Nhộn Nhịp Sản Xuất, Kinh Doanh Mùa Lũ
Nước lũ đang đổ mạnh về các địa phương ở vùng ĐBSCL. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh mùa lũ theo đó cũng bắt đầu nhộn nhịp. Người dân ở TP Cần Thơ đang kỳ vọng nước lũ về nhiều hơn mọi năm, tạo thuận lợi cho kinh doanh chài lưới, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản…
Ngư cụ chài, lưới đắt khách
Thời điểm này, làng chài lưới ở Cầu sắt Thơm Rơm, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ khá nhộn nhịp, nhiều người đến tìm mua các loại chài, lưới và ngư cụ. Theo nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh ở đây, những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh chài lưới tại làng nghề hầu như diễn ra quanh năm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Chị Lê Thị Bé, Chủ tiệm lưới Hữu Quang ở Cầu sắt Thơm Rơm, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Hiện sức mua các loại chài, lưới tại cửa hàng đã tăng mạnh so với cách nay vài tuần. Không chỉ người dân TP Cần Thơ mà người dân ở các tỉnh lân cận như: An Giang, Kiên Giang… cũng tới đây lấy hàng. Với mực nước lũ đang lên nhanh, tôi dự đoán sức mua các loại chài lưới sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới”.
Theo anh Hồ Khắc Tân, Chủ tiệm lưới Tư Tân ở Cầu sắt Thơm Rơm, những năm gần đây, nhiều người dân chờ thấy nước lũ về nhiều mới mua chài lưới. Thời điểm này phần lớn các diện tích gieo sạ lúa vụ 3 chưa thu hoạch, người dân chưa thể triển khai đánh bắt thủy sản trên đồng nên sức mua chài, lưới chưa đạt như kỳ vọng.
Do hầu hết các chi phí đầu vào: giá nguyên vật liệu, nhân công, xăng dầu, điện… đều tăng, nhiều loại chài, lưới và ngư cụ tăng giá khoảng 5 - 10% so với năm trước. Giá lưới mùng ở mức 60.000-80.000 đồng/kg; lưới bén từ 60.000-200.000 đồng/tay (cỡ khoảng 80-100m); dớn 80.000- 140.000 đồng/cái (loại khoảng 1,4m-1,6m); lú 220.000-380.000 đồng/cái (loại 12m-15m); chài 340.000-350.000 đồng/cái… Các loại chài lưới và ngư cụ phục vụ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản mùa lũ khá đa dạng về chủng loại, nguồn cung dồi dào nên sẽ không thiếu hàng nếu vào chính vụ.
Ông Phạm Huỳnh Tặng ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: “Nước lũ cũng đã bắt đầu lên ruộng. Tôi mua lưới về để chuẩn bị giăng đánh bắt thủy sản. Giá lưới có tăng so với năm trước nhưng bù lại nhiều loại cá cũng tăng giá. Hy vọng sẽ có một mùa bội thu”.
Nhiều mô hình nuôi thủy sản mùa lũ
Mùa lũ cũng là thời điểm thuận lợi phát triển các mô hình nuôi thủy sản khi tận dụng các nguồn thức ăn tự nhiên. Năm nay, dự đoán nước lũ sẽ về nhiều, người dân tại các quận, huyện: Ô Môn, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai… đã tích cực phát triển các mô hình nuôi thủy sản. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thới Lai, nông dân huyện phát triển nuôi cá trên chân ruộng lúa với diện tích trên 2.400 ha, tăng hơn 300ha so với cùng kỳ năm trước.
Ở Cờ Đỏ, nông dân cũng đã thả nuôi khoảng 3.000 ha diện tích mặt nước, gồm: cá chép, cá mè, cá lóc… tập trung ở các xã Thới Hưng, Đông Hiệp, Trung Hưng. Huyện Vĩnh Thạnh đã phát triển trên 380ha nuôi thủy sản trong các ao, hầm và trên ruộng lúa, nông dân còn đẩy mạnh nuôi cá trong vèo, nuôi lươn trong các bồn ni lông…
Ông Bùi Thanh Bình ở ấp Đông Lợi, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Năm nay, gia đình tôi tiếp tục không sạ lúa vụ 3 mà sử dụng toàn bộ diện tích đất lúa khoảng 1,5ha để thả nuôi các loại cá lóc, cá chép và cá mè. Đến nay, tôi đã thả nuôi cá được gần một tháng, khoảng 2 tháng nữa sẽ thu hoạch. Nuôi cá trên ruộng lúa thế này thường cho lợi nhuận bình quân khoảng 1 triệu đồng/công, tính ra khỏe hơn rất nhiều so với sản xuất lúa vụ 3”.
Ông Nguyễn Văn Điền ở ấp Vĩnh Lộc, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh đã đầu tư trên 2 triệu đồng để mua lưới mùng làm vèo thả nuôi 4.000 con cá lóc. Ông Điền cho biết: “Năm nào cũng vậy, vào mùa lũ, gia đình tôi và nhiều bà con ở đây đều nuôi cá lóc trong vèo. Vào mùa lũ, bà con bắt các loại cua, ốc và cá mồi để cho cá ăn nên hiệu quả cao hơn rất nhiều so với mua thức ăn để nuôi cá”.
Theo nhiều hộ nuôi thủy sản ở TP Cần Thơ, nước lũ về nhiều, nuôi cá trên ruộng có lợi nhuận cao do tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, nhiều người dân đã tận dụng các ao hồ, kênh rạch gần nhà để phát triển các mô hình nuôi thủy sản... Hy vọng tới đây người dân sẽ đón một “mùa lũ đẹp”
Có thể bạn quan tâm
Nhằm tận dụng nguồn đất vườn đồi bị bỏ hoang, những năm qua, bà con nông dân xã Nam Dong huyện Cư Jút tỉnh Đắk Nông đã tìm ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần từng bước xóa đói giảm nghèo, trong đó phải kể đến thành công của mô hình trồng cây nhãn trên đất vườn đồi của bà con nông dân nơi đây.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 2.000ha mãng cầu (ta) chất lượng tốt, tập trung tại: Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc và TP.Vũng Tàu. Bình quân mỗi năm, sản lượng thu hoạch gần 9.000 tấn/năm. Nếu được quy hoạch bài bản, mãng cầu sẽ là cây ăn quả đầy sức cạnh tranh của BR-VT.
Trong niên vụ cà phê 2012 - 2013, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) sẽ cung cấp miễn phí gần 300.000 cây cà phê giống cho những hộ dân muốn tái canh vườn cà phê già cỗi. Số cây này đủ tái canh cho khoảng 270 héc ta.