Nông Dân Trồng Rau VietGap
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian qua, nhiều lớp huấn luyện nông dân do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật triển khai xây dựng mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại các xã vùng lòng chảo Điện Biên.
Nhờ đó, đã giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác truyền thống, sản xuất rau quả an toàn vừa nâng cao thu nhập vừa đảm bảo môi trường sinh thái.
Dẫn chúng tôi đi thăm các chân ruộng trồng rau theo hướng VietGap tại bản A1, xã Noong Luống, ông Bùi Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Noong Luống (huyện Điện Biên) cho biết: Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân trong xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ trồng lúa sang trồng rau màu vừa đa dạng hóa cây trồng, vừa giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Tuy nhiên, do chỉ trồng rau bằng kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế chưa thực sự cao, sâu bệnh phát triển nhiều trong khi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn tại. Từ năm 2011 đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật đã mở lớp huấn luyện nông dân trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap cho 20 hộ. Từ mô hình đó, đến nay, xã đã quy hoạch vùng trồng rau an toàn hơn 3ha, mỗi năm thu lợi hàng trăm triệu đồng cho bà con.
Chị Nguyễn Thị Hay, bản A1 cho biết: Tham gia mô hình, chúng tôi được tập huấn kiến thức về phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM và kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Điều quan trọng nhất trong quá trình trồng rau từ khâu làm đất, ủ phân, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phải tuân thủ thời gian sử dụng thuốc hóa học đến khi thu hoạch. áp dụng phương pháp đó, chúng tôi nhận thấy, sâu bệnh trên cây rau ít xuất hiện, sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ít hơn, năng suất cao hơn và chất lượng được đảm bảo. Theo tính toán của chị Hay, cứ 1.000m2 trồng rau theo hướng VietGap thì thu lợi cao hơn khoảng 2 triệu đồng theo phương pháp truyền thống.
Còn tại xã Sam Mứn - vùng trọng điểm rau xanh của huyện Điện Biên, đến nay, hầu hết diện tích rau xanh đều được trồng theo hướng an toàn, theo tiêu chuẩn VietGap. Ông Lò Văn Chanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sam Mứn cho biết: Với địa hình tương đối bằng phẳng, nằm ven sông Nậm Núa nên hàng năm đất được bồi đắp lượng phù sa, thuận lợi cho phát triển rau màu. Đến nay, toàn xã có hơn 150ha đất sản xuất rau màu, đem lại nguồn thu không nhỏ cho bà con.
Nhất là từ khi áp dụng các phương pháp sản xuất rau màu theo hướng VietGap, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt và đã dần hình thành “thương hiệu” rau Sam Mứn, nên bà con càng tích cực chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau.
Chị Nguyễn Thị Thủy, bản Pom Lót (xã Sam Mứn) cho biết: Với hơn 300m2 trồng rau bắp cải, su hào theo hướng VietGap, với giá rau bắp cải trung bình 5.000 – 10.000 đồng/kg; su hào có giá 5.000 – 15.000 đồng/kg, dù chưa kết thúc vụ rau chính trong năm, nhưng gia đình ông đã thu hơn 6 triệu đồng.
Áp dụng đúng quy trình sản xuất rau an toàn, cây rau phát triển nhanh, vừa đảm bảo chất lượng lại đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều mà người trồng rau an toàn trăn trở đó là người tiêu dùng chưa phân biệt được đâu là rau sạch, nên giá cả đôi khi chưa thực sự tương xứng với công sức mà nông dân bỏ ra. Chính vì vậy, ngành chức năng cần phối hợp với các địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn trên thị trường để nông dân yên tâm mở rộng diện tích trồng rau, tăng thu nhập.
Đẩy mạnh tyên truyền, phổ biến để người dân biết về rau an toàn. Đồng thời đẩy mạnh liên kết “4 nhà” để sản xuất, sơ chế, đóng gói sản phẩm, cung cấp cho cửa hàng, đại lý đảm bảo giá ổn định, vừa đem lại lợi nhuận cao cho người sản xuất, vừa cung cấp địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng.
Related news
Đó là nhận định của ông Võ Văn Mùi, Chủ tịch UBND xã Long Sơn về tình hình khai thác và nuôi trồng thủy sản 9 tháng đầu năm 2013 tại xã Long Sơn. Hiện xã Long Sơn có khoảng gần 1.500 hộ dân sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản trên tổng diện tích nuôi trồng 173,4ha.
Thời gian qua, thấy nhím có giá nên nhiều người dân đã ồ ạt đầu tư nuôi nhím, có thời điểm giá nhím giống lên đến gần 10 triệu đồng/cặp và nhím thịt hơn 300 ngàn đồng/kg.
Đến nay, nông dân ở các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ và Châu Thành thuộc tỉnh Long An đã thu hoạch dứt điểm hơn 6.830 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng với sản lượng đạt hơn 16.000 tấn