đang tự đi tìm cho mình những cung cách làm ăn mới, trong đó có nghề nuôi động vật hoang dã. Bên cạnh một số loài động vật được nuôi như rắn long thừa, cá sấu, nhím, heo rừng… đã có từ trên chục năm thì hiện còn có thêm nghề nuôi ba ba đạt hiệu quả kinh tế cao, đã và đang có chiều hướng phát triển.