Nhập 53.000 Tấn Muối: Diêm Dân Bị Dồn Vào Chân Tường
Bức xúc
Là người gắn bó với nghề muối đã lâu, khi nghe thông tin Bộ Công Thương cho phép nhập khẩu muối, ông Lê Phước Trụ (ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) bức xúc nói: "Tôi làm nghề muối đã lâu, cứ năm nào nhập muối là năm đó diêm dân chúng tôi rất khốn khổ, vì muối bị ế, mà có bán được thì giá rẻ như cho”.
Tại vùng muối Long Điền (Bạc Liêu), diêm dân Huỳnh Văn Sơn rầu rĩ: “Nếu để giá muối xuống thấp như năm rồi, chúng tôi chỉ còn nước bỏ nghề”. Còn ông Âu Minh An - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, diêm nghiệp Thuận Thành, quản lý diện tích muối khá lớn ở Bạc Liêu, buồn bã nói: “Giá muối vừa lên được vài trăm đồng mỗi kg, diêm dân chưa kịp bán hết thì đã "dính" quả muối ngoại, sẽ càng làm muối nội thêm ế ẩm, giảm giá”.
Chia sẻ với những khó khăn của người sản xuất muối, ông Nguyễn Quang (phường 2, TP.Bạc Liêu) chuyên kinh doanh muối rất bức xúc trước chuyện lại cấp hạn ngạch nhập khẩu muối. Ông Quang nói thẳng: “Chúng tôi muốn mua muối giúp diêm dân, vậy mà mấy bộ cứ cho nhập muối. Như năm trước, chỉ cần nhập 23.000 tấn muối ngoại về, đã thấy các vựa muối nội tê liệt, lao đao cả năm trời. Tôi nhất định không chạy theo lợi nhuận, sẽ tiếp tục mua muối của diêm dân mình”.
Cần công bằng với diêm dân
Ở khu vực ĐBSCL, Bạc Liêu là tỉnh có diện tích đất muối cao nhất với sản lượng mỗi năm khoảng hơn 150.000 tấn và có hơn 2.000 hộ diêm dân. Mặc dù vậy, việc đầu tư cho diêm dân ở địa phương này dường như bị bỏ quên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hạ tầng phục vụ làm muối ở Bạc Liêu, Sóc Trăng vẫn chưa hoàn chỉnh, tại các vùng sản xuất muối trạm, trại kỹ thuật phục vụ hỗ trợ vùng muối không có, còn điện, đường đi lại càng khó khăn hơn. Về hệ thống thu mua, trên địa bàn 3 tỉnh có nhiều muối là Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng chỉ có vài doanh nghiệp lớn tổ chức mua muối cầm chừng, thậm chí nhiều lúc còn bỏ mặc diêm dân tự lo đầu ra sản phẩm.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, diêm dân cần được bảo hộ sản xuất bền vững, cần được đầu tư nâng cấp đồng muối và bao tiêu sản phẩm hợp lý. Sản xuất muối công nghiệp Việt Nam sẽ lớn mạnh nếu chúng ta quan tâm việc đầu tư và phát triển công nghệ làm muối, vừa tổ chức sản xuất trong nước. Làm được thế sẽ vừa bảo hộ nghề muối, vừa nâng cao được đời sống diêm dân”.
Ông Trần Thanh Sơn (Chi cục Phát triển nông thôn Bạc Liêu) đánh giá: "Thực tế, sau khi nhập khẩu muối ngoại về, các doanh nghiệp sẽ lập tức tung hàng ra thị trường, bán tràn lan, rất khó quản lý. Đó là lý do vì sao dù chất lượng muối nội được đánh giá là tốt, nhưng lại không cạnh tranh được với giá muối ngoại”.
Theo ông Ngô Minh - cán bộ Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, đối với lúa gạo, khi nào xuất khẩu gặp khó khăn (như thời điểm này) chẳng hạn, Nhà nước thường cho thu mua tạm trữ để ổn định giá cả. Con tôm có thất bại, được xem xét hỗ trợ giống và thậm chí tổ chức bảo hiểm con tôm... Còn hạt muối, dù rủi ro rất cao nhưng lâu nay diêm dân vẫn phải “tự bơi”...
Related news
Mô hình trồng nhãn xen cây màu cho thu nhập trên 50 triệu đồng/vụ của anh Hoàng Ngọc Chung ở thôn Bản Nhuần I - xã Quảng Chu (Chợ Mới, Bắc Kạn) đang được xem là cách làm mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao và cần được nhân rộng.
Đến vùng đất cổ Đường Lâm, huyện Ba Vì, Hà Nội ai cũng biết đến mô hình chăn nuôi gà Mía hiệu quả nhờ mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học của ông Nguyễn Quốc Quân (60 tuổi), người gắn liền với thương hiệu này nhiều năm nay.
Để giúp cho hộ trồng rừng có thêm thu nhập bên cạnh cây rừng, từ năm 1996, Chi Cục Kiểm Lâm đưa cây xoài Bưởi vào cơ cấu cây rừng. Riêng trên địa bàn xã An cư huyện Tịnh Biên, diện tích trồng Xoài xen Sao trong 3 năm, từ năm 1996 đến 1998, là 350ha. Với công thức kỹ thuật: Keo lá tràm 444 cây/ha + Sao 500 cây/ha + Xoài Bưởi 200 cây/ha. Sau bao năm vất vả, đến hôm nay, các hộ dân trồng rừng khu vực xã An Cư phấn khởi vì được mùa xoài.