Nông nghiệp vùng Tây Nam Bộ mất trắng “3 nhất”
Trong 6 tháng đầu năm 2017, mức tăng trưởng nông nghiệp của vùng Tây Nam Bộ “3 nhất” đã thấp hơn mức trung bình cả nước.
Cần liên kết để vực dậy nông nghiệp vùng Tây Nam Bộ (Trong ảnh: Nhà nông huyện Duyên Hải, Trà Vinh thu hoạch dưa hấu vào thời điểm giá dưa chỉ còn 1.200 đồng/kg). Ảnh: H.X
Thiên tai, dịch bệnh kéo giảm nông nghiệp
Ông Trần Trí Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh đưa ra nhận xét: “Nhiều năm trước đây, ĐSBCL là một trong những vùng phát triển nhất của cả nước, thường được gọi với danh hiệu là 3 nhất, cụ thể là: Thủy sản nhất, lúa nhất và trái cây nhất. Nhưng nay coi như không còn nhất nào nữa”.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng thu ngân sách của vùng đạt 51,7% dự toán, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,5% so với cùng kỳ. Có 4.275 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 10,2% (tuy nhiên tổng số vốn đăng ký giảm 22,7%). Các lĩnh vực y tế, giáo dục tiếp tục được duy trì, dịch bệnh được kiểm soát.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) ước đạt 253,7 nghìn tỷ đồng (tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,45%). Tuy có cao hơn bình quân cả nước nhưng lại thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng trưởng đạt 6,5%). Đặc biệt, trong 3 lĩnh vực thì công nghiệp và dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao, còn nông nghiệp chỉ đạt 2,07% (cả nước là 2,65%).
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận định, sở dĩ lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng chưa tương xứng là do ở một số địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nên năng suất, sản lượng không cao, sản phẩm tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong chăn nuôi lợn. Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển phức tạp cũng làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân.
Ông Trần Văn Rón - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long nêu ra một nguyên nhân nữa kéo giảm nông nghiệp trong vùng: “Do nhiều nguyên nhân, các quốc lộ nối Trà Vinh với Vĩnh Long nhỏ hẹp, thường xuyên sửa chữa và không biết sửa khi nào mới xong. Tình trạng trên ảnh hưởng rất lớn trong việc đi lại và vận chuyển hàng hoá nông sản”.
Ông Dũng đề nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và các đơn vị liên quan nghiên cứu hỗ trợ nông dân tránh tình trạng được mùa mất giá bằng cách có những dự báo thông tin thị trường sớm để các tỉnh nắm, để từ đó cân đối sản lượng.
Liên kết vực dậy nông nghiệp
Ông Sơn Minh Thắng – Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng: “Một trong những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp của vùng là do quy hoạch, liên kết còn nhiều bất cập. Vì vậy, tới đây, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện vào công tác này. Bên cạnh sự nỗ lực của vùng, rất cần các bộ, ngành quan tâm đầu tư các công trình bảo vệ sản xuất cũng như các công trình giao thông để hàng hóa được chuyển đi xa hơn”.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ vừa được tổ chức tại TP.Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo: “Ngoài tập trung công tác liên kết vùng, trong 6 tháng cuối năm, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cần tập trung tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, các sự kiện xúc tiến vào ĐBSCL, thu hút tài trợ quốc tế vào vùng, tìm giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng sạt lở trình Chính phủ trong thời gian tới”.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng cần phối hợp với một số địa phương tìm biện pháp giải quyết một số vấn đề mang tính chất trọng tâm về đào tạo nghề, phát triển giáo dục, tiếp tục thực hiện đề án về hỗ trợ đồng bào Khmer; tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện kế hoạch về phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL.
Related news
Anh Tuyên đang tiếp tục nghiên cứu gắn thêm động cơ để đẩy chiếc xuồng đi mà không cần một người đẩy xuồng như hiện tại.
Hầu hết các mặt hàng trái cây mà Việt Nam nhập từ các nước khác, đặc biệt từ Thái Lan gần như không tiêu thụ trong nước mà chúng ta xuất đi nước thứ ba
Với quy mô vừa phải, mô hình này đã phát huy được hiệu quả kinh tế khi tận dụng được thời gian nhàn rỗi sau những giờ làm việc ở cơ quan.