Nuôi Ba Ba Cải Thiện Thu Nhập
Những năm gần đây, phong trào nuôi ba ba thịt, ba ba giống đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn định và cải thiện được cuộc sống gia đình của nhiều hộ dân, trong đó có người dân ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.
Là người đầu tiên khởi xướng và cũng là Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) Thuận Lợi, ông Lê Văn An ở ấp Nhơn Thuận 1 cho biết: “Những năm trước, do kinh tế gia đình khó khăn nên tôi tìm mua giống ba ba về nuôi thử với mục đích là cải thiện cuộc sống gia đình. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, từ 400 con giống ban đầu đến khi xuất bán còn khoảng 130 con, thu được 26 triệu đồng”. Thấy lợi nhuận cao, ông An đã học hỏi kỹ thuật nuôi thông qua các mô hình ở nhiều nơi, tìm hiểu thêm sách báo để có thêm kinh nghiệm. Với 2 hầm chuyên nuôi ba ba giống và ba ba thịt, giờ đây nguồn thu nhập của gia đình đã tăng lên hơn trăm triệu đồng mỗi năm.
Do hiệu quả đem lại từ con ba ba, HTX Thuận Lợi cũng được ra đời vào năm 2009 với 16 thành viên. Từ khi HTX thành lập, cuộc sống các xã viên nâng lên đáng kể, trong đó có 5 xã viên là cựu chiến binh đã vươn lên thoát nghèo. Ngoài thực hiện chức năng tập hợp hộ nuôi, HTX còn đảm nhận chức năng cung ứng nguồn ba ba thịt ra thị trường. Hiện ba ba thịt loại 1 mua tại hầm có giá 380.000 - 385.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 50%. Ông Tuyết Văn Hoành, ở cùng ấp Nhơn Thuận 1 và cũng là xã viên của HTX chia sẻ: “Từ khi tham gia vào HTX, cuộc sống gia đình tôi đã cải thiện rõ rệt. Trước đây, chỉ làm thuê, làm mướn, nhưng khi thấy nhiều người nuôi ba ba có lời, tôi cũng bắt đầu tham gia. Vụ nuôi vừa rồi, sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 40 triệu đồng. Lần này, tôi tiếp tục thả nuôi 2 hầm với 600 con ba ba giống, hy vọng lợi nhuận sẽ còn tăng hơn so với vụ trước”.
Theo kinh nghiệm lâu năm của những người nuôi, ba ba nuôi không khó. Chỉ cần có chỗ cho ba ba nghỉ ngơi dưới nước, trên bờ và chỗ cố định cho ba ba ăn để tiện theo dõi. Điều đặc biệt là người nuôi phải hết sức kiên trì, thường xuyên làm vệ sinh ao nuôi. Xung quanh ao phải xây bờ cao để tránh ba ba vượt ra ngoài gây thất thoát. Do là loài ăn tạp, nên thức ăn chủ yếu là cá, ốc, đầu tôm, thức ăn hỗn hợp… Tuy nhiên, ba ba cũng thường xuất hiện nhiều loại bệnh như: nấm, ghẻ, đường ruột, huyết hầu… nhưng nếu phát hiện sớm, phòng trị kịp thời sẽ không làm ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng của ba ba.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đặc sản này ngày càng tăng, đầu ra dễ dàng, giá cả lại ổn định. Đến mùa thu hoạch, thương lái từ các nơi đến tận hầm thu mua nên không sợ “ế” như các sản phẩm khác. Anh Trần Văn Hiền, ở ấp Nhơn Thuận 1 cho biết: “Dù trồng 4 công lúa và 2 công vườn, nhưng vẫn tận dụng diện tích đất sau nhà khoảng 300 m2 để xây hầm nuôi ba ba. Vụ vừa rồi với 400 con ba ba thịt, tôi thu được 30 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng. Ngoài việc cung cấp ba ba thịt cho người tiêu dùng, tôi còn bán con giống cho các xã viên và các hộ lân cận”.
Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa A Võ Văn Hai, cho biết: Bước đầu HTX Thuận Lợi cũng có nhiều khó khăn trong công tác vận động, khâu tổ chức, nhưng dần đã hoàn thiện và hoạt động khá hiệu quả. Từ khi tham gia vào HTX, cuộc sống của nhiều xã viên được nâng dần lên, nhiều hộ từ cận nghèo đã thoát nghèo. Đầu ra ba ba thịt và giống thời gian qua rất thuận lợi nên người dân yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện cho các xã viên tiếp cận nguồn vốn vay để giúp xã viên phát triển kinh tế. Hàng năm, xã còn phối hợp với ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật, theo dõi sát tình hình hoạt động của HTX, nhằm đưa HTX hoạt động ngày càng hiệu quả. Trong thời gian tới, địa phương sẽ nhân rộng mô hình để giải quyết việc làm và cải thiện nguồn thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Song song đó, sẽ củng cố và nâng chất hoạt động các HTX đạt từ loại khá trở lên để phù hợp với tiêu chí của xã nông thôn mới.
Related news
Nguyễn Ngọc Tứ, bản Hua Nguống, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng được mọi người gọi bằng cái tên “Chàng thanh niên mê cây cà phê”.
Nam Tân là một trong những xã nuôi trồng thuỷ sản mạnh nhất trong huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Hiện nay xã có từ 120-130 ha mặt nước tự nhiên, sản lượng thuỷ sản của xã chiếm trên 1/4 tổng sản lượng của toàn huyện (từ 27-28%), hàng năm thu được khoảng 500-550 tấn cá (sản lượngtoàn huyện Nam Sách khoảng hơn 2.000 tấn/năm).
Nhiều năm qua, nấm rơm trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Tuy nhiên, hiện nay nhiều nông dân đã lâm vào cảnh nợ nần và quyết định bỏ nghề.