Nhân Giống “Cá Tiến Vua” Để Xóa Nghèo Ở Quang Bình
Nước ta có rất nhiều loài cá quý hiếm và nhiều loài đã trở thành truyền thuyết, được gán cho những mỹ danh, hư cấu thành huyền thoại. Thật may mắn, khi tỉnh Hà Giang - nơi địa đầu của Tổ quốc cũng có những loài cá huyền thoại đó và được dân gian ví von là “Ngũ quý hà thủy”, gồm: Cá Anh vũ, Dầm xanh, Lăng, Chiên và cá Bỗng. Và đây cũng là một trong 5 loài cá khi xưa thường để tiến Vua, trong đó có loài như cá Bỗng còn được dân gian phong “Cá thần”...
Hiện nay, những loài cá được liệt vào hàng quý hiếm trong tự nhiên đang bị khai thác quá mức, nguy cơ tuyệt chủng rất lớn. Do vậy, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của các loài cá này đang trở nên cấp bách. Tuy nhiên, việc nhân giống và phát triển nuôi đối tượng này vẫn còn khá gian nan nên nguồn cung cấp cá giống khá khan hiếm và nguồn cung về cá thương phẩm lại càng hiếm hơn...
Gia đình ông Hoàng Kim Sông, thôn Buông, xã Hương Sơn, huyện Quang Bình kiểm tra chất lượng cá Bỗng giống chuẩn bị bán.
Bởi thế, những năm trở lại đây, nghề nuôi cá Bỗng mang lại lợi nhuận rất cao nhưng nguồn giống hiện lại phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Người nuôi phải “săn” từng con cá giống một từ những người làm nghề chài lưới đánh bắt trên sông Lô, sông Gâm nhưng lượng cá bắt được làm giống rất hạn chế, không thể đáp ứng được nhu cầu của người nuôi.
Ông Giằng năm nay đã ngoài 80 tuổi, trú tại thôn Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) - gia đình nuôi cá Bỗng nhiều nhất, nhì trong thôn tâm sự: “Nhu cầu nuôi cá Bỗng thì lớn lắm, mà nhất là hiện nay nhu cầu thưởng thức, săn lùng đặc sản rất cao nên nguồn cá thịt càng ít thì nguồn cá giống lại càng ít hơn. Nhớ ngày xưa, muốn có cá giống thường phải đi vớt cá bột ở rìa sông vào mùa cá sinh sản. Vớt cả ngày được một hai chục con cá Bỗng bột là may mắn lắm rồi.
Cá Bỗng nuôi thì không khó nhưng lớn rất chậm, nó chỉ lớn nhanh ở 1 - 2kg đầu thôi. Vì vậy, cá càng nuôi lâu càng có giá...”. Lợi nhuận mà các loại cá quý hiếm trong đó có cá Bỗng mang lại là rất lớn. Nhưng, nguồn giống hiện lại phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, người nuôi phải mua từng con cá giống từ những người làm nghề chài lưới vào mùa mưa.
Tuy nhiên, lượng cá bắt được làm giống rất hạn chế, không thể đáp ứng được nhu cầu của người nuôi và ở Hà Giang khi nhắc đến nghề nuôi cá Bỗng thì không thể không nhắc tới huyện Bắc Mê, với lợi thế có con sông Gâm chảy qua, nơi cung cấp nguồn cá Bỗng giống và cá thịt rất phong phú cho thị trường.
Ông Dằn Văn Thỉnh, thôn Bản Nghè, xã Yên Cường tâm sự: “Cá Bỗng ăn rất nhiều, ăn tạp lắm! Chúng ăn từ lá sắn, cỏ, chuối cho đến lục, phủ, ngũ, tạng của gia súc, gia cầm... Có một đặc điểm là ở giai đoạn cá con đến khoảng 2kg cá lớn nhanh như cá Trắm, Mè, nhưng khi đạt trọng lượng từ 3kg trở lên thì cực kỳ chậm lớn.
