Nông Dân Vùng U Minh Hạ Trúng Đậm Mùa Cá Đồng

Ông Lê Thanh Triều, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện U Minh tỉnh Cà Mau cho biết nông dân vùng rừng tràm U Minh Hạ bao gồm ba huyện hệ sinh thái ngọt là U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình đã trúng đậm vụ cá đồng. Tổng sản lượng cả tỉnh ước đạt 30.000 tấn, tăng 7.000 tấn so với mùa vụ trước.
Cá đồng bao gồm các loại cá lóc, cá trê, cá bổi, cá thát lát, cá sặc rằn…, phổ biến nhất là cá lóc với sản lượng ước đạt 10.000 tấn, cá rô đạt 3.000 tấn. Đây cũng là hai loại cá có giá nhất trên thị trường hiện nay.
Cá lóc loại 1 giá 90.000 đồng/kg, cá rô giá 70.000 đồng/kg, cá sặc là loại cá giá thấp nhất cũng 50.000 đồng/kg. Theo thống kê sơ bộ, có trên 1.200 hộ trúng đậm mùa cá đồng vụ này với thu nhập trên 100 triệu đồng trở lên.
Nhiều bà con ở đây cho biết, nguyên nhân trúng đậm vụ cá đồng là do mùa mưa kéo dài, mực nước trên ruộng cao làm cho cá phát triển nhanh. Diện tích trồng lúa ngày càng mở rộng cũng là điều kiện tốt cho cá đồng dễ tìm thức ăn.
Nhưng nguyên nhân chủ yếu là bà con đã chuẩn bị tốt nguồn cá giống từ mùa khô năm trước để thả nuôi vào đầu mùa mưa, chuẩn bị cho thu hoạch mùa khô năm nay.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho người nuôi cá đồng có thu nhập, xem như một nghề phát triển kinh tế gia đình, chính quyền địa phương đã có chủ trương bảo vệ nguồn lợi cá đồng rất nghiêm ngặt như không được xâm hại tới diện tích nuôi cá đồng của nhau, không được bắt cá non, không cho cá đồng ăn thức ăn công nghiệp…
Cá đồng là đặc sản của tỉnh Cà Mau. Trước năm 2000, diện tích nuôi cá đồng của tỉnh lên tới 300.000ha, hiện nay đã giảm đi 50%, sản lượng cũng giảm 2/3 so với trước. Nguyên nhân là địa phương đã dành phần lớn diện tích đất để nuôi tôm, từ đó diện tích nuôi cá đồng bị thu hẹp đáng kể.
Theo quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Cà Mau từ nay đến năm 2020, cá đồng được ưu tiên đầu tư và phát triển, phấn đấu ổn định diện tích nuôi cá đồng đạt 200.000 ha, sản lượng mỗi năm đạt 50.000 tấn.
Có thể bạn quan tâm

Trước tình trạng nghêu chết hàng loạt tại một số địa phương ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Viện Hải dương học Nha Trang và Cục Thú y đã phối hợp với các địa phương điều tra, nguyên nhân được xác định là do nắng nóng, môi trường khắc nghiệt cộng với việc người dân ham lợi nhuận thả nuôi mật độ cao.

Trong khi một số vùng trồng bắp lấy hạt bị thất mùa do ảnh hưởng thời tiết thì mô hình trồng bắp lấy thân để bán cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) mở ra hướng làm ăn mới…

Điểm nhấn trong bức tranh khởi sắc về kinh tế nông hộ của xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) những năm qua có thể kể đến là mô hình kinh tế lợn - cá. Nhờ mô hình này mà hàng chục hộ nông dân nơi đây đã trở thành triệu phú với mức thu nhập bình quân hàng năm sau khi trừ chi phí đạt từ 150 - 200 triệu đồng/mô hình.