Giá / Tin nông nghiệp

Thành tỷ phú sau 2 năm nuôi gà Phùng Dầu Sơn

Thành tỷ phú sau 2 năm nuôi gà Phùng Dầu Sơn
Tác giả: Tiến Dũng
Ngày đăng: 17/06/2016

Hiện trang trại của chị mỗi năm cho lãi ròng  hơn nửa tỷ đồng. Đây cũng là trang trại gà Phùng độc nhất ở huyện Tân Kỳ nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.

Loay hoay tìm hướng đi

Học xong phổ thông, năm 1990, chị Phạm Thị Hoa kết hôn với chàng trai cùng làng. Hai vợ chồng chị được gia đình cho ra ở riêng với mấy sào ruộng khoán.  Ngoài làm nông, hai vợ chồng còn xoay như chong chóng làm nhiều nghề khác và chăn nuôi gia súc, gia cầm để kiếm thêm thu nhập. Nhờ siêng năng, cần cù, chịu thương chịu khó nên vợ chồng chị cũng góp được một số vốn liếng và vay mượn thêm để lập một trang trại nuôi bò. Nhưng rồi trang trại bò hơn 40 con cũng chết yểu bởi nhiều nguyên nhân như thiếu chuyên môn, kỹ thuật, thời tiết, thổ nhưỡng không phù hợp nên đàn bò phát triển kém, tỷ lệ sinh sản thấp, tỷ lệ mắc bệnh cao.

Mình cũng xuất phát từ nông dân, cũng khó khăn, được làm giàu cùng bà con nông dân chính là niềm vui và trách nhiệm của tôi. Tuy nhiên, nếu có sự liên kết giữa các hộ với nhau, việc phát triển giống gà này sẽ còn thuận lợi hơn nữa”.

Chị Phạm Thị Hoa

Không nản, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ vợ chồng chị lại tìm hướng đi khác, đó là mua máy ủi để nhận làm các công trình xây dựng. Chiếc máy ủi mua từ năm 1993, cho thu nhập không cao nhưng cũng đủ cho vợ chồng chị trang trải cuộc sống nuôi các con ăn học. Thế nhưng, chị Hoa vẫn luôn trăn trở, khát khao làm giàu.  Nhận  thấy ở Tân Kỳ có những rừng  cây nguyên liệu như keo, tràm, bạch đàn bạt ngàn, vợ chồng chị thống nhất đi tham quan, học hỏi và mở nhà máy sản xuất nguyên liệu thô từ cây keo.

Mặc dù vậy, nhà máy cũng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn rồi đổ bể. Thất bại, nhưng không thể buồn mãi được, phải đứng dậy đi tiếp. Chị lại lặn lội đi bán bảo hiểm nhân thọ. Nhờ  sự tháo vát, năng động, chỉ một thời gian ngắn chị được làm quản lý phụ trách khu vực Tân Kỳ và các huyện lân cận.  Trong một lần được công ty cho đi du lịch ở các tỉnh miền Nam, chị Hoa đã tham quan và học hỏi được phương pháp nuôi gà Phùng Dầu Sơn,

Gà  Phùng Dầu Sơn là gà bản địa của tỉnh Khánh Hòa. Giống gà được Nhà nước công nhận là "Bộ giống quốc gia". Đây là giống gà quý, chất lượng thịt thơm ngon, hiện đang được lưu giữ và bảo tồn gen tại Công ty Giống gia cầm Phùng Dầu Sơn. Do chọn tạo qua nhiều đời, cho ra dòng gà có độ đồng đều cao, thời gian nuôi được rút ngắn: Nếu nuôi 105 ngày (3,5 tháng) trọng lượng trống đạt 1,8 - 2,0kg, mái đạt 1,4 - 1,6kg. Trong khi thị trường gà bất ổn thì gà ta Phùng Dầu Sơn lại thể hiện được ưu điểm vượt trội như chi phí thấp, ít bệnh tật, thịt ngon, được thị trường tiêu dùng ưa chuộng... lợi nhuận đạt cao. Công ty cũng liên kết giới thiệu đầu ra cho bà con khi nuôi giống gà này.

Thành tỷ phú sau… 2 năm

Đầu năm 2014, chị Hoa xây dựng xong trang trại và đưa 1.000 con gà giống về nuôi. Nhờ sự chăm sóc, đầu tư kỹ lưỡng, đàn gà lớn nhanh như thổi. Thế nhưng, niềm vui chẳng được bao lâu, trong một lần chị thả gà ra vườn rồi đi vắng, đàn gà mắc mưa và bị bệnh rồi chết mất một số, đợt gà đó không có lãi. Nghĩ thất bại là do mình chưa nắm rõ kỹ thuật nuôi và cách phòng dịch bệnh, chị đăng ký học một lớp thú y và tham quan các mô hình chăn nuôi thành công, rồi tìm tài liệu, sách báo liên quan đến chăn nuôi để học hỏi.

