Nông Dân Tâm Sự Trồng Lúa Vụ 3
Ngày 30/5 sắp sạ lúa trong đất 3 vụ, khi được tôi hỏi có thích làm 3 vụ hay không thì anh Ba Lố một nông dân làm ruộng cạnh tôi trả lời rằng: "Ở không chẳng biết làm gì, người ta làm mình phải làm theo, chẳng lẽ bỏ ruộng không làm, chứ giá lúa thấp như vầy, giá vật tư lại cao như vậy, thì hổng có ham làm 3 vụ một chút nào cả, giá lúa vầy hoài chắc gia đình tôi phải lên Bình Dương kiếm sống, chớ làm ruộng sống không nổi".
Độc canh 3 vụ lúa trong năm đã không còn hiệu quả.
Là nhà nông, tôi biết lúa vụ 3 được phát triển là nhờ vào chính sách thành lập cụm, tuyến dân cư cho ĐBSCL mấy năm trước và không phải nơi nào cũng làm được lúa vụ 3 hay 3 vụ lúa 1 năm.
Các cụm, tuyến dân cư được đắp với chiều rộng khoảng 30 m, chiều cao cao hơn đỉnh lủ năm 2000 khoảng 1 m. Năm 2000 bà con miền Tây phải hứng chịu cơn lũ lịch sử và mốc lũ của năm đó thường được nhà nông và chính quyền tính toán để làm bờ bao, đê bao.
Khi các cụm, tuyến dân cư kép kín kết hợp với trục lộ giao thông thì diện tích đất trong khu vực khép kín này được chính quyền họp dân để tiến hành làm lúa 3 vụ, và nông dân đồng ý làm 3 vụ lúa một năm.
Như vậy, việc làm lúa 3 vụ là do thuận tiện mà làm, cụm tuyến dân cư được nhà nước đầu tư lớn và chắc chắn, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lúa của nông dân vào mùa lũ, đặc biệt là nông dân không tốn tiền xây dựng cụm, tuyến dân cư và cũng không tốn tiền duy trì sừa chữa cụm tuyến dân cư.
Khi mới bắt đầu làm 3 vụ lúa, một vài năm đầu, nông dân chúng tôi rất phấn khởi, vì năng suất không thua kém đất 2 vụ mà còn thu thêm tiền ở vụ 3.
Thế nhưng, vài năm sau, năng suất lúa giảm dần, sâu bệnh lại tăng, khiến cho lợi nhuận làm từ 3 vụ lúa có năm thấp hơn so với đất lúa 2 vụ. Thu nhập thấp hơn lúa 2 vụ nhưng công sức làm lúa 3 vụ bỏ ra nhiều hơn lúa 2 vụ vì phải làm thêm 3 tháng lúa vụ 3.
Dịch bệnh trong lúa 3 vụ nặng hơn lúa 2 vụ rất nhiều, cho nên chi phí thuốc bảo vệ thực vật trong đất 3 vụ nhiều hơn trong đất 2 vụ rất nhiều. Chi phí tăng nhưng năng suất lại giảm nên thu nhập của việc độc canh cây lúa 3 vụ một năm rất thất thường, có năm giảm so với làm lúa 2 vụ một năm.
Hiện nay, giá lúa càng ngày càng thấp, làm lúa 3 vụ không có lời, nhiều vụ chỉ là "tiền cũ đổi tiền mới", tức bỏ 1 đồng đầu tư thì 3 tháng sau lấy lại cũng... 1 đồng. Nông dân lám lúa là do quán tính và do không biết làm việc gì khác hay trồng được cái gì khác trên đất lúa 3 vụ này, nên phải bám ruộng mà làm 3 vụ lúa một năm, chứ nếu tính kỹ thì làm lúa vụ 3 không có hiệu quả.
Làm 3 vụ lúa một năm không tốn tiền xây dựng và bảo dưỡng đê ngăn lũ mà vẫn không có lời, vậy, việc nông dân bỏ tiền ra đắp đê bao để làm lúa 3 vụ là một việc làm sai lầm về mặt kinh tế.
Bởi vì, chi phí xây dựng đê bao và chi phí bảo dưỡng sửa chữa đê bao rất lớn, nâng giá thành lúa lên rất cao nông dân sẽ không có lời.
Không những không được phép tăng diện tích lúa vụ 3 bằng cách bắt nông dân đóng tiền làm đê bao, mà những nơi đang làm lúa 3 vụ cũng phải có kế hoạch thay đổi việc độc canh 3 vụ lúa một năm.
