Nông dân mê máy làm đất đa năng
Trung tâm Khuyến nông Phú Yên phối hợp với Cửa hàng Nông lâm ngư cơ Mười Cử (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) tiến hành giao nhận, nghiệm thu máy làm đất đa năng cho nông dân xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân), Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa).
Nông dân ở xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân) nhận máy được hướng dẫn kỹ thuật sử dụng. Cày kiểm tra tính năng “ăn đất” của máy.
Ông Lê Ngọc Thái, nông dân ở xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân), sau khi nhận máy làm đất đa năng, đem ra soi đất dọc sông Cô cày “lấy ngày”, vừa cày ông vừa kiểm tra tính năng “ăn đất” của máy.
Ông Thái cho hay: Máy này cày sâu, cày cạn tùy mình điều chỉnh số nhanh hay chậm, 1 sào máy lật đất tiếng đồng hồ là xong, còn bừa thì 10 phút. Máy này có cái hay là điều khiển lưỡi cày qua phải qua trái vì vậy cày sát bờ sát góc. Cũng vì có chức năng điều khiển trạnh cày qua phải hoặc qua trái nên cày nghiêng đất lên luống trồng dưa, rau màu. Trước đây trồng dưa, rau màu thì cày đất thục rồi bỏ công dùng cuốc moi lên luống, còn sử dụng máy làm đất đa năng úp rảnh qua 2 đường cày là xong.
Máy làm đất đa năng từ khâu cày chuyển qua bừa hoặc xới cỏ thì khi thay giàn công cụ không quá 3 phút, máy gọn nhẹ nên phụ nữ điều khiển được. Bà Nguyễn Thị Liên, cũng ở xã Xuân Long phân trần: Máy này tôi điều khiển rất dễ, nổ máy, vô số rồi giữ mức ga là nó tự bừa đất. Tôi cày xong đám đất rồi đưa máy lại chỗ bờ mương gắn đầu bơm hút nước.
Ông Võ Ngọc Cử, chủ cửa hàng Nông lâm ngư cơ Mười Cử, cho rằng, chức năng của máy làm được các công việc xới đất lên luống, cày trạnh, bừa cỏ, bơm nước, xịt thuốc. Máy chạy 1 ngày tiêu tốn nhiên liệu chỉ 3 lít dầu, đồng thời tiết kiệm 30 công lao động. Giá thành mỗi máy chỉ 16 triệu đồng. Hiện nay nhiều vùng nông thôn, nông dân rất ưa chuộng làm đất bang máy.
Nhiều nông dân ở phường Phú Lâm, xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), đang sở hữu chiếc máy cày đa năng gọn nhẹ này. Vùng soi dọc sông Đà Rằng là đất cát pha, dung máy cày đa năng rất tiện lợi. Ông Bùi Văn Long, ở phường Phú Lâm chia sẻ: Trước đây cày đám đất phải thuê mướn, giờ có máy trong tay khi thu hoạch xong rau màu lúc nào đem ra cày xới đất lúc đó. Dùng lưỡi cày lật đất lần 1 cho chết cỏ, sau đó bừa xới cỏ cho xốp đất rồi cày lần 2 cắt rảnh trồng dưa, cà, sau đó cũng chiếc máy này lên luống trồng hành, ngò…
Vùng đất lúa của xã Hòa Xuân Tây nằm xa nguồn nước tưới của hệ thống thủy nông Đồng Cam, thủy lợi sông Bánh Lái nên thường khô hạn cục bộ làm giảm năng suất cây trồng. Nông dân chuyển đổi đất trồng lúa bấp bênh sang trồng cây trồng cạn như đậu phộng, bắp lai mang lại năng suất cao, tăng thu nhập. Thế nhưng diện tích trồng lúa bấp bênh cần chuyển đổi nằm ở vùng dọc triền núi, bờ suối không có đường nội đồng rộng lớn cho máy công suất lớn ra vào. Còn chiếc máy cày nhỏ đa năng gọn nhẹ này chỗ nào khó cũng có mặt.
Ông Phan Văn Hùng, nông dân ở xã Hòa Xuân Tây cho hay: Chiều ngang của máy cày đa năng hơn 0,5m dễ di chuyển vào sâu trong vùng không có đường nội đồng. Chỗ nào “bít” đường thì tháo rời các bộ phận vát đi trên bờ ruộng, bờ mương cũng “lọt” đến nơi hóc hẻm. Mảnh đất “đầu thừa đuôi thẹo” cũng cày được, còn trước đây phải cầm cuốc băm đất. Có máy cày đa năng nên chủ động, sáng sớm cày một lát cỡ 2 tiếng đồng hồ là xong rồi nghỉ không phải làm thủ công dưới nắng lửa.
Ông Huỳnh Văn Bảo, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Xuân Tây 1 (huyện Đông Hòa), cho rằng: Vùng này đang phát triển cây trồng cạn trên đất lúa theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển đổi cây trồng có hiệu quả. Gia đình có 3 sào đất sắm máy cày này rất tiện lợi, với giá thành tính riêng khâu cày, bừa, úp rảnh, lên luống thì qua 2 mùa là lấy lại vốn.
Theo ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, việc hỗ trợ máy làm đất đa năng thuộc chương trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, chương trình triển khai hỗ trợ 10 máy, đối với vùng đồng bằng Nhà nước hỗ trợ 50%, nông dân đối ứng 50%, còn vùng miền núi Nhà nước hỗ trợ 70%, nông dân đối ứng theo giá trị máy. Nông dân được hỗ trợ máy làm đất đa năng “5 trong 1” rất “mê” tính năng của máy.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi chuyên canh cá đối mục; nuôi xen ghép tôm-cua; luân canh tôm-rong câu; nuôi xen ghép cá đối mục-tôm-cua xanh đã ra đời và đem lại hiệu quả cao.
Tại các tỉnh Bắc bộ, sâu non đục thân 2 chấm gây bông bạc trên trà lúa trỗ muộn.
Một trang trại bò sữa nổi trên biển đầu tiên trên thế giới vừa đi vào hoạt động từ tháng 5-2019 sau gần một năm xây dựng ở thành phố Rotterdam, Hà Lan.