Trong những lần đi tham quan mô hình chăn nuôi gà Phùng điển hình, chị còn học thêm được các kiến thức về ấp trứng. Khi đã trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản về chăn nuôi và cách phòng chống dịch bệnh cho gà, chị tiếp tục nuôi hơn 5.000 con. Lần này, rút kinh nghiệm lần trước và áp dụng những kiến thức đã học được nên đàn gà phát triển rất tốt.

Giống gà này chỉ 3,5 tháng là xuất, nhưng chị nuôi quay vòng, khép kín với phương châm “anh ra thì em vào” nên chỉ 1,5 tháng là xuất 1 đợt khoảng 3 tấn gà, với giá 90.000 đồng/kg. Trên đà thắng lợi, vợ chồng chị  tiếp tục xây dựng thêm 2 trang trại quy mô và khoa học. Trang trại được chia làm 4 khu chính gồm: Khu nuôi gà thịt, khu nuôi gà đẻ, khu ấp trứng, khu nuôi gà con từ 1 ngày tuổi. Trong các chuồng đều có đầy đủ hệ thống điện chiếu sáng, máng ăn, máng uống sạch sẽ. Nền chuồng sử dụng đệm lót sinh thái, chất độn chuồng bằng vỏ trấu, có xử lý men vi sinh nên đảm bảo phân gà được phân hủy nhanh, không gây ô nhiễm môi trường. Chị Hoa phấn khởi cho biết, tổng đàn gà hàng năm khoảng 5.000 con cho lãi ròng hơn nửa tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động với tiền công 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

 Nói về bí quyết thành công, chị Hoa chia sẻ: Trong chăn nuôi, điều quan trọng nhất là phải chọn được con giống tốt. Ngoài ra, chuồng trại phải đảm bảo hợp vệ sinh, cần chú trọng tới công tác vệ sinh phòng bệnh. Người làm công và những người khác khi ra vào trang trại đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các bước tiêu độc, khử trùng theo quy định của trại, hàng ngày phải phun thuốc sát trùng xung quanh khu vực nuôi. Đặc biệt, thức ăn của gà Phùng chủ yếu là ngô, ban ngày thả vườn cho gà tập thể dục và tự kiếm ăn, ban đêm mới cho vào chuồng nên thịt chắc,  thơm ngon.

Không những làm giàu cho mình, hiện nay vợ chồng chị Hoa còn cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà Phùng cho một số bà con trong làng xã. Chia sẻ về quyết định này, chị Hoa khiêm tốn nói: “Tôi cũng xuất phát từ nông dân, cũng khó khăn, được làm giàu cùng bà con nông dân chính là niềm vui và trách nhiệm của tôi. Tuy nhiên, nếu có sự liên kết giữa các hộ với nhau, việc phát triển giống gà này sẽ còn thuận lợi hơn nữa”.

Nói về những dự định cho tương lai, chị Hoa cho biết, sắp tới gia đình chị sẽ nâng cấp trang trại quy mô hơn 4ha để nuôi gà Phùng, chị Hoa chia sẻ: “Tôi muốn tạo dựng thương hiệu gà Phùng Dầu Sơn trên vùng đất Tân Kỳ. Bởi điều kiện khí hậu, thời tiết ở đây rất thích hợp cho giống gà quý này”.


Có thể bạn quan tâm

Phú Yên phát triển đàn bò lai cơ hội thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số Phú Yên phát triển đàn bò lai cơ hội thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Toàn tỉnh Phú Yên có 176.000 con bò, trong đó đàn bò tại 3 huyện miền núi chiếm hơn 31% tổng đàn. Phát triển chăn nuôi bò đang tạo ra cơ hội giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

17/06/2016
Nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học ở Cửa Lò (Nghệ An) Nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học ở Cửa Lò (Nghệ An)

Chăn nuôi lợn thịt theo hướng VietGap sử dụng đệm lót sinh học lần đầu tiên áp dụng ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đã đem lại hiệu quả nổi trội cho các hộ nuôi, đặc biệt không gây ô nhiễm môi trường.

17/06/2016
Thu hàng trăm triệu từ nuôi dơi lấy phân Thu hàng trăm triệu từ nuôi dơi lấy phân

Không chỉ giúp diệt muỗi, mô hình dựng chòi thu hút dơi về làm tổ ở Đồng Nai còn cho lợi nhuận cao từ thu gom phân dơi.

17/06/2016