Nhiều Mô Hình Giúp Nông Dân
Nói về chuyện làm nông thì Hàm Thuận Bắc được xem là một trong những huyện trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh. Mấy năm qua, một số mô hình khuyến nông được triển khai trên địa bàn huyện đã giúp nhiều nông dân tăng thêm hiệu quả trong sản xuất và chăn nuôi.
Ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), xưa nay bà con có thói quen sản xuất lúa rẫy, cánh đồng Đagury ở thôn 3 xã La Dạ được nhà nước đầu tư thủy lợi để sản xuất lúa nước, do thói quen, mới đầu bà con chưa mặn mà với chuyện làm lúa nước.
Năm ngoái, sau khi huyện triển khai mô hình thâm canh lúa nước vụ đông xuân, một số hộ như ông B’ Đam Hiếu, Bùi Văn Dũng … đã tham gia thử nghiệm sau khi được hỗ trợ 100% giống và vật tư. Cán bộ khuyến nông luôn theo sát để hướng dẫn bà con các quy trình kỹ thuật trong quá trình canh tác. Kết quả thu hoạch mỗi ha đạt năng suất bình quân 50,8 tạ khiến nhiều người phấn khởi, bắt đầu thích nghi với cách làm mới.
Trong tháng 6/2013, mô hình thâm canh lúa nước được tiếp tục triển khai ở các cánh đồng Đagury, Đatrian với sự tham gia của nhiều hộ đồng bào, hiện trà lúa đang phát triển tốt sau khi bà con đã thực hiện cách phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh đúng như hướng dẫn. Đối với cây lúa, huyện cũng đang tiếp tục triển khai mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” với diện tích 5 ha ở xã Hàm Trí. Đây là mô hình công nghệ sinh thái nhằm giúp giảm sử dụng liều lượng thuốc BVTV mà vẫn bảo đảm về năng suất và chất lượng sạch của sản phẩm.
Nói về chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm hiện đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng, sau khi Trạm Khuyến nông huyện cho triển khai mô hình “trồng dưa leo, khổ qua, súp lơ” an toàn. Kết quả ở các diện tích trồng thử nghiệm so với các lô đối chứng, tỉ lệ sâu bệnh đều thấp, năng suất thu hoạch lại cao hơn. Về mặt doanh thu cũng cho những con số đáng phấn khởi. Tổng doanh thu 1 ha dưa leo được 125 triệu đồng, lợi nhuận trên 56 triệu đồng/ha, trái khổ qua sau khi trừ chi phí đã giúp nông dân lãi trên 80 triệu đồng/ha…
Còn nhiều mô hình đã triển khai và đang theo dõi kết quả như mô hình luân canh đậu xanh, bắp lai với sự tham gia của các hộ đồng bào DTTS ở xã Đông Giang, mô hình nuôi bồ câu Pháp theo quy mô bán công nghiệp ở xã Hồng Liêm… Bên cạnh đó, một số mô hình khuyến nông ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế còn mang tính xã hội như mô hình nuôi gà thả vườn cho hộ nghèo.
Sau khi được hỗ trợ 100% giống, thức ăn, thuốc thú y… với 50 con gà giống sau 3 tháng nuôi, mỗi hộ nghèo đã thu lãi trên 1.500.000 đồng. Những kết quả trên cho thấy đầu tư cho một số mô hình khuyến nông hiệu quả là việc làm rất thiết thực, giúp thay đổi thói quen sản xuất lạc hậu và tác động đến hiệu quả sản xuất.
Related news
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng giá xăng dầu tăng 3 lần, hàng ngàn tàu cá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gặp khó. Chi phí nhiên liệu tăng cao nhưng tôm, cá, mực... lại mất giá; sau chuyến biển thu không đủ bù chi. Khoảng nửa tháng nay, nhiều chiếc tàu ra khơi cầm chừng.
Gần đây, do lợi nhuận từ việc trồng keo giấy khá cao, nông dân Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) mở rộng diện tích trồng keo giấy vụ mới. Hiện nay, các vườn ươm tại Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) bán cây con (chủ yếu giống keo giâm hom) dao động từ 600 đồng đến 700 đồng/1 cây keo giấy, tuy nhiên nguồn cung cũng chỉ đủ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trồng rừng của người dân. Trung tâm Dịch vụ thương mại Khánh Vĩnh đã mua 165.000 cây keo lai giâm hom từ các tỉnh khác để đáp ứng nhu cầu trồng rừng của bà con.
Hàng chục hộ dân trên địa bàn thành phố Hòa Bình tham gia mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm vừa hoàn tất vụ thu hoạch. Kết quả mang lại khả quan với 1 ha trong mô hình, thời gian nuôi 6 tháng, các hộ thu được hơn 1.800 kg tôm càng xanh thương phẩm, trị giá gần 400 triệu đồng.