Prices / Mô hình kinh tế

Nông Dân Ào Ạt Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng - Lợi Bất Cập Hại

Nông Dân Ào Ạt Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng - Lợi Bất Cập Hại
Author: 
Publish date: Tuesday. March 19th, 2013

Chưa năm nào người nuôi tôm ở Bạc Liêu lại bị đặt vào hoàn cảnh khó khăn như năm nay! Chọn nuôi tôm thẻ chân trắng hay con tôm sú? Vì nuôi tôm sú năm qua lỗ nhiều hơn lãi, còn nuôi tôm thẻ chân trắng thì cũng nhiều rủi ro. 
Tiềm ẩn nguy cơ

Có một thực trạng đáng báo động hiện nay là nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh con giống, thuốc thú y thủy sản đang phát động phong trào nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng. Nghiêm trọng hơn, việc phát động này lại tác động vào những mô hình nuôi tôm sinh thái bền vững hiện nay. Điều tra thực tế tại các ấp của xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải (Bạc Liêu), nhiều nông dân hiện nay đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng chung với tôm sú. Trong khi, đây là vùng cấm nuôi tôm thẻ chân trắng. 
Ông Huỳnh Thanh Danh, ấp An Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, cho biết: “Sở dĩ 5 năm nay bà con nông dân chọn nuôi tôm thẻ chân trắng vì doanh nghiệp cung cấp giống đến tận nhà vận động bà con nuôi mà không lấy tiền. Nếu trúng tôm thì bà con nông dân trả tiền, còn chết thì doanh nghiệp lại tiếp tục đầu tư cho đến khi nào nuôi trúng thì thôi”. Việc bán con giống gần như cho không này bà con nông dân nào mà lại không ham, chứ bỏ tiền mặt ra mà mua con giống thì ai lại dám. Vì giá tôm sú giống chỉ có 30 đồng/con, trong khi giá tôm thẻ chân trắng đến 80 đồng/con. 
Việc doanh nghiệp bán nợ con giống cho nông dân cứ tưởng là việc làm tốt thể hiện sự đồng cam cộng khổ, nhưng phân tích kỹ thật sự việc này có khả năng đẩy người nông dân vào cảnh khốn cùng và phá hủy môi trường tự nhiên, sự phát triển bền vững trong tương lai. Bởi muốn nuôi tôm thẻ chân trắng phải nuôi với mật độ nhiều. Nếu vậy phải sử dụng thức ăn công nghiệp chứ nguồn thức ăn có sẵn từ tự nhiên không đủ. Mặc khác, nếu có trúng thì chưa chắc có đủ tiền để chi trả cho tiền giống khi nợ vụ trước cứ dồn vào vụ sau và giá con giống lại cao gần 3 lần so với tôm sú. Đáng quan tâm hơn, tôm thẻ chân trắng lại nuôi trong vùng cấm nhưng lại sử dụng nguồn nước chung cho cả mô hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp. Dịch bệnh chắc chắn sẽ xảy ra và nông dân sẽ phải trả một giá rất đắt cho việc tự hủy hoại môi trường. Đến lúc đó, muốn nuôi tôm sú cũng chẳng được mà nuôi con khác cũng chẳng xong. 
Nuôi thất mới có lãi!?

So với những năm trước, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong dân tăng không phải vì hiệu quả của mô hình này mà vì một lý do khác. Nghe qua rất mâu thuẫn nhưng lại rất thực tế, vì nuôi thất mới có hiệu quả. Theo ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: “Việc thực hiện bảo hiểm cho con tôm hiện nay rất bất cập. Phần lớn người nuôi tôm thẻ chân trắng đều muốn bị thiệt hại để được bồi thường. Vì theo quy định tôm thẻ chân trắng nuôi từ 55 - 60 ngày bị thiệt hại đều được bảo hiểm bồi thường nhưng người nuôi tôm lại được tận thu. Qua thống kê cho thấy, có đến 90% số hộ nuôi tôm bị thiệt hại đều rơi vào thời gian từ 55 - 60 ngày”. 
Chính sự sơ hở về quy định này mà nhiều hộ thích nuôi tôm thẻ. Vì nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ cần 60 ngày là thu được và giá bán 1 kg khoảng 80.000 đồng. Muốn tôm chết thì quá dễ chỉ cần bỏ đói là tôm tấp mé ngay, xong đợi bảo hiểm làm xong biên bản là tiến hành thu bán hoặc không thì để nuôi tiếp bán sau cũng chẳng ai phát hiện. Vì ngoài tiền bảo hiểm phải thường, người nuôi tôm còn được tận thu tất cả thành quả sau 60 ngày của mình. Đây cũng là lý do giải thích vì sao hễ đến gần 60 ngày là tôm tự nhiên chết!? 
Một nguyên nhân khác khiến nhiều người thích nuôi tôm thẻ chân trắng, thậm chí có người chưa bao giờ nuôi tôm vẫn cứ thuê đất nuôi tôm vì ngoài lợi dụng kẽ hở quy định về thời gian trong bồi thường để trục lợi, nhiều người còn gian lận về số lượng, thậm chí bắt tay với các doanh nghiệp, các trại sản xuất giống để hợp thức hóa thủ tục. Đó là chuyện thả ít nhưng lại báo thả nhiều và không cần chăm sóc để tôm chết nhằm hưởng tiền bồi thường thiệt hại từ con giống. 
Ông Lưu Văn Tỷ, Phó phòng NN-PTNT huyện Đông Hải, khẳng định: “Biết nông dân gian lận về con giống để hưởng bảo hiểm nhưng không thể kiểm soát hết vì mỗi xã hiện nay chỉ có một cán bộ thủy sản nên không thể đi hết tất cả các hộ dân để kiểm tra số lượng thả. Trung bình một ngày thả từ 20 - 30 ao nhưng địa bàn lại khác nhau. Do vậy, muốn kiểm soát không phải là chuyện dễ”. Thậm chí, có nông dân còn báo thả tôm vào lúc 1 - 2 giờ sáng để tránh kiểm đếm số lượng nhằm trục lợi.


Related news

Phát Triển Nghề Nuôi Cá Lồng Bè Trên Hồ Định Bình Phát Triển Nghề Nuôi Cá Lồng Bè Trên Hồ Định Bình

Năm 2009, Sở NN-PTNT phối hợp với Sở KH-CN Bình Định thực hiện đề tài “Đánh giá tiềm năng và xây dựng quy trình kỹ thuật ương - nuôi cá điêu hồng trong lồng năng suất cao” phù hợp trên các hồ chứa nước lớn của tỉnh. Kết quả của đề tài đã thúc đẩy phát triển nghề nuôi cá điêu hồng lồng bè ở hồ Định Bình trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.

Tuesday. March 19th, 2013
Tập Huấn Nuôi Ghép Cá Rô Phi Đơn Tính Đực Theo Quy Trình VietGAP Tập Huấn Nuôi Ghép Cá Rô Phi Đơn Tính Đực Theo Quy Trình VietGAP

Ngày 29/8/2013, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tổ chức tập huấn lần 2 mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính đực khu vực miền núi theo quy trình GAP tại hội trường Trung tâm Nông nghiệp huyện Lâm Hà.

Tuesday. March 19th, 2013
Nhiều Mô Hình Kinh Tế Hiệu Quả Nhiều Mô Hình Kinh Tế Hiệu Quả

Năm 2012, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) đã triển khai thí điểm 10 mô hình kinh tế về chăn nuôi, trồng trọt, với tổng kinh phí trên 450 triệu đồng; trong đó có 5 mô hình nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư cùng với nông dân.

Tuesday. March 19th, 2013