Ninh Phước Tập Trung Chăm Sóc Lúa Hè - Thu
Là “vựa lúa” của cả tỉnh, huyện Ninh Phước luôn là địa phương dẫn đầu cả về diện tích và năng suất, sản lượng. Vụ hè – thu năm nay, toàn huyện xuống giống 4.325 ha, tăng 5% so với kế hoạch.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, do thời tiết cuối vụ đông – xuân có phần gay gắt, nguy cơ xảy ra hạn hán nên một số diện tích thuộc các khu vực không đảm bảo nước tưới đã không xuống giống. Tuy nhiên, ngay khi xuất hiện mưa vào nửa đầu tháng 6, một số địa phương đã đề nghị để nông dân xuống giống để kịp thời vụ. Sau khi khảo sát, đánh giá tình hình tích nước tại các hồ chứa và dự báo diễn biến thời tiết đến cuối vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thông báo bổ sung diện tích xuống giống gồm 70ha lúa ở khu vực ăn nước hồ Tà Ranh thuộc xã Phước Thái và 375 ha trồng hoa màu ăn nước hồ Lanh Ra thuộc xã Phước Vinh. Riêng hơn 100 ha thuộc thị trấn Phước Dân và các thôn Hậu Sanh, La Chữ của xã Phước Hữu ăn nước hồ Tân Giang, CK7, Bầu Zôn vẫn không được xuống giống do lượng nước tưới không đảm bảo đến cuối vụ.
Ông Huỳnh Kiều Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hữu, cho biết: Rút kinh nghiệm vụ đông – xuân vừa rồi, chính quyền địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, tổ chức họp các hợp tác xã trên địa bàn, đồng thời thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh về việc không xuống giống vụ hè – thu ở các khu vực không đảm bảo nước tưới. Đa số nông dân đều chấp hành, tuy nhiên, rải rác vài hộ dân có giếng, ao tích nước vẫn tự ý xuống giống, với diện tích không đáng kể.
Ở khu vực cuối kênh Nam thuộc xã An Hải, tình hình nước tưới phục vụ sản xuất lúa hè – thu cơ bản đáp ứng đủ đến cuối vụ. Mặc dù theo kế hoạch, toàn xã chỉ sản xuất 165 ha, nhưng nhờ điều kiện nước tưới có phần thuận lợi hơn dự kiến nên địa phương đã chủ động xuống giống 230 ha.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Ninh Phước có 3 trà lúa ở 3 giai đoạn: chắc chín, làm đòng và đẻ nhánh, đang lo ngại có nguy cơ xảy ra dịch sâu bệnh hại lúa. Ông Ngô Sỹ Châu, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ninh Phước, cho biết: Đơn vị đang tăng cường công tác giám sát ở các xứ đồng, đề nghị UBND các xã phối hợp với cộng tác viên BVTV tại địa phương tổ chức khám đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý khi có sâu bệnh. Đến thời điểm này, cả 3 trà lúa trên địa bàn đều sinh trưởng tốt, chưa có sâu bệnh bất thường.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành Nông nghiệp địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, với diện tích 406,8 ha, tăng hơn 87 ha so với vụ đông – xuân. Anh Lâm Thành Vững, cán bộ nông nghiệp xã Phước Hậu cho hay: Toàn xã xuống giống vụ hè – thu 854 ha lúa; trong đó, lúa “1 phải, 5 giảm” có 122 ha, với các giống TH 41, ML 48, ML 202; sản xuất lúa giống có 65 ha, gồm các giống TH 41, TH 6, ML 214, ML 202. Ngoài mô hình “1 phải, 5 giảm”, nông dân huyện Ninh Phước cũng sản xuất trên 200 ha lúa giống. Tham gia mô hình sản xuất lúa giống thuộc Dự án Cạnh tranh nông nghiệp triển khai tại xã Phước Thái, anh Đàng Tấn Huyện, thôn Như Bình, cho biết, đây là vụ thứ 5 gia đình tham gia mô hình này. Năng suất các vụ trước đạt từ 7 – 8 tạ/sào. Mặc dù chỉ có hơn 2 sào lúa tham gia mô hình nhưng tôi thấy sản xuất lúa giống mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn lúa thương phẩm.
Dưới ánh nắng rực rỡ ngày hè, những cánh đồng lúa xanh rì đang vươn mình đầy sức sống, nông dân Ninh Phước hăng say lao động chờ đón một vụ lúa bội thu.
Related news
Ngay từ thời điểm bắt đầu thu hoạch vụ ĐX 2013, giá đậu phộng (lạc) ở Bình Định đã bị giảm đến 3.000 - 4.000 đ/kg so với năm 2012. Càng thu hoạch rộ, giá đậu phộng càng tuột sâu, hiện chỉ còn 17.000 - 18.000đ/kg. Đã rẻ, nhưng muốn bán cũng chẳng có người mua. Người trồng đậu phộng ở Bình Định đang nẫu ruột ôm đậu phộng ế.
Anh canh tác 5 sào ruộng hai vụ lúa, thu hoạch mỗi vụ gần 2,5 tấn. Với giá lúa 5.000đồng/kg, trừ chi phí sản xuất anh còn lãi khoảng 16 triệu đồng/năm. Anh Ngóng trồng 2 sào bắp lai đầu tư thâm canh cho thu nhập hơn 5 triệu đồng.
Chúng tôi lấy làm ngỡ ngàng khi đứng trước vườn thanh long đang mùa đơm bông kết trái trên đồng đất Nha Húi thuộc xã Mỹ Sơn. Mô hình cây thanh long ruột đỏ rộng 3 hecta của anh Sằn A Lộc đánh dấu bước phát triển mới trong nghề trồng cây ăn trái ở huyện Ninh Sơn.