Tốt nhất là chuyển việc độc canh 3 vụ lúa một năm thành 2 vụ lúa một vụ màu, hoặc 2 vụ màu một vụ lúa.
“Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng để giúp người dân cải thiện đời sống thì phải làm thêm lúa vụ 3. Thực tế, mấy năm nay, số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đều tăng nhưng chưa hẳn đời sống người dân tốt hơn mà ở một khía cạnh khác là chúng ta xuất khẩu càng nhiều gạo chẳng khác nào bảo hộ cho những nước mua gạo của Việt Nam”. Giáo sư Võ Tòng Xuân đã có ý kiến phát biểu trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.
Giảm bớt đất 3 vụ lúa
Hiện nay, nông dân chúng tôi nghe rằng: Việt Nam đang thiếu nguyên liệu để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản, thế giới họ đang cần nguyên liệu sinh học sản xuất từ ngũ cốc, châu Phi cần bắp và Trung Quốc hiện đang cần khoai lang. Đây là những cây màu rất có triển vọng mà nông dân chúng tôi có thể gieo trồng.
Nông dân chúng tôi có thể trồng mọi loại cây trồng theo yêu cầu, nếu nó hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng của Việt Nam.
Thế nhưng, để phát triển cây màu trên diện tích lớn, cần phải thực hiện được 2 vấn đề quan trọng đó là: Cần phải tìm được thị trường tiêu thụ ổn định và phải cơ giới hóa được các khâu sản xuất: Gieo sạ, phun thuốc và thu hoạch cây màu.
Vấn đề quan trọng nhất là phải tìm được thị trường và lập kế hoạch sản xuất, việc này phải do Chính phủ thực hiện mà hai bộ chủ chốt là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Công thương.
Đừng bao giờ hỏi nông dân phải trồng cây gì, bởi vì chúng ta đang nói đến việc sản xuất để xuất khẩu nông sản ra thế giới, việc sản xuất nông sản số lượng lớn phải có kế hoạch kèm theo là điều tra nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại từ Chính phủ. Chứ bây giờ bảo nông dân chúng tôi trồng bắp, 1/3 diện tích lúa vụ 3 mà chuyển sang trồng bắp thì 1 vụ đầu không sao chứ vụ bắp năm thứ 2 thì ai mua cho hết?
Vấn đề cơ giới hóa không phải là vấn đề lớn lắm, thí dụ như cây bắp tôi thấy thế giới họ đã cơ giới hóa việc gieo tỉa, việc phun thuốc và thu hoạch từ nhiều năm nay, chỉ có điều máy móc của họ lớn cồng kềnh không thích hợp với Việt Nam, nhưng việc cải tiến cho thích hợp là điều tương đối dễ trong khả năng của những nhà khoa học Việt Nam. Còn cơ giới hóa những cây màu khác cũng nằm trong tầm tay của các nhà khoa học Việt Nam.
Nông dân chúng tôi mong rằng: Chính phủ có kế hoạch chuyển đổi thế độc canh 3 vụ lúa trong năm thành cơ cấu 2 vụ lúa 1 vụ màu hoặc 2 vụ màu 1 vụ lúa, để nâng cao thu nhập cho nông dân.
Related news
Đất nông nghiệp hạn hẹp khiến nông dân trồng hoa của Hà Nội đang dần chuyển từ trồng các loại hoa truyền thống sang trồng một số loại hoa cao cấp. Tuy nhiên, kỹ thuật và công nghệ là bài toán khó đối với các nhà vườn. Nắm bắt nhu cầu này của người dân, các cán bộ của Viện sinh học nông nghiệp, Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã nghiên cứu và chuyển giao thành công mô hình nhân giống lan hồ điệp bằng công nghệ nuôi cấy mô.
Công ty Vissan (TPHCM) mới khuyến mãi giảm giá bán 5.000 - 7.700 đồng/kg cho một số loại thịt trong chương trình bình ổn giá.
Nuôi cua biển trong các mô hình trên thường bắt đầu từ tháng 4 - 7, thường nuôi loại cua yếm vuông cỡ 8-10 con/kg (khoảng 650-800 con/ha là phù hợp nhất). Cua giống phải đồng cỡ, màu sáng đều không bị dị tật; luôn giữ mực nước ổn định từ 0,8 - 1 mét, độ pH từ 7 - 8,5, ao nuôi phải có nhiều bó chà các loại cây để cua trú ngụ trong thời gian lột xác