Nuôi Bò Lai Mũi Nhọn Kinh Tế Nhà Nông
Trong khi ngành chăn nuôi lao đao vì giá cả bấp bênh, vì dịch bệnh thì riêng chăn nuôi bò lai nông dân ít gặp rủi ro, giá cả luôn ổn định, trở thành mũi nhọn kinh tế cho nhà nông hiện nay.
Bò lai "cõng" chữ
Nằm giữa vùng hạ lưu sông Trà Khúc thôn Ân Phú, xã Tịnh An (Sơn Tịnh), không có ruộng nước. Cả một bãi bồi rộng lớn, chỉ thấy toàn một màu xanh của cỏ voi, của hoa màu. Vào sâu bên trong làng, từng khoảnh đất nhỏ trong vườn, nhà nhà đều cắm cỏ, bên cạnh chuồng nuôi bò.
Ông Nguyễn Tấn Lợi giãi bày: Không nuôi bò thì khó cho con đến trường lắm. Trồng rau màu chỉ đủ đổi gạo, mua mắm muối. Ba người con của tôi đến trường, mỗi năm lên một lớp học đều "dắt theo" một cặp bò nghé" để mua quần áo, sách vở và cả việc đóng học phí....
Ở làng giữa sông Trà Khúc đất ít, người đông. Mỗi nhân khẩu chỉ có hơn 120 m2 đất sản xuất. Nông dân tận dụng đất bãi bồi để trồng cỏ nuôi bò. Người nuôi bò lai sinh sản, người nuôi bò thịt. Một năm bình quân họ cũng kiếm được từ 30 - 35 triệu đồng từ việc bán bò. Nguồn tiền từ nuôi bò này đã chắp bao ước mơ của bọn trẻ bước vào các giảng đường cao đẳng, đại học.
Chúng tôi đi ngược dòng sông Vệ, đến đoạn Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), bên những dải đất bồi ven sông là màu xanh bời bời của cỏ voi, của bắp. Bà Lê Thị Yến, thôn Thiên Xuân, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) đang chăm sóc cỏ, lau những giọt mồ hôi cho biết: "Nhờ trồng cỏ nuôi bò sinh sản mà ba người con tôi đều vào được trường chuyên nghiệp. Đứa đậu đại học Bách khoa Đà Nẵng, đứa Đại học Y Khoa Huế, đứa học cao đẳng Quảng Ngãi...Cực nhưng nghĩ đến bọn nó là vui".
Ở vùng nông thôn Quảng Ngãi, xưa kia nhà nông làm lụng vất vả cái ăn luôn chật vật, thì nay nhờ nuôi bò lai nhiều gia đình đã cho con ăn học đàng hoàng.
Dự án đứt, nông dân lo lắng
Nông dân biết nuôi bò lai để phát triển kinh tế là nhờ Dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển đàn bò lai tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2007-2010 do Trung tâm khuyến nông khuyến ngư triển khai. Trong quá trình thực hiện, dự án đã cung ứng 70.310 liều/104.800 liều tinh; đồng thời cung ứng 70.350 bộ dụng cụ; 30754 lít/76050 lít N2 lỏng.
Ngoài ra, dự án còn đầu tư vật tư thiết bị phục vụ phối giống và cung ứng cho nông dân 100 con bò đực giống. Đối với đồng bằng, dự án hỗ trợ tinh giống, đối với huyện miền núi thì được hỗ trợ bò đực giống. Ngoài ra còn tập huấn, cho nông dân tham quan, đào tạo bồi dưỡng tay nghề cho dẫn tinh viên và triển khai mô hình trồng cỏ nuôi bò.
Trong 3 năm thực hiện, dự án đã phối giống cho 62.775con/73.000 con, nâng tổng số bò lai toàn tỉnh lên 43% so với tổng đàn. Nhờ đó đã đem lại cho người chăn nuôi bò hiệu quả kinh tế cao so với nuôi bò vàng địa phương. Tuy nhiên, dự án kết thúc từ năm 2011.
Những hộ được nuôi giữ bò đực giống thì dần đến chu kỳ bán, tinh phối giống cũng không còn được hỗ trợ nên nông dân lo lắng. Ông Hồ Thanh Hương - Cán bộ thú y xã Ba Động (Ba Tơ), cho biết: Người chăn nuôi bò hiện nay không còn được hỗ trợ tinh giống. Nhiều hộ cho rằng chi phí phối giống hiện nay cao gấp 3 lần so với trước nên ít người thực hiện.
Trước thực tế này, Trung tâm khuyến nông tỉnh đã lập Dự án Cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt ở 6 huyện đồng bằng, thành phố tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2011- 2015. Quy mô dự án là cả vòng đời phối giống cho 62.500 lượt bò cái, được thực hiện ở 6 huyện đồng bằng, thành phố Quảng Ngãi.
Nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò, tăng sản lượng và chất lượng thịt bò đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng, góp phần tăng tỷ trọng giá trị sản xuất về chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà. Thế nhưng, dự án đã trình từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
Related news
Theo chân ông Chu Văn Báo, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), qua chợ vải thiều những ngày cuối vụ, cảnh mua bán đã không còn tấp nập như vài ngày trước. Người viết muốn tìm mua một chùm vải thiều VietGap loại 1 để thưởng thức cũng thật khó, bởi thương lái đã bao tiêu toàn bộ lượng vải ở chợ cho đến cuối vụ.
Thời gian gần đây, cụm từ chuyển đổi đất sản xuất lúa vụ 3 (lúa thu đông) sang trồng màu đã không ít lần được một số nhà chuyên môn lẫn lãnh đạo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) nhắc đến. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra: “chuyển sang trồng màu, ai lo đầu ra cho nông dân?
Thời điểm này, nhiều hộ nuôi con đặc sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang rơi vào cảnh nợ nần, thua lỗ vì giá một số loại con đặc sản xuống thấp hoặc không có đầu ra.