Nông dân đi học nuôi tôm công nghệ cao
Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn (ương, nuôi) ứng dụng công nghệ cao (sử dụng lưới che, bạt trải đáy, hệ thống sục khí, làm sạch ao…) được nhiều hộ nông dân các huyện Cần Giờ, Nhà Bè (TPHCM) phát triển nhân rộng.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại Công ty cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu
Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi tôm ao đất bán thâm canh và quảng canh cải tiến. Với nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông TPHCM vừa tổ chức chuyến tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cua, nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Bạc Liêu cho gần 30 hộ nông dân Cần Giờ, Nhà Bè.
Đoàn đã đến thăm các mô hình sản xuất cua giống, sản xuất tôm giống và nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao của Tập đoàn Việt Úc, Công ty TNHH SX-TM Trúc Anh và Công ty TNHH MTV Long Mạnh.
Mô hình của Việt Úc triển khai tại Bạc Liêu có 102ha, công suất sản xuất 15 tỷ con giống/năm, với quy trình khép kín từ xử lý nước đến nuôi ấu trùng hoàn toàn không có hóa chất, chỉ xử lý bằng vi sinh, có phòng lab để làm các xét nghiệm từ ấu trùng cho đến khi thành con tôm đến tay người nuôi. Hiện Công ty cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu (thành viên của Tập đoàn Việt Úc) đang chiếm ưu thế về thị phần cung ứng tôm giống tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với khoảng 60%.
Bên cạnh đó, công ty xây dựng quy trình nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh trong nhà kính với diện tích nuôi 50ha, mật độ nuôi 400 con/m2, khép kín từ khâu sản xuất con giống, nhà máy chế biến thức ăn, quản lý nuôi và chế biến tôm xuất khẩu. Ưu điểm mô hình là kiểm soát tốt dịch bệnh trên tôm, sản phẩm tôm nuôi tạo ra cho chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với 2 - 3 vụ/năm, sản lượng đạt khoảng 260.000 tấn/năm.
Ông Võ Văn Vịnh - nông dân nuôi tôm tại xã Tam Thôn Hiệp (Cần Giờ) - cho biết: “Chuyến tham quan đã đem lại cho tôi nhiều kinh nghiệm bổ ích. Với các mô hình được tham quan, ngoài quy trình nuôi chung thì mỗi mô hình đều có nhiều cái hay riêng, từ thành công của họ giúp tôi rút ra được kinh nghiệm trong việc áp dụng tiến bộ mới vào thực tiễn mô hình của gia đình. Ví dụ như ở mô hình nuôi tôm thâm canh của Công ty Long Mạnh, cách làm ao ương, ao nuôi phù hợp với điều kiện bà con nuôi tôm tại Cần Giờ, sử dụng thiết kế ao tròn nhỏ gọn ít chiếm diện tích, kinh phí thấp (ao ương 250m2 - 500m2, chi phí 80 triệu đồng/ao; ao nuôi 1.000m2 - 2.000m2, khoảng 200 triệu đồng/ao), thời gian sử dụng dài... Ngoài ra, chúng tôi còn được tiếp cận với các trại giống lớn có uy tín, từ đó lựa chọn được nguồn giống tốt với giá cả hợp lý”.
Còn ông Phạm Văn Đứng, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Hiệp Thành (Nhà Bè) và là nông dân trực tiếp sản xuất tôm, nói: “Qua chuyến đi tôi học được rất nhiều cái hay; hay nhất là ở mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn của Công ty Long Mạnh, vì phù hợp với khả năng đầu tư của người nông dân mà năng suất cao, lợi nhuận đạt gần 40% so với chi phí đầu tư. Sắp tới, Hợp tác xã Hiệp Thành sẽ tổ chức cho hơn 11 xã viên (với diện tích gần 30ha, sản lượng bình quân đạt khoảng 15 tấn/ha) tham quan mô hình này để áp dụng, nâng cao hơn nữa lợi nhuận mang lại từ nuôi tôm công nghệ cao”.
Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM, khẳng định: “Từ kết quả mang lại của chuyến tham quan, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể cho bà con nông dân áp dụng thực hiện. Trong năm 2018, chúng tôi tập trung đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn công nghệ cao, đặc biệt áp dụng cơ giới hóa trong xây dựng ao ương tôm (250m2 - 500m2, chi phí khoảng 80 triệu đồng/ao), ương từ tôm post 12 đến khi đạt 600 - 900 con/kg sau 25- 30 ngày thì đem ra ao nuôi, với tỷ lệ sống đạt trên 90%, đây chính là mấu chốt đem lại thành công cho người nuôi tôm”.
Tập đoàn Việt Úc (với năng lực cung cấp 50 tỷ con giống tôm/năm) là tập đoàn đầu tiên và triển khai thành công tôm bố mẹ, chủ động hoàn toàn về số lượng và chất lượng của đàn bố mẹ đến sự phát triển ngành tôm Việt Nam, độc quyền về công nghệ thức ăn cho tôm sử dụng vi sinh vật biển thay thế nguồn cá, giúp tôm tăng trưởng tốt hơn từ 25% - 45%, môi trường nuôi được đảm bảo, hạn chế ô nhiễm nguồn nước…
Related news
Khởi đầu bằng việc sản xuất tôm khô, đến năm 2014, tôm khô của anh Lê Minh Sang được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Điều kiện bảo quản của kho lạnh tốt sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường các nước nhập khẩu.
Sau nhiều thăng trầm, đối diện nhiều thách thức từ các hàng rào kỹ thuật của các nước, giá cá tra ở ĐBSCL đã duy trì ở mức cao và người nuôi đạt lợi nhuận cao