Nông dân Nghệ An thu hàng trăm triệu mỗi năm nhờ trồng cây xen canh
Nhờ trồng bưởi hồng xen ớt, quýt xen bí, nhiều hộ dân ở xã Nghĩa An (Nghĩa Đàn) đã thu về hàng trăm triệu mỗi năm.
Mô hình trồng cây bưởi xen ớt cay cho hiệu quả cao của gia đình chị Nguyễn Thị Huyền ở xóm 7, xã Nghĩa An. Ảnh: Minh Thái
Trước năm 2013, với hơn 1ha đất trồng mía, mỗi năm, gia đình chị Nguyễn Thị Huyền ở xóm 7, xã Nghĩa An thu nhập khoảng 60-70 triệu đồng. Thông qua các phương tiện truyền thông, thấy mô hình cây ăn trái có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao nên từ cuối năm 2014, chị Huyền quyết định phá bỏ toàn bộ diện tích mía, cải tạo đất chuyển sang trồng hơn 100 gốc bưởi hồng. Nhờ học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật của các hộ trồng trước cùng với hướng dẫn của các đoàn thể trong xã nên năng suất cây trồng từng bước nâng lên. Tuy nhiên, chị cho rằng nếu chỉ trồng độc canh một loại cây sẽ có nhiều rủi ro. Năm 2016, sau khi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, chị đã trồng xen canh cây ớt cay chỉ thiên trong vườn bưởi.
Mỗi loại cây trồng, chị Huyền có cách chăm sóc riêng, với cây ớt cay, người trồng ớt chỉ cần chú ý đảm bảo giữ ẩm, chăm sóc tỉa cành gốc và lá, tiến hành vun xới, đến giai đoạn cây ớt ra hoa phải bón thêm kali cho quả chắc, đẹp.
Năm nay thời tiết ấm, thuận lợi cho cây ớt sinh trưởng phát triển nên ớt được mùa, quả to, sai trĩu cành. Không những được mùa mà ớt còn được giá, có thời điểm giáp Tết giá lên đến 45.000 đồng/kg, còn giá hiện nay dao động từ 20.000 - 25.000/kg. Ước tính, năm nay gia đình chị thu hoạch trên 7 tạ quả/sào, sau khi trừ chi phí về công, giống, phân bón có thu nhập trên 12 triệu đồng/sào. Như vậy cây ớt cay có hiệu quả kinh tế gấp 6-7 lần trồng mía và các cây trồng khác, đầu ra ổn định, gia đình thu lãi ròng 100 - 120 triệu đồng/ha.
Năm nay thời tiết ấm, thuận lợi cho sinh trưởng phát triển nên ớt được mùa, quả to, sai trĩu cành. Ảnh: Minh Thái
Chị Nguyễn Thị Huyền xóm 7, xã Nghĩa An cho biết: “Sau khi mạnh dạn chuyển đổi cây trồng sang trồng cây bưởi và xen canh cây ớt cay chỉ thiên, nhằm lấy ngắn nuôi dài, tôi thấy cây ớt là một loại cây dễ trồng, phù hợp với trồng xen canh với cây bưởi, ớt sai quả, chất lượng và mẫu mã đẹp, công chăm sóc ít nên giảm được chi phí đầu tư, bên cạnh đó cây ớt cho quả liên tục 7-8 tháng, thương lái đến tận vườn mua”.
Cũng theo chị Huyền, bưởi hồng và ớt cay kết hợp trồng xen có nhiều thuận lợi, giảm chi phí phân bón và nước tưới. Khi tưới bưởi, cây ớt cay cũng được hưởng. Cây bưởi là loại cây tỏa bóng nên che mát cho cây ớt cay. Cây ớt cay trồng xen canh cây bưởi sinh trưởng tốt, do hấp thụ lượng phân bón tồn đọng của cây bưởi và môi trường nước, ánh sáng thích hợp. Bên cạnh đó, cây bưởi còn tạo độ ẩm, độ tơi xốp cho cây ớt phát triển.
Cũng như gia đình chị Huyền, chị Trương Thị Bốn ở xóm 4 xã Nghĩa An có 1,5 ha diện tích trồng cam quýt xen với trồng bí. Chị Bốn cho biết: “Thời gian trồng bí sinh trưởng ngắn, khoảng hơn 2 tháng là cho ra quả, hợp với thổ nhưỡng, chất lượng quả tốt được thị trường lại ưa chuộng. Mặt khác, đây là cây trồng ít sâu bệnh, ít phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí đầu tư thấp. Qua thu hoạch, năm vừa qua năng suất đạt 32 - 35 tấn/ha, với giá bán 10 - 15 đồng/kg, đem về nguồn thu không dưới 100 triệu đồng/ha, sau khi đã trừ các khoản chi phí. Ngoài ra ngọn, hoa bí cũng là nguồn thu nhập tăng thêm không nhỏ cho gia đình. Chị cho biết thêm: “Ưu điểm nổi bật của việc trồng xen canh này là tận dụng được nguồn phân bón dư thừa từ cam quýt để phát triển cây bí”.
Một số hộ nông dân trồng bí xen canh lấy ngắn nuôi dài. Ảnh: Minh Thái
Với một số loại cây dài ngày, mô hình trồng xen canh đem lại thu nhập và sản lượng tốt hơn. Đây cũng là tiền đề để bà con tiếp tục nhân rộng phương pháp canh tác, đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Trao đổi với chúng tôi, chị Vũ Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa An cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã Nghĩa An có 15 mô hình trồng xen canh các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao từ 100 - 150 triệu đồng/ha. Mô hình trồng xen canh không chỉ tận dụng được khoảng đất mà còn góp phần nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất. Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, sản xuất theo hướng tập trung là cách giúp mô hình kinh tế phát triển có hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho bà con nông dân”.
Hội viên phụ nữ tham quan mô hình xen canh của nông dân xã Nghĩa An. Ảnh: Minh Thái
Trong tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc trồng xen canh giúp cho bà con nông dân ổn định thu nhập, bởi khi loại sản phẩm này mất giá thì có loại khác thay thế. Ngoài ra, nông dân còn có thu nhập trải đều trong năm, không sợ thất thu vì trồng một loại cây, từ đó góp phần tăng thu nhập cho người nông dân./.
Related news
Nông dân trước khi gieo trồng thường ước ao làm sao có thể dự báo tốt hơn về năng suất của vụ này. Các nhà nghiên cứu đại học bang Iowa (ISU) đang nghiên cứu
Hiện các địa phương của tỉnh Vĩnh Long đang tích cực thu hoạch lúa đông xuân chính vụ trong bầu không khí vô cùng phấn khởi.
Với nhiều công nghệ sau thu hoạch được các chuyên gia đến từ Israel giới thiệu, chia sẻ, nhiều ý kiến cho rằng có thể ứng dụng vào sản xuất tại ĐBSCL