Nuôi bò trên biển ở Rotterdam
Một trang trại bò sữa nổi trên biển đầu tiên trên thế giới vừa đi vào hoạt động từ tháng 5-2019 sau gần một năm xây dựng ở thành phố Rotterdam, Hà Lan. Đây là ví dụ về mô hình nông nghiệp thích ứng với nước biển dâng và biến đổi khí hậu.
Trang trại bò nổi đầu tiên trên thế giới ở Rotterdam, Hà Lan - Ảnh: Trang trại cung cấp
Trang trại do Peter van Wingerden và Minke van Wingerden của Công ty Beladon, chuyên về các công trình trên nước, thiết kế.
Đây được cho là giải pháp của tương lai trong điều kiện đất nông nghiệp bị ngập úng không thể canh tác do nước biển dâng và là sáng kiến "đưa nông thôn về gần với thành phố", vì trang trại nằm ngay bến cảng nhộn nhịp của Rotterdam.
Thông tin trên website trang trại cho biết nơi đây có thể nuôi tối đa 40 con bò và hiện có 32 con bò sữa.
Mỗi ngày, đàn bò sản xuất khoảng 800 lít sữa tươi và được xử lý tại chỗ thành sữa thanh trùng và sữa chua bán cho hệ thống siêu thị Lidl ở Rotterdam - nơi có lượng khách hàng lớn.
Đàn bò sống ở tầng hai và khu vực xử lý chất thải ở tầng trệt. Trang trại tự sản xuất điện bằng hệ thống pin mặt trời nổi trên nước.
Nước mưa được thu lại để dùng và xử lý qua hệ thống lọc nước. Đàn bò được gặm cỏ tươi từ đồng cỏ trên bờ. Ngoài ra, chúng ăn cỏ cắt từ các sân golf, sân bóng đá của thành phố.
Thức ăn hạt được tận dụng từ nhà máy bia và vỏ khoai tây từ các nhà máy chế biến khác.
Phân bò được xử lý để dùng làm phân bón hữu cơ bón cho đồng cỏ trước trang trại. Nước tiểu bò, có đến 90% là nước, sẽ được xử lý và xả ra khu vực bến cảng hoặc tái sử dụng.
Toàn bộ quá trình tạo ra một vòng tuần hoàn, trong đó tận dụng tối đa sản phẩm thừa của nhiều ngành khác nhau.
So với loại chuồng bò truyền thống, trang trại bò nổi ở Rotterdam có nhiều điểm vượt trội như chắc chắn hơn, chuồng bò riêng với diện tích lớn hơn, sàn nhà mềm hơn và sạch hơn
Nhà nghiên cứu Jan Willem van der Schans tại Viện Nghiên cứu kinh tế Wageningen, chuyên gia về nông trại trong đô thị và kinh tế tuần hoàn, cho biết mô hình trang trại nổi có thể là tương lai của nông nghiệp, ứng dụng được cho trồng trái cây và rau ở một số nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, mức độ tự động hóa và môi trường nhân tạo mà con vật được nuôi nhốt có thể là lý do dự án bị phản đối.
Trang trại nổi là một trong số nhiều sáng kiến của thành phố Rotterdam, một thành phố của Hà Lan bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nước biển dâng.
Trang trại bò do tư nhân đầu tư với số tiền 3 triệu euro. Nhóm dự án sẽ áp dụng mô hình cho trại gà, vườn nổi trồng trái cây và rau dự kiến hoàn thành vào mùa hè năm 2020.
Mô hình nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư ở nhiều nơi như Cape Town (Nam Phi), New York, Los Angeles và New Orleans (Mỹ) và một số nơi khác.
Thí điểm vườn rau nổi ở An Giang
Vườn rau nổi của nông dân An Giang - Ảnh: IUCN cung cấp
Tại Việt Nam, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - IUCN đã thí điểm mô hình trồng rau trên giá thể lục bình tại thị trấn Tri Tôn, tỉnh An Giang với sự chuyển giao kỹ thuật của chuyên gia từ Bangladesh.
Nông dân tại Tri Tôn được học cách đan lục bình thành luống để trồng rau trên mặt nước.
Chiến lược ở đây là nếu nông dân có thể trồng hoa màu trên mặt nước vào mùa nước nổi và thu được lợi nhuận cao hơn trồng lúa vụ ba thì đê có thể được mở thường xuyên hơn (2 năm một lần rồi mỗi năm), từ đó giúp khôi phục khả năng hấp thu lượng nước lũ đã mất do hệ thống đê bao khép kín ở vùng trồng lúa vụ ba.
Vườn nổi từ lục bình còn có thể là giải pháp làm sạch lục bình khỏi hệ thống kênh rạch mà không cần dùng thuốc diệt cỏ, do vườn nổi cần số lượng lục bình lớn và có thể phân hủy trở thành phân bón hữu cơ, dễ dàng cày lẫn vào đất sau khi nước rút.
Có thể bạn quan tâm
Nghĩ về ngôi làng K'Nai nghèo khó nơi mình sinh ra, Trâm quyết đem mô hình này về quê hương để biến ngôi làng thuần nông thành làng du lịch “tảo”.
Mô hình nuôi chuyên canh cá đối mục; nuôi xen ghép tôm-cua; luân canh tôm-rong câu; nuôi xen ghép cá đối mục-tôm-cua xanh đã ra đời và đem lại hiệu quả cao.
Tại các tỉnh Bắc bộ, sâu non đục thân 2 chấm gây bông bạc trên trà lúa trỗ muộn.