Giá / Mô hình kinh tế

Nông Dân Thu Nhập Cao Từ Trồng Dưa Hấu Ở Đông Sơn

Nông Dân Thu Nhập Cao Từ Trồng Dưa Hấu Ở Đông Sơn
Tác giả: 
Ngày đăng: 06/06/2012

Những năm gần đây, cuộc sống của người dân xã Đông Sơn (TX. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) được cải thiện đáng kể nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng KHKT vào sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh, trong đó có mô hình trồng dưa hấu.

Về Đông Sơn những ngày này, ai cũng cảm nhận được không khí nhộn nhịp trên khắp các cánh đồng. Thương lái từ khắp các huyện trong tỉnh, kể cả một số tỉnh lân cận như Thanh Hoá, Hà Nam... về tận ruộng thu mua dưa nên bà con rất phấn khởi, nhất là năm nay, dưa hấu vừa được mùa vừa được giá. Người trồng dưa cho biết, vụ này chi phí trồng dưa cũng gần giống như năm trước. Mức đầu tư khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/sào. Nhưng giá dưa năm nay khá hơn, trung bình 6.000 đồng/kg cao hơn những năm trước 2 - 3 nghìn đồng/kg nên bà con thu lãi khá.

Dưới cái nắng oi nồng, trên ruộng dưa anh Nguyễn Xuân Tùng (thôn 3, xã Đông Sơn) vẫn miệt mài chọn dưa để thu hoạch cho kịp giờ giao hàng. Anh cho biết: từ năm 2003 đến nay gia đình anh luôn duy trì hơn 5 sào đất để trồng dưa, mỗi vụ thu 1 - 1,5 tấn/sào, trừ chi phí gia đình anh thu lãi 3 - 4 triệu đồng/sào.

Cả buổi chiều, gia đình chị Nguyễn Kim Hoà tập trung chuyển dưa lên xe ô tô cho thương lái. Vụ này nhà chị làm được 7 sào dưa. Năng suất đạt khoảng 10 tấn. Dưa bốc lên xe thương lái trả tiền luôn, không cò kè thêm bớt. Vừa chuyển dưa, chị Hoà vừa kể: vụ này, nhà tôi cũng lãi chừng 40 triệu. Nếu không gặp đợt mưa vừa rồi làm nứt và thối quả chắc phải thu khá hơn, nhưng so với năm ngoái vậy là thắng lợi lớn rồi.

Chị Lê Thị Hoa, một thương lái lâu nay chuyên giao hàng cho các quầy bán hoa quả ở các chợ trên địa bàn huyện Gia Viễn cho biết: nhiều năm nay, dưa hấu Đông Sơn đã được thị trường trong và ngoài tỉnh đánh giá cao về chất lượng. Vụ này tuy mới đang thu hoạch lứa đầu nhưng qua thăm, mua ở các vườn chị thấy dưa quả to đều, hình thức đẹp, chất lượng ngon lên thị trường ưa chuộng. Hơn nữa nhờ giảm được chi phí vận chuyển nên giá thành cạnh tranh hơn so với dưa miền Nam.

Đồng chí Phạm Đình Cư, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sơn phấn khởi chia sẻ: Cây dưa hấu từ lâu đã được xem là cây trồng truyền thống và là cây màu chủ lực trong cơ cấu cây trồng của xã. Cây dưa hấu góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập và cuộc sống của người nông dân.

Để mô hình trồng dưa hấu thành công, cho hiệu quả kinh tế cao, xã đã phối hợp với các ngành chuyên môn của thị xã mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, khuyến cao người dân làm đúng quy trình từ khâu chọn giống, lên luống, thụ phấn bổ sung... Đặc biệt thường xuyên đưa các giống dưa mới năng suất, chất lượng cao vào nên dưa sản xuất tại địa phương ngày càng khẳng định được năng suất, chất lượng cũng như chỗ đứng trên thị trường trong tỉnh.

Năm nay diện tích dưa toàn xã khoảng 10 ha với 60 hộ trồng, tập trung chủ yếu ở thôn 3. Dưa năm nay được mùa, năng suất trung bình 1,5 tấn/sào, sản lượng đạt 400 tấn, với giá bình quân 6.000 đồng/kg, tổng giá trị đạt gần 2.500 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm

Thấp Thỏm Với Nguồn Giống Cá Tra Thấp Thỏm Với Nguồn Giống Cá Tra

Sau Tết Nguyên đán, giá cá tra nguyên liệu tăng nhẹ khiến nhiều hộ nuôi tại khu vực ĐBSCL phấn khởi khi thả vụ mới. Tuy nhiên, chất lượng con giống vẫn khiến hàng trăm hộ lo lắng.

06/06/2012
Làng Biển Nuôi Cá Nước Ngọt Làng Biển Nuôi Cá Nước Ngọt

Xã Ngư Thủy (Lệ Thủy- Quảng Bình) anh hùng thời chống Mỹ với đội nữ pháo binh cả nước biết đến. Bây giờ, Ngư Thủy được chia thành 3 xã gồm: Ngư Thuỷ Bắc, Ngư Thuỷ Trung và Ngư Thuỷ Nam. Có lẽ cả dải đất ven biển nước Việt, ít có vùng nào lại nuôi cá nước ngọt như ở đây.

06/06/2012
Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Cá Tầm Trên Địa Bàn Huyện Đại Từ Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Cá Tầm Trên Địa Bàn Huyện Đại Từ

Từ nay đến tháng 11-2013, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ được tỉnh Thái Nguyên giao triển khai Dự án “Nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ nuôi cá Tầm” với kinh phí thực hiện là trên 200 triệu đồng, được trích từ nguồn sự nghiệp khoa học của tỉnh. Theo đó, khu vực được lựa chọn để nuôi cá tầm là vùng nước lạnh thuộc các xã nằm ven dãy núi Tam Đảo của huyện.

06/06/2012