Giá / Tin thủy sản

Nỗi buồn của những vua trang trại

Nỗi buồn của những vua trang trại
Tác giả: Trần Thế - Khải Huyền
Ngày đăng: 23/06/2016

“Vua” mắc ca… “mắc lưới”

Lao vào cây mắc ca như một “cơn nghiện”, ông Trần Vinh (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) một thời được xem là “vua” của loại cây này ở Việt Nam. Ông Vinh có trang trại mắc ca với diện tích lên đến 200ha, được đầu tư bài bản từ khâu nhập khẩu cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc cho tới khâu thu hoạch.

Ông Vinh chia sẻ, từ khi trồng mắc ca, ông đã phải bán nhà, bán đất để lấy vốn đầu tư. Ấy thế mà nguồn vốn không đáp ứng đủ. Giờ đây, ông chỉ biết nhìn đứa con tinh thần lay lắt qua ngày.

Ông Vinh kể, năm 2005, ông cùng người bạn nhập hơn 100 cây giống mắc ca từ Mỹ và Úc về trồng thử nghiệm hơn 4.000 m2 đất rừng ở Đơn Dương (Lâm Đồng). Lúc bấy giờ loại cây này còn rất  mới lạ với nông dân Việt Nam.

Sau 4 năm đầu tư và chăm sóc, những cây mắc ca của ông Vinh bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi cây có sản lượng gần 70kg quả khô. Với giá bán lúc bấy giờ khoảng 150.000 đồng/kg, ông Vinh thu về khoảng 700 triệu đồng.

Tưởng “dễ ăn”, ông Vinh bắt đầu nhân giống, mở rộng quy mô sản xuất lên tới 3ha. Chưa dừng lại ở đó, ông thuê thêm 200ha đất của nhà nước, với giá 1 triệu đồng/ha/năm trong 50 năm để thỏa chí phiêu bồng với loại cây “nữ hoàng” này. Với quy mô lớn, ông Vinh xứng đáng được xem là người tiên phong và là “vua” mắc ca của cả nước.

Lúc bấy giờ, hiện tượng Trần Vinh gây chú ý thật sự cho các nhà nông học ở Việt Nam và nông dân trong nước muốn “làm bạn” với “nữ hoàng” mắc ca.

Cũng như ông Vinh, nông dân Nguyễn Ngọc Hải (Thới An, Cần Thơ) không chỉ được xem là “vua cá tra” trong nước mà còn được cộng đồng nuôi, chế biến xuất khẩu cá tra trên thế giới công nhận.

Ông Hải gắn bó với con cá tra từ gần hai chục năm trước. Đầu tư quy mô, bài bản với kỹ thuật nuôi cá tiến bộ, những năm 2006, 2007, khi con cá tra đang là “con cá vàng” của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL, cứ mỗi 100 tấn cá được vớt lên từ ao nuôi là ông Hải đã có thể bỏ túi hơn nửa tỷ đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Hải còn là Chủ nhiệm HTX Thới An (Cần Thơ), một trong những HTX kiểu mẫu của ĐBSCL, mỗi năm cung ứng từ 20.000 – 30.000 tấn cá tra nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu. Ông còn được nhiều nước mời sang hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá tra, được nhiều giải thưởng của Liên minh HTX Quốc tế…

 Làm “vua” thua làm lính

“Là vua hay là lính thì điều quan trọng là sản phẩm bán ra phải được thị trường chấp nhận. Có thương hiệu, nhãn hiệu đủ mạnh thì nông dân mới không bị ép giá, trang trại mới phát triển được”.

Ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm HTX Thới An (Cần Thơ)

Dù đổ công sức đầu tư với bao tâm huyết, sức lực, vốn liếng… thế nhưng, khi sản phẩm ra thị trường lại không có tên tuổi khiến nhiều ông chủ phải loay hoay tìm chỗ đứng, hoặc phải “núp bóng” thiên hạ hoặc dần dần phá sản vì thua lỗ.

