Nhiều Hộ Nông Dân Đã Trồng Hồ Tiêu Theo Hướng An Toàn, Hiệu Quả
Gia đình ông Vũ Văn Hợi ở thôn Bu Ruăh, xã Đắk N’drung (Đắk Song - Đắk Nông) có 2 ha tiêu đang phát triển xanh tốt, cho năng suất cao, năm 2012, đạt hơn 5 tấn/ha. Theo ông thì sở dĩ đạt được kết quả như vậy vì những năm gần đây, được sự hướng dẫn trực tiếp của các cán bộ Trạm bảo vệ thực vật huyện, ông đã biết phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững, nên năng suất tăng gần gấp đôi so với trước.
Gia đình ông Phạm Ngọc Tiếp ở thôn Đắk Kual 3, xã Đắk N’drung cũng có 2 sào tiêu, nhưng nhờ biết chăm sóc tốt nên hàng năm đạt sản lượng hơn 1,2 tấn. Ông Tiếp cho biết: “Tiêu thường phát sinh sâu bệnh chủ yếu trong mùa mưa nên việc đào rãnh thoát nước, tiêu úng cho cây có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh đó, tôi thường rong tỉa bớt những cành sát mặt đất để hạn chế sự lây lan mầm bệnh từ đất cho thân cây”.
Theo UBND xã Đắk N’drung, hiện toàn xã có khoảng 800 ha tiêu, trong đó, có gần 1/3 diện tích đạt mức 5 tấn/ha nhờ được chăm sóc, phòng bệnh tốt. Tương tự, xã Nâm N’Jang cũng xác định hồ tiêu là cây trồng chủ lực trong cơ cấu nông nghiệp của địa phương, nên cũng thường chú trọng hướng dẫn cho nhân dân phát triển cây tiêu theo hướng bền vững.
Theo đó, hàng năm, xã luôn phối hợp với các ngành chức năng triển khai các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình về thâm canh hiệu quả cây tiêu cho nông dân. Vì thế, hiện nay, hầu hết nông dân đã biết cách chủ động phòng, chống các loại sâu hại như rệp sáp, bọ xít lưới, mối, sâu đục thân.
Ông Nguyễn Hữu Tần, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang cho biết: "Hiện nay, diện tích tiêu trên địa bàn xã đã đạt hơn 1.500 ha, nên xã không khuyến khích mở rộng mà tập trung vào việc tuyên truyền nông dân đẩy mạnh công tác chăm sóc, phòng bệnh nhằm đảm bảo cho cây tiêu đạt năng suất ổn định, không bị chết hàng loạt”.
Theo ông Lê Hoàng Vinh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Đắk Song thì cái khác của phát triển cây hồ tiêu bền vững so với cách thức trồng tiêu truyền thống của nông dân, đó là thay vì sử dụng trụ chết thì cần phải dùng trụ sống bằng các loại cây như muồng đen, hông, gòn. Việc trồng tiêu trên trụ sống không những không làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây tiêu mà còn góp phần làm giảm tình trạng chặt phá cây rừng làm trụ tiêu.
Việc sử dụng hợp lý, đúng cách phân bón, trong đó ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, sinh học, chế phẩm vi sinh để hạn chế sự phát sinh của các loại dịch bệnh gây hại mạnh nhất trên cây tiêu là héo chết nhanh do nấm Phytophthora gây ra và bệnh vàng lá chết chậm do tuyến trùng tấn công cũng là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Do đó, đây đang là phương thức phát triển cây hồ tiêu bền vững mà huyện định hướng, khuyến khích nông dân nhân rộng nhằm đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả.
Related news
Cá lăng chấm (Hemibagrus guttatus) là loài cá quý hiếm hoang dã sống trên hệ thống sông Hồng. Thịt cá mềm, thơm ngon, ít xương dăm, giàu chất dinh dưỡng, được liệt vào hàng đặc sản. Cá lăng chấm sống ở những vùng nước sạch, có dòng chảy nhẹ. Hiện nay, cá lăng chấm bị khai thác rất mạnh đến mức cạn kiệt
Theo Viện trưởng Lê Quốc Doanh thì lạc dại (Arachis pintoi) là cây họ đậu thuộc loại thân bò, sinh trưởng vô hạn, hoa có màu vàng tươi, hạt nhỏ (8-12mm x 4-6mm), màu nâu nhạt, rễ có nhiều nốt sần có khả năng cố định đạm từ nitơ khí trời rất tốt. Lạc dại dễ trồng, sinh trưởng, phát triển nhanh, có thể thích ứng với nhiều loại đất từ đất xấu bạc màu, nghèo dinh dưỡng, đất đồi núi dốc đến đất cát, đất chua mặn ven biển.
Thế nhưng khi về huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), chúng tôi mới biết rằng "di chứng" của cơn sốt gạo ấy vẫn còn gây lo lắng cho người nông dân nơi này, nhất là với những hộ lâu nay sinh sống chủ yếu nhờ vào cây bắp.