Nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao phục vụ tái cơ cấu
Các mô hình công nghệ cao trong lĩnh vực rau quả nói riêng, trồng trọt nói chung cần được nhân rộng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đoàn công tác thăm quan khu chế biến dứa đóng hộp.
“Nhân rộng, đẩy nhanh các mô hình liên kết nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực rau quả nói riêng, trồng trọt nói chung phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp” là gợi ý của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trong buổi làm việc với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao ngày 19/3 tại tỉnh Ninh Bình.
Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao hiện là một trong những doanh nghiệp có khu tổ hợp nhà máy chế biến rau quả hiện đại nhất cả nước, có tổng công suất thiết kế hơn 30.000 tấn sản phẩm/năm.
Công ty đang quản lý 4. 500 ha đất, phần lớn diện tích tập trung trồng dứa, tạo thành một vùng nguyên liệu dứa chuyên canh chất lượng cao, giải quyết công ăn việc làm và đảm bảo thu nhập cho trên 13.000 lao động, với thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/người/tháng…
Ông Đinh Cao Khuê, Tổng giám đốc Công ty CPThực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, thực hiện chiến lược “đưa nông sản Việt Nam vươn ra thị trường thế giới”, với chuỗi cung ứng khép kín từ khâu nguyên liệu, thu mua, chế biến đến kinh doanh sản xuất, sản phẩm của công ty đã có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới. Phương châm của doanh nghiệp là muốn hợp tác với nước ngoài thì phải làm sản phẩm chất lượng và giữ uy tín.
“Ngay công đoạn đầu tiên trong sản xuất, công ty phải kiểm tra các yếu tố đầu vào như đất, phân bón, dư lượng thuốc trừ sâu, đặc biệt là chất lượng giống. Công ty xây dựng vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh đầu tư có trọng điểm. Đối với doanh nghiệp chế biến thực phẩm nói chung kể cả sản xuất nội địa và xuất khẩu đều phải đặt yêu cầu chất lượng lên hàng đầu. Sản phẩm an toàn chất lượng mới có chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Khuê cho biết.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tiềm năng phát triển rau quả thời gian tới là rất lớn. Trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, rau quả được xác định là lợi thế trong nhóm các nông sản của Việt Nam phục vụ xuất khẩu.
Hiện nay, mỗi năm nhu cầu về rau quả toàn cầu đạt khoảng 650 tỉ USD về giá trị, đây là cơ hội rất lớn cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Trên cơ sở tiềm lực của mình, doanh nghiệp cần mở rộng quy mô, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra thêm các dòng sản phẩm mới trên thị trường; đầu tư thêm các vùng nguyên liệu chuyên canh về chanh leo, măng, rau quả ở các địa phương khác.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cũng như đề xuất Chính phủ có cơ chế chính sách tháo gỡ những khó khăn về đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhân rộng, đẩy nhanh các mô hình liên kết nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực rau quả nói riêng, trồng trọt nói chung, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
“Thời gian tới đây mặt hàng rau quả của Việt Nam được dự báo còn tăng trưởng cao hơn nữa. Để làm tốt điều này cần phải nhân nhanh các mô hình liên kết đầu tư nông nghiệp công nghệ cao như là mô hình của Đồng Giao. Trên cơ sở doanh nghiệp làm nòng cốt, tập trung các yếu tố đầu vào áp dụng khoa học công nghệ từ khâu giống, tổ chức sản xuất cho đến khâu chế biến và mở thị trường thương mại. Các doanh nghiệp sẽ liên kết với các hợp tác xã, các trang trại, các hộ nông dân để hình thành những vùng nguyên liệu tập trung, tổ chức thành công hướng tái cơ cấu nông nghiệp trong đó có ngành hàng rau quả”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ./.
Related news
Thị trường Trung Quốc kém nhập cùng với độ bột giảm khiến giá sắn (mì) đang rớt thảm. Nhiều nông dân trồng sắn đang rục rịch lo chuyển sang cây trồng khác.
Thời tiết thuận lợi, sản lượng tăng trong khi giá mua thấp khiến nhiều vườn rau ở Đà Lạt (Lâm Đồng) ế ẩm, nông dân đành phải phá bỏ vì quá lứa.
Từ anh thợ cơ khí thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày, anh Tô Quang Dũng mạnh dạn chuyển đổi sang nghề trồng rau và đã thành công