Mỗi lần tâm sự về chặng đường gần nửa cuộc đời gắn bó với con cá tra đã qua của mình, ông Nguyễn Ngọc Hải không nguôi nỗi buồn. Cá tra, cá basa được xem là sản phẩm nông nghiệp chính của vùng ĐBSCL, xuất khẩu đem về hàng tỉ USD mỗi năm, thế nhưng, tên tuổi cá tra Việt Nam trên bản đồ thế giới cũng chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Cùng với việc chỉ xuất thô, không xây dựng được thương hiệu nên dù HTX Thới An có tổ chức sản xuất bài bản, có năng suất cao, ổn định… thì khi xuất bán, các xã viên, trong đó có ông Hải, phải bán cá giá rẻ. Dần dần, thị trường tiêu thụ cá tra bị co hẹp, thua lỗ liên tục, ông Hải phải tạm bỏ cá tra, sang Bến Tre đi nuôi tôm thuê cho ông chủ khác.

“Nông dân bây giờ hết nước mắt khóc con cá rồi nên phải tìm cách khác mưu sinh thôi. Vua hay lính thì điều quan trọng là phải sống được”, ông Hải tâm sự.

Còn ông Trần Vinh, từ khi lao vào cây mắc ca, vốn liếng ông đổ xuống cho cây “nữ hoàng” khoảng hơn 40 tỷ đồng. “Hiện mỗi tháng, tôi cần cả tỉ đồng để chăm sóc 200 ha mắc ca. Tôi dự tính sẽ bán toàn bộ diện tích mắc ca hoặc nếu có ai muốn hợp tác thì lợi nhuận chia theo tỉ lệ góp vốn”, ông Vinh thổ lộ.


Vừa rồi, khi nghe thông tin Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) có kế hoạch dành khoảng 20.000 tỉ đồng để phát triển cây mắc ca tại 5 tỉnh Tây Nguyên, thông qua hình thức cho vay tín chấp từ 7-10 năm, lãi suất dưới 10%/năm, ông Vinh đã tìm đến liên hệ với hy vọng  sản nghiệp của đời mình sẽ tìm được lối thoát, nhưng kế hoạch đó vẫn còn trên giấy.

Giờ ông Vinh phải chạy vạy khắp nơi tìm nguồn vốn để cứu rừng mắc ca. Nhưng các đối tác đến nhìn thấy cảnh sản phẩm mắc ca đang “thoi thóp”, và nghĩ đến việc đầu tư quá lớn vào lĩnh vực quá mạo hiểm nên... bỏ chạy.

Hiện trên thị trường khá khan hiếm sản phẩm mắc ca. Quả mắc ca khô giá vài trăm ngàn đồng/kg, còn mắc ca nhân lên đến cả triệu đồng/kg. Tuy nhiên, điều này không còn hấp dẫn với ông Vinh nữa, bởi nếu rừng mắc ca không được tiếp vốn kịp thời thì mọi công sức, mấy chục tỷ đồng sẽ đổ sông, đổ biển...


Có thể bạn quan tâm

Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế cá lồng giúp ổn định cuộc sống Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế cá lồng giúp ổn định cuộc sống

Tận dụng lợi thế mặt nước của sông Bồ, từ năm 2006 hơn chục hộ dân ở phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển mô hình nuôi cá lồng. Mô hình mang lại hiệu quả nên số hộ dân trong vùng nuôi mở rộng.

23/06/2016
Nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học vượt qua hạn, mặn Nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học vượt qua hạn, mặn

Toàn vùng đều bị thiệt hại nhưng niềm vui vẫn đến với 24 hộ dân làm mô hình “con tôm ôm gốc lúa”. Mùa tôm vừa qua mỗi hộ thu hàng chục triệu đồng, bí quyết của họ là tuân thủ kỹ thuật nuôi và sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ.

23/06/2016
Kiên Giang triển khai mô hình nuôi lươn trên bể lót bạt sử dụng thức ăn công nghiệp Kiên Giang triển khai mô hình nuôi lươn trên bể lót bạt sử dụng thức ăn công nghiệp

Sáng ngày 10/6/2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh vừa giao 9.000 con lươn giống cho 5 điểm (1.800 con/điểm) trên địa bàn các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao và thành phố Rạch Giá.

23/06/2016