Prices / Mô hình kinh tế

Những tỷ phú nông dân vùng Kinh Bắc

Những tỷ phú nông dân vùng Kinh Bắc
Author: Trần Hồ - Dương Trường
Publish date: Thursday. January 19th, 2017

Tận dụng những vùng đất trũng hay bãi phù sa sông Đuống để phát triển kinh tế làm giàu là những bước đi mà nông dân ở Cảnh Hưng đang hướng đến.

Trong ảnh: Trang trại lợn công nghệ cao của chị Hà thu tiền tỷ

Nuôi lợn công nghệ cao

Về xã Cảnh Hưng, khi nhắc đến những nông dân điển hình, ai cũng xuýt xoa trầm trồ về mô hình làm kinh tế trang trại của chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Rền (xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).

Nằm cạnh bờ đê con sông Đuống màu mỡ, là một cơ ngơi trang trại lợn hiện đại, với diện tích 4ha, quy mô với 4 dãy nhà, cùng các công trình phụ trợ đang xây dựng. Chị kể, sau nhiều lần suy đi tính lại, diện tích đất thì lớn, trồng lúa thì hiệu quả không cao, cây ăn quả cũng không khá. Chị tính phải đầu tư nuôi lợn theo công nghệ cao.

Hiện tại, trang trại của chị Hà có 800 con lợn, chuẩn bị xuất chuồng phục vụ tết. Do nuôi lợn sạch nên khi giá lợn hơi trên thị trường xuống đáy, sản phẩm của chị vẫn tiêu thụ tốt và có lãi. Mỗi năm trang trại chị cho xuất chuồng từ 3 - 4 lứa. Có những năm thuận lợi được giá, trang trại của chị Hà thu lãi tiền tỷ.

Chị khoe ngay: “Chăn nuôi lợn đem lại hiệu quả gấp hàng chục lần so với lúa trên vùng đất trũng này. Nếu thuận lợi thì bù mọi chi phí tôi thu lãi khoảng 500 - 700 triệu đồng/năm, thậm chí tiền tỷ”.

Để có được cơ ngơi đáng mơ ước với nhiều nông dân, những người làm chăn nuôi như chị, luôn đau đáu vấn đề môi trường. Nhờ sự đầu tư có bài bản, hiện đại với hệ thông hầm biogas phủ bạt cỡ lớn, các hồ điều hòa, kết hợp với mô hình VAC nên môi trường nuôi luôn đảm bảo.

Trang trại được kiểm soát dịch bệnh rất nghiêm ngặt. Công nhân vào làm việc đều phải đi qua khu vực khử trùng. Lợn nhập vào đều là giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ... Ngoài ra, chị còn tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên với mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng.

“Nhờ nuôi lợn, gia đình tôi vươn lên làm giàu, có tiền cho con cái học hành đàng hoàng. Tôi nhận thấy nuôi lợn không đòi hỏi kỹ thuật nhiều, ít dịch bệnh, cộng với sự quyết tâm và kiên trì, chẳng mấy chốc khá giả”, chị Hà tâm đắc.

"Vua" cá lồng

Để tận dụng sự ưu ái của thiên nhiên, tỉnh Bắc Ninh đã có chính sách hỗ hợ và khuyến khích người dân đầu tư nuôi cá lồng. Nắm bắt được thời cơ, cùng với chí làm giàu, gia đình ông Nguyễn Duy Hưng ở thôn Rền đã nhanh nhạy đầu tư vào một nghề “tuy cũ mà mới” này.

Mô hình nuôi cá lồng của ông Hưng

Gặp chúng tôi, ông tay bắt mặt mừng nói: “Lúc đầu làm quen với mô hình nuôi cá lồng còn nhiều bỡ ngỡ và chưa nắm rõ được hết kỹ thuật, gia đình tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Sau thời gian học hỏi bạn bè, tìm hiểu cách nuôi ở nhiều nơi, cùng với sự hỗ trợ từ cán bộ khuyến nông, gia đình tôi nắm được kỹ thuật. Giờ nuôi cá lồng đối với tôi rất đơn giản mà rất nhàn”.

