Bật Dậy Nhờ Nghề Biển
Ngư dân Trương Thanh Định ở thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt mặt tươi như xuân khi vừa trở về từ chuyến đánh bắt cá dài ngày trên biển. Ông Định cho biết trừ chi phí xong đâu vào đấy chuyến ra khơi vừa rồi ông lãi gần 50 triệu đồng. Mạnh dạn đầu tư phương tiện đánh bắt hiện đại nên gia đình ông Định làm ăn rất khấm khá. Năm 2011, nhờ đánh cá ông thu về được hơn 1 tỷ đồng tiền lãi. Còn ông Nguyễn Ái cũng ở thôn Xuân Ngọc được xếp nhóm đầu ngư dân ăn ra làm nên nhờ đánh cá trên biển. Thu nhập sau chi phí của gia đình ông Ái năm qua đến một tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Hải - Phó chủ tịch xã Gio Việt, cho biết đoàn thuyền đánh cá của xã này có 160 chiếc, có công suất từ 45CV trở lên. Tổng sản lượng thuỷ hải sản ngư dân Gio Việt khai thác trong năm 2011 đạt hơn 2.000 tấn. Nhờ việc đầu tư phương tiện đánh bắt khá hiện đại và đồng bộ nên từ đầu năm 2012 đến nay nhiều hộ ngư dân ở Gio Việt đã trúng đậm với tổng sản lượng ước đạt gần 500 tấn cá các loại, chủ yếu là cá cơm và cá nục. Nếu cá bán tươi, giá chỉ từ mười ngàn đồng/kg, nhưng sau khi đã qua chế biến, giá cá khô được bán với giá bốn mươi ngàn đồng/kg. Do đó, ngư dân vùng này đã đầu tư lò hấp sấy cá nhằm giải quyết việc làm tại chỗ và tăng thêm thu nhập cho gia đình. Hiện tại Gio Việt có đến 55 lò hấp sấy cá xuất khẩu.
Một lực lượng đánh cá thiện chiến khác là của thị trấn Cửa Việt. Ông Nguyễn Trường Kỳ - Chủ tịch thị trấn Cửa Việt, cho biết: Cửa Việt là một trong những địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ tương đối lớn cả về số lượng và công suất của tàu với 200 chiếc tàu thuyền, trong đó có 52 tàu từ 110 đến 165 CV, có hơn 500 lao động tham gia đánh bắt xa bờ. Mỗi tàu đánh bắt xa bờ doanh thu bình quân trên 200 triệu đồng/tháng, trừ các loại chi phí còn khoảng 80 triệu đồng. Thu nhập từ đánh bắt cá chiếm 50% tổng thu nhập của người dân toàn thị trấn.
Theo ông Kỳ, thị trấn Cửa Việt thành lập được 3 tổ đoàn kết làm ăn trên biển. Các tổ thành lập được phân chia thành địa giới từng khu phố và cũng gọi tên tổ đoàn kết theo khu phố đó. Trước đây, các tàu đánh bắt xa bờ ở thị trấn Cửa Việt làm ăn riêng lẻ nên thường bị các tàu lạ uy hiếp, xua đuổi. Từ khi tình hình trên biển Đông có những diễn biến phức tạp, ngư dân đã tập trung khai thác trên một ngư trường. Nếu có tàu lạ xuất hiện sẽ có điều kiện để hỗ trợ nhau khi có tình huống bất trắc. Có nhiều tàu mang quốc kỳ Việt Nam xuất hiện trên một vùng biển thì anh em đi trên tàu rất yên tâm làm ăn và vững tin bám biển.
Chiếm 50% tổng sản lượng toàn tỉnh
Ông Nguyễn Huy Hùng - Chủ tịch huyện Gio Linh, cho biết huyện có bờ biển dài trên 15 km, từ nam Cửa Tùng đến bắc Cửa Việt, thuộc 3 xã và 1 thị trấn với gần 20 ngàn dân sống chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt thuỷ hải sản. Nhiều gia đình ngư dân nhờ biết đầu tư khai thác biển mà trở nên giàu có. Tổng sản lượng đánh bắt thủy hải sản năm 2011của huyện đạt gần 11.000 tấn, chiếm 1/2 tổng sản lượng toàn tỉnh, trong đó xuất khẩu trên 4.000 tấn hàng cao cấp.
Theo ông Hùng, năng lực khai thác, đánh bắt thủy hải sản của Gio Linh ngày càng mạnh. Toàn huyện hiện có hơn 800 tàu thuyền các loại, với tổng công suất gần 20.000 CV. Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Gio Linh giai đoạn 2010-2015, xác định: "Chú trọng đầu tư phương tiện đánh bắt và ngư lưới cụ để xây dựng đội tàu biển hùng mạnh giúp ngư dân làm chủ biển đông và khai thác biển, không ngừng đẩy mạnh khai thác biển để tăng thu nhập cho ngư dân, góp phần thúc đẩy kinh tế huyện nhà phát triển”.
Những năm qua ngư dân vùng biển Gio Linh đã nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ, như hỗ trợ ngư dân vay tiền đầu tư các phương tiện đánh bắt thuỷ hải sản để tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, vừa làm chủ ngư trường, góp phần đảm bảo chủ quyền an ninh trên vùng biển, đảo của Tổ quốc. Với huyện Gio Linh, khai thác và chế biến thủy hải sản đã được khẳng định là một thế mạnh kinh tế quan trọng, tạo ra sức bật cho huyện. Huyện mong muốn được các cấp, các ngành liên quan quan tâm hỗ trợ giúp đỡ hơn nữa về các nguồn vốn để giúp ngư dân mua sắm ngư lưới cụ, tập huấn về công tác chế biến hải sản, đặc biệt là tìm một thị trường tiêu thụ ổn định để nâng cao giá trị sản phẩm, đưa lại thu nhập cao, góp phần cải thiện đời sống cho ngư dân.
Có thể bạn quan tâm
Bằng sự cố gắng vượt bậc, xã Hiệp Hòa (thị xã Quảng Yên) đã trở thành 1 trong 4 xã về đầu trong phong trào thi đua “Xã nông thôn mới - phường, thị trấn văn hóa" năm 2012 của Quảng Ninh.
Diện tích na ở hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng có khoảng 2.000ha, sản lượng trung bình đạt gần 300 ngàn tấn/ năm. Ông Vy Văn Tuyến ở thị trấn Đồng Bành (huyện Chi Lăng) - chủ nhân của hơn 1.000 gốc na cho biết: “Năm ngoái giá na loại to đẹp chỉ 25.000 đ/kg, nhưng năm nay lên tới 35.000 – 40.000 đ/kg, loại trung bình có giá từ 25.000 – 28.000 đ/kg nên người dân vui lắm”.
Dịch LMLM gia súc đã tái phát tại các xã Đạ Chais, Đạ Sar và thị trấn Lạc Dương (Lâm Đồng) từ trung tuần tháng 5/2013 tới nay và đang có nguy cơ tiếp tục lây lan.