Nông Dân Trồng Dưa Hấu Bị Côn Đồ Đe Dọa Ở Sơn Tịnh (Quảng Ngãi)
Mấy ngày qua, hơn 10 hộ dân trồng dưa hấu ở thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) đứng ngồi không yên vì hàng trăm hécta dưa đến kỳ thu hoạch nhưng không thể bán. Họ liên tiếp bị một nhóm người lạ tới đe dọa, ép bán với giá rẻ hoặc chặng đường thương lái đòi tiền bảo kê.
Năm nay, giá dưa cao nhất trong mọi năm, khoảng 8.500 - 9.000 đồng/kg. Niềm vui của người dân chưa trọn vẹn thì ở làng quê vốn êm đềm, xuất hiện nhóm người đòi bảo kê nông sản, ăn chặn ngay trên những giọt mồ hôi, nước mắt của người nông dân.
Nông dân bị ép đến cùng
Vừa rẽ vào đầu con đường đất nhỏ để ra bãi dưa nằm ở giữa dòng sông Trà, chúng tôi bị một nhóm người mặt mày dữ tợn, xăm trổ đầy mình chặn xe, hỏi: “Đi đâu đây? Nếu là thương lái mua dưa thì không còn đâu, đi về đi”.
Chúng tôi liền nói là bà con của một hộ trồng dưa ngoài bãi, thì bọn người lạ mới cho đi tiếp, nhưng vẫn không quên nói với theo: “Nói mấy người ngoài đó ngoan ngoãn chung chi sòng phẳng thì mới được yên thân, còn không thì…” - Sau câu nói đậm chất đe dọa là tràng cười hả hê của hơn mười người đàn ông.
Đứng quan sát từ xa, anh Nguyễn Mẫn Đạt - nông dân trồng dưa, lắc đầu nói: Anh chị thấy đó, bọn người này liều mạng, hàm hồ lắm. Muốn vào bãi dưa này chỉ có hai con đường nhưng đều bị kiểm soát, chốt chặn như vậy từ ngày 13/3 đến nay.
“Chúng bắt ép phải làm theo ý chúng. Hoặc là phải chung chi tiền bảo kê, mở đường cho bọn chúng. Hoặc là phải bán đổ, bán tháo với giá rẻ mạt. Các bạn hàng của chúng tôi mới đến đầu bãi mà thấy bọn chúng cũng phải hoảng hồn bỏ đi để được yên thân. Hậu quả là người nông dân không biết bán nông sản cho ai” - anh Đạt nói như khóc.
Nhìn những quả dưa căng mọng nước đang nằm chờ thu hoạch trên 30 sào đất, anh Đạt nói với giọng não nề: Biết làm sao bây giờ, dưa chín thế này nếu không thu hoạch thì chừng 5 - 7 ngày sau thì nẫu ruột hết, cả thảy 30 sào dưa với 80 triệu đồng tiền vốn chứ ít gì.
Không riêng gì anh Đạt, từ khi bọn người lạ xuất hiện, tất cả nông dân trồng dưa ở thôn Ngọc Thạch luôn trong tâm trạng không yên. Dưới sự đe dọa liên tục cả ngày lẫn đêm, một số hộ trồng dưa đã không chịu nổi đành bán tháo cho nhóm người lạ với giá khá thấp.
Anh Huỳnh Một buồn bã cho biết: Dưa chín đã mấy ngày nay, thương lái nào đến hỏi mua cũng bị bọn người đó chặn lại, uy hiếp. Cứ để vậy hoài thì chỉ còn nước hái dưa về cho heo, bò ăn. Tôi đành phải thương lượng bán cho bọn chúng với giá 8.300 đồng/kg. Đành chịu lỗ chứ biết làm sao. Chúng tôi bị ép đến đường cùng rồi…
Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc
Theo nhận định, mùa dưa hấu năm nay tuy không được sai quả như những năm trước vì dịch bệnh hoành hành, nhưng bù lại giá dưa khá cao. Nhiều hộ đang trông mong đến ngày bán dưa để vớt vát lại thua lỗ của những năm trước. Nhưng thật không ngờ…
Anh Nguyễn Đình Nam - thôn An Phú kể: Ngày nào cũng vậy, chúng có mặt từ sáng sớm tại vườn dưa. Hễ thấy người lạ thì không cần hỏi han, chúng xông vào đánh, rồi đuổi đi. Mới chiều tối 15/3, tôi chạy xe lên vườn dưa thăm họ hàng cũng bị bọn côn đồ tưởng là thương lái đến mua dưa, liền xông vào đánh hội đồng.
Không chỉ vậy, nhóm người lạ mặt còn ngang nhiên hét giá bảo kê đối với các thương lái muốn đến mua dưa. Bà Nguyễn Thị Ngọc - thương lái mua dưa ở Bình Sơn cho biết: Lúc đầu bọn chúng không cho vào. Chặp sau còn bảo nếu muốn vào mua thì tôi phải chịu chi tiền mở đường với giá 5 triệu đồng/ngày. Kiểu này, để mua được dưa của nông dân địa phương chúng tôi chỉ còn cách hạ giá mua.
“Xưa nay, tôi chỉ nghe côn đồ đòi bảo kê nhà hàng, khách sạn, quán karaoke thôi, chứ đâu ngờ có loại giang hồ đòi bảo kê nông sản. Người nông dân vốn nghèo khổ, phải đổ mồ hôi và nước mắt mới có đồng tiền, bát gạo. Vậy mà chúng vẫn không tha. Vậy nên rất mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xử lý hành vi ngang ngược của nhóm người này” - anh Nam bức xúc.
Trước tình hình này, người dân đã báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để phối hợp xử lý. Ông Lý Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Tịnh An cho biết: Ngay khi hay tin, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng công an xã tìm hiểu vụ việc. Đồng thời nhờ sự trợ giúp tích cực từ phía Công an huyện Sơn Tịnh lên phương án truy quét bọn người này.
Trung tá Phan Văn Nhẫn - Trưởng Công an huyện Sơn Tịnh cho biết: Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành thu thập bằng chứng “cưỡng đoạt tài sản công dân” của nhóm người này. Điều cốt yếu là nỗ lực bảo vệ tính mạng cùng tài sản và quyền lợi của người nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Bắt đầu từ ngày 1/1/2013, hợp đồng bao tiêu sản phẩm sữa tươi giữa Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalatmilk) với 54 hộ nông dân huyện Đức Trọng lần lượt được triển khai trong thời hạn 3 năm. Đây là hợp đồng mở rộng sau thành công của một liên minh thuộc hợp phần Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng thực hiện từ năm 2010 đến năm 2012.
Chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam chỉ mới đáp ứng 25% nhu cầu thị trường nhưng người nông dân chăn nuôi bò sữa lại đang có xu hướng chuyển sang những ngành kinh doanh khác do ở những khu vực chăn nuôi bò sữa chủ yếu hiện nay, quỹ đất dành cho chăn nuôi không còn nhiều lại đang có xu hướng đô thị hóa, dẫn đến lợi nhuận thu được từ việc sử dụng đất để trồng cỏ nuôi bò dần dần sẽ không hấp dẫn bằng kinh doanh các ngành nghề khác…
Nông dân ngày nay rất sáng tạo, có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao. Trong đó có nhiều mô hình nuôi rắn giúp nông dân làm giàu, phát triển kinh tế gia đình.