Ngoài ra, điều quan trọng nhất của nghề nuôi cá Bỗng là nguồn cá giống ít, trong khi nuôi mà chết con nào thì tiếc “đứt ruột” con đó nên kinh nghiệm cho thấy một trong những điều kiện bắt buộc khi nuôi cá Bỗng là phải ở nơi có nguồn nước suối trong mát, sạch; nước trong ao phải được thay liên tục nếu không rất khó để bảo toàn được số lượng cá trong ao...”.
Trước thực trạng khan hiếm về cả nguồn giống lẫn nguồn cá thương phẩm cung cấp cho thị trường, thời gian qua, Trung tâm Thủy sản Hà Giang đã phối hợp với huyện Quang Bình thực hiện thành công Mô hình “Cho cá Bỗng sinh sản tại nhà các hộ dân” tại xã Hương Sơn. Đến nay mô hình đã thành công, mang lại kết quả rất khả quan.
Mô hình được thực hiện thành công trên 4 đôi cá Bỗng bố, mẹ của gia đình ông Hoàng Kim Sông, thôn Buông (xã Hương Sơn). Sau hơn 3 tháng thực hiện đã cho ấp nở thành công 40.000 cá con khỏe mạnh đạt tiêu chuẩn xuất bán.
Với giá 5.000 – 10.000 đồng/1 con cá giống, trừ chi phí vật tư, thiết bị, thức ăn... lợi nhuận tối thiểu thì gia đình ông Hoàng Kim Sông cũng thu được khoảng 200 triệu đồng. Đây là mô hình kết hợp giữa người dân, nhà khoa học với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đến nay có thể khẳng định mô hình đã thành công 100%.
Qua đây cũng giúp người dân có ý thức trách nhiệm hơn trong việc phát triển giống thủy sản bản địa tại địa phương, giảm tác động khai thác, góp phần bảo vệ nguồn thủy sản tự nhiên. Vấn đề then chốt còn lại là làm sao nhân rộng được mô hình cá Bỗng vốn được mang danh “cá thần” tiến Vua...
Việc thực hiện thành công mô hình không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho bà con nông dân mà còn mang lại hiệu quả xã hội to lớn; giúp người dân có thêm nhiều kỹ thuật mới trong sản xuất cá Bỗng nói riêng và sản xuất giống thủy sản nói chung, tăng năng suất, chất lượng, sản lượng nuôi, đáp ứng nhu cầu trước mắt về con giống tại chỗ, tiến tới trở thành hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước làm giàu bằng chính nguồn tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.
Related news
Đó là mô hình liên kết nuôi thỏ ngoại (Newzealand) của gia đình anh Hoàng Văn Thanh ở thôn Va, xã Đông Phú, huyện Lục Nam (Bắc Giang).
Ông Trần Quốc Hải và Trần Quốc Thanh (ấp 2, xã Suối Dây, H. Tân Châu, Tây Ninh) mày mò học hỏi, nghiên cứu chế tạo thành công máy trồng và thu hoạch khoai mì. Chiếc máy ra đời hỗ trợ đắc lực cho nông dân trồng khoai mì ứng dụng cơ giới hóa. Đặc biệt, ngoài việc trồng khoai mì, có thể ứng dụng máy vào việc phun thuốc trừ sâu, bón phân, làm cỏ, vun hàng và thu hoạch khoai mì...
Ông Nguyễn Xuân Quốc - Trưởng phòng Kinh doanh XNK Công ty Cổ phần Đại Thuận (Tashun) cho biết, hiện nay thương lái Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ xô đến các bến bãi để tranh giành thu gom nguyên liệu. Họ mua tất cả các loại hải sản với đủ mọi kích cỡ, chất lượng khác nhau và với giá cao hơn giá bán cho những người thu gom ở trong nước, sau đó đóng hàng lên xe bảo ôn và đưa về Trung Quốc