Prices / Mô hình kinh tế

NTM Bắc Ninh: Nuôi chim quý lợi nhuận cao

NTM Bắc Ninh: Nuôi chim quý lợi nhuận cao
Author: Thái Uyên
Publish date: Wednesday. December 21st, 2016

Cơ duyên đưa anh Nguyễn Hữu Khởi, thôn Đông Sơn (Việt Đoàn, Tiên Du) đến với nghề nuôi chim công rất ngẫu nhiên. Năm 2002, tình cờ xem chương trình thế giới động vật trên kênh VTV2 giới thiệu về đời sống của loài chim công, anh bị cuốn hút ngay bởi ngoại hình rực rỡ của loài chim quý này.

Trong ảnh: Chuồng nuôi chim công hậu bị.

Qua tìm hiểu mô hình nuôi chim công ở các tỉnh, nghiên cứu các tài liệu về đặc điểm sinh trưởng, biện pháp kỹ thuật nuôi dưỡng, nhận thấy loài chim này không khó nuôi, thức ăn đơn giản chỉ cần thóc ngô, rau xanh, … năm 2006 anh Khởi quyết định đầu tư chăn nuôi chim công. Sau khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chuồng trại, anh mua 20 con chim giống với số tiền 24 triệu đồng. Vừa chăn nuôi vừa tìm hiểu, đúc rút kinh nghiệm dần dà những khó khăn cũng đi qua.

Anh Khởi tâm sự: “Khi mới bắt đầu nuôi chim công do chủ quan nên tôi gặp không ít khó khăn, nhất là về cách chăm sóc, phòng trị bệnh vì chưa có kinh nghiệm. Thực tế ở Bắc Ninh vẫn chưa có ai chăn nuôi theo hướng này. Với niềm đam mê tôi sưu tầm tư liệu, tham khảo ý kiến chuyên gia ngành chăn nuôi, tự quan sát nghiên cứu trong quá trình nuôi, cộng với bản thân có kinh nghiệm nhiều năm trong chăn nuôi gia cầm nên giúp ích cho tôi rất nhiều. Đàn công sinh trưởng phát triển tốt. Trung bình 1 công mái mỗi năm sinh nở 24- 26 công con. Từ số con giống mua được, tôi liên tục tăng đàn công lên hàng trăm con.”.

Vì là vật nuôi mới thị trường tiêu thụ hạn chế, mô hình chăn nuôi của gia đình chưa được nhiều người biết tới, anh Khởi đi tới các khu du lịch sinh thái, các trang trại, nhà vườn để quảng bá bán con giống. Cứ thế “tiếng lành đồn xa” mô hình của anh được nhiều người biết tới, gọi điện đặt hàng và đến thăm quan học hỏi kinh nghiệm. Khi tích lũy vốn kinh nghiệm kha khá, nhưng điều kiện chuồng trại của gia đình không thể tăng đàn thêm, năm 2015 anh Khởi liên kết với hộ anh Nguyễn Hoàng Thúc ở xã Phật Tích (là hộ có điều kiện về đất đai xây dựng chuồng nuôi quy mô) để chuyên nuôi đàn công hậu bị. Từ đây trại nuôi của gia đình chuyên tâm về sản xuất con giống, vừa cung cấp cho các tỉnh trong cả nước, vừa cung cấp nguồn giống cho trại nuôi của anh Thúc. Hiện trại nuôi công của anh Khởi có 100 con chim bố, mẹ và 100 con công hậu bị. Trong năm 2016 cung ứng gần 700 con chim công giống, với giá 1 triệu đồng/con. Lợi nhuận đạt khoảng 300 triệu đồng/năm.

Nuôi chim công không khó, nhưng luyện làm sao cho công múa đẹp là cả một vấn đề. Anh Khởi tiết lộ: Cần có bí quyết riêng mới có thể thành công được. Muốn luyện cho công múa, phải luyện cho con vật quen người trước, sau đó mới từng bước dạy múa. Ví như múa xòe đuôi là cơ bản nhất, cần tạo không gian rộng, thoáng, để ánh nắng chiếu vào chim công thì nó mới có hứng múa. Nếu muốn công múa cả chân kết hợp với đuôi thì người chủ phải thường xuyên vào chuồng nhảy múa, chơi cùng với chúng.

Chim công trưởng thành.

Chăn nuôi chim công vừa cho hiệu quả cao vừa và là vật nuôi có tính giải trí cao với ngoại hình độc đáo, bắt mắt đã thu hút sự quan tâm của khách hàng trong cả nước đã mở ra hướng phát triển tiềm năng về loài vật nuôi này. Anh Khởi mơ ước sẽ từng bước nhân rộng mô hình, áp dụng khoa học kỹ thuật trong khâu sản xuất giống, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành con giống, mở rộng chăn nuôi theo hướng thương phẩm, tiến tới có đủ sản phẩm để chế biến món “nem công”- món ăn thượng hạng mà chỉ nghe chứ chưa được thưởng thức.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Xuyến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Du: anh Khởi là hội viên năng động, nhạy bén trong tiếp cận với các xu thế mới. Trại nuôi công của gia đình anh hiện là “độc nhất vô nhị” trong vùng. Ngoài nuôi loại chim quý này, gia đình anh còn làm đại lý thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và cung ứng các loại giống gia cầm. Anh còn giúp đỡ nhiệu hội viên trong xã về con giống, kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi cùng nhau phát triển kinh tế, làm giầu chính đáng. Nhiều năm liên đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2016 Hội Nông dân huyện tiếp tục đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen cho anh Nguyễn Hữu Khởi.


Related news

An Giang: Hiệu quả mô hình trồng nấm rơm bằng nguyên liệu bông vải An Giang: Hiệu quả mô hình trồng nấm rơm bằng nguyên liệu bông vải

Nấm rơm là loại nấm dễ trồng so với nhiều loại nấm khác, thời gian thu hoạch ngắn và cho lợi nhuận khá cao. Nghề trồng nấm rơm đã được nông dân đầu tư mạnh

Wednesday. December 21st, 2016
“Lên đời” cho sản phẩm nhung nai “Lên đời” cho sản phẩm nhung nai

Ngành chăn nuôi nai lấy nhung, mới đây, một doanh nghiệp đã cam kết sẽ xây dựng mô hình nuôi nai khá táo bạo để khôi phục lại ngành chăn nuôi đã bị mai một này.

Wednesday. December 21st, 2016
Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ở Quế Phong: Thay đổi nhận thức của người dân Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ở Quế Phong: Thay đổi nhận thức của người dân

Quế Phong là huyện miền núi của tỉnh Nghệ An. Do trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn

Wednesday. December 21st, 2016