Giá / Tin nông nghiệp

Nhận diện chủng virus cúm gia cầm độc lực cao tại Việt Nam

Nhận diện chủng virus cúm gia cầm độc lực cao tại Việt Nam
Tác giả: Ngọc Huyền
Ngày đăng: 19/07/2021

Hiệp hội Gia cầm Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo trực tuyến cho các hội viên, trang trại chăn nuôi gia cầm cả nước nhận diện và đối phó với bệnh cúm gia cầm.

Mổ khám xác định bệnh tích của gia cầm. Ảnh: NH.

Dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, việc chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh trực tiếp không thể thực hiện được, do đó, Hội thảo trực tuyến được Hiệp hội Gia cầm Việt Nam xác định là giải pháp hiệu quả nhằm cung cấp giải pháp kỹ thuật cho các hội viên và người chăn nuôi gia cầm trong cả nước.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cho biết, bệnh cúm gia cầm H5N1 xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2003 - 2004, thậm chí còn lây sang người. Tại thời điểm đó, vì chưa có vacxin đặc hiệu nên bệnh đã gây ra các hậu quả nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi nước nhà.

Sau khi có vacxin, ngành chăn nuôi gia cầm đã phát triển mạnh mẽ qua nhiều năm. Hiện nay, theo các nghiên cứu trong và ngoài nước cũng như công báo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), sự lưu hành các chủng virus cúm gia cầm tại Việt Nam đang thuộc 2 phân nhóm chính.

Đó là nhóm virus cúm độc lực thấp (LPAI), đáng lưu ý trong đó là chủng virus H9N2 và nhóm virus độc lực cao (HPAI).

Với nhóm này, H5N1 vẫn tiếp tục lưu hành với các clade như 2.3.2.1c, 1.1. Bên cạnh đó, còn xuất hiện nhiều biến chủng, tổ hợp virus mới phải kể đến như H5N6 với các clade 2.3.4.4g và 2.3.4.4h gây tỷ lệ chết cao trên gà.

Đặc biệt, đầu tháng 7/2021, Cục Thú y đã thông báo về chủng virus cúm gia cầm mới H5N8 độc lực cao xuất hiện tại Việt Nam.

Trên thế giới, virus cúm gia cầm A/H5N8 được nghiên cứu và ghi nhận chủ yếu thuộc clade 2.3.4.4b, còn tại Việt Nam cũng đang có những nghiên cứu thêm để làm rõ các đặc điểm và mức độ thiệt hại của chủng cúm mới này.

Với sự biến đổi nhanh và tạo ra các tổ hợp, biến chủng mới, cúm gia cầm vẫn đang là mối đe doạ với chăn nuôi gia cầm, bởi mỗi lần xuất hiện chủng virus gây bệnh mới lại là một lần gây thiệt hại vô cùng lớn, bởi thông thường việc nghiên cứu, bào chế vacxin sẽ phải mất thời gian tính bằng năm.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, trang trại cũng đã tham luận phương pháp hiệu quả trong việc sử dụng vacxin trong việc phòng chống bệnh cúm gia cầm trên các biến chủng mới. Trong đó, vai trò, cách thức sử dụng, lịch tiêm phòng, ứng dụng vacxin medivac AI trong kiểm soát bệnh cúm gia cầm được đánh giá cao trong tình hình hiện nay.

Tiến sỹ Budi Purwanto, Giám đốc kỹ thuật Medion đến từ Indonesia, chuyên gia quốc tế về bệnh gia cầm nói chung và bệnh cúm nói riêng, đã chia sẻ rõ đặc tính về bệnh cúm gia cầm, cập nhật các thông tin mới nhất về các chủng gây bệnh, tình hình bệnh tại Việt Nam và trên thế giới.

Buổi hội thảo đã thực sự nóng lên khi có rất nhiều câu hỏi từ phía người tham dự về thực trạng bệnh cúm gia cầm tại Việt Nam, điều đó cho thấy sự quan tâm rất lớn của các trang trại tới việc phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Các câu hỏi đã được các chuyên gia, đặc biệt là Tiến sỹ Budi Purwanto giải đáp tận tình, chi tiết và phù hợp với từng trường hợp cụ thể của doanh nghiệp và trang trại tại Việt Nam.


Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn Đẩy mạnh phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn

Qua hơn 10 năm triển khai và áp dụng trên đồng đất của Bạc Liêu, mô hình tôm lúa được đánh giá là hiệu quả và bền vững.

19/07/2021
Nhân rộng giống ốc nhồi Nhân rộng giống ốc nhồi

Ốc nhồi hay còn gọi là ốc bươu đen đang là loại thực phẩm được thị trường ưa chuộng. Với kỹ thuật, cách chăm sóc khá đơn giản, nuôi ốc nhồi

19/07/2021
Kỹ thuật nuôi ếch sinh sản Kỹ thuật nuôi ếch sinh sản

Tôi nuôi ếch cho sinh sản nhưng lại chưa có kinh nghiệm để ếch sinh sản đạt hiệu suất 100%. Xin hỏi, điều kiện bể đẻ, kỹ thuật như thế nào cho phù hợp?

19/07/2021