Sau 2 năm “ăn ngủ” cùng cá trên con sông Đuống, bước đầu gia đình ông Hưng đã có thành công. Với diện tích hơn 1.000m2 mặt nước với 85 lồng cá trắm và rô phi đơn tính, tổng chi phí đầu tư 2 tỷ đồng. Năm ngoái, gia đình ông xuất ra thị trường hơn 20 tấn cá. Tết năm nay, ông Hưng ước tính cung cấp 70 - 80 tấn cá và năm sau sẽ là hàng trăm tấn. Ngoài ra, trang trại ông đem lại công việc cho 5 lao công với mức lương 150 nghìn đồng/ngày (chủ yếu là cắt cỏ và trông nom).

Ông Hưng thu lãi hàng trăm triệu đồng từ cá lồng

Với giá cá trắm từ 60 - 70 nghìn/kg, cá rô phi 30 nghìn đồng/kg, nuôi cá lồng luôn cho thu nhập khá. Ông Hưng cho biết: “Nuôi cá lồng không phải thoát nghèo mà làm giàu. Hiệu quả kinh tế rất khá, có sản phẩm bán quanh năm, trong khi dịch bệnh xảy ra ít. Tính sơ sơ, nuôi cá lồng trên sông gia đình tôi thu lãi 600 triệu đồng/năm”.

Theo kinh nghiệm của ông Hưng, ngoài các thuận lợi trên, nuôi cá lồng còn tốn ít công, dòng nước sông lưu thông nên môi trường luôn sạch sẽ, thức ăn không bị đọng lại trong lồng, dẫn đến dịch bệnh ít. Bên cạnh những thuận lợi, khó khăn mà ông gặp phải là việc đánh bắt cá bằng điện của người dân quanh vùng ảnh hưởng đến việc nuôi lồng bè.

Ông Nguyễn Bá Luận, Chủ tịch UBND xã Cảnh Hưng cho biết, hiện tại xã có 4 trang trại nuôi lợn lớn được cấp phép, hơn chục trang trại nhỏ lẻ. Trên sông Đuống, nuôi cá lồng được quan tâm và phát triển với hơn 100 lồng cá. Mô hình bò sữa cũng đang phát triển với 264 con.

Người dân được tạo mọi điều kiện để phát triển kinh tế như đầu tư nuôi cá lồng được hỗ trợ 15 triệu/lồng; trồng chuối theo hướng VietGAP với quy mô trên 5ha được hỗ trợ 150 triệu/ha. Đồng thời, địa phương tạo điều kiện về mặt đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng, tạo điều kiện cho người dân vay vốn. Do vậy, tỷ lệ người lao động có việc làm tương đối cao, tỷ lệ hộ nghèocủa xã chỉ còn 2%”.


Related news

Làm giàu nhờ nuôi thỏ Làm giàu nhờ nuôi thỏ

Anh Lê Phước Trung đã tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm về Mô hình nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện ở địa phương.

Thursday. January 19th, 2017
“Vua” trứng cút và dự án táo bạo xưa nay chưa ai làm “Vua” trứng cút và dự án táo bạo xưa nay chưa ai làm

Không chỉ có đàn cút lớn nhất Việt Nam, anh Phạm Văn Thịnh còn đang thực hiện khát vọng xây dựng nhà máy đóng hộp trứng cút sạch – một dự án táo bạo chưa ai làm

Thursday. January 19th, 2017
Từ tay trắng thu tiền tỷ nhờ nấm linh chi Từ tay trắng thu tiền tỷ nhờ nấm linh chi

Trước khi trở thành ông chủ của một trong những trại nấm linh chi quy mô lớn tại huyện Đầm Hà, anh Phan Quốc Hưng từng có thời gian dài ngập trong số nợ lớn

Thursday. January 19th, 2017