Giá / Tin nông nghiệp

Đẩy mạnh phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn

Đẩy mạnh phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn
Tác giả: Trọng Linh - Đào Chánh (Thực hiện)
Ngày đăng: 17/07/2021

Qua hơn 10 năm triển khai và áp dụng trên đồng đất của Bạc Liêu, mô hình tôm lúa được đánh giá là hiệu quả và bền vững.

Mô hình tôm - lúa ở Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Huỳnh Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu đã có cuộc trao đổi với PV NNVN về mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ. 

Thưa ông, mô hình tôm lúa được đánh giá là sản xuất thông minh. Vậy tỉnh Bạc Liêu đã có những chính sách gì để phát triển trong thời gian tới?

Qua hơn 10 năm triển khai và áp dụng trên đồng đất của Bạc Liêu, mô hình tôm lúa được đánh giá là rất hiệu quả và bền vững. Áp dụng mô hình này đã làm giảm các áp lực cho môi trường sản xuất, nhất là việc lạm dụng các loại hóa chất cấm gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, tỉnh Bạc Liêu đã có những chính sách để phát triển mô hình này trong thời gian tới, cụ thể:

Về chính sách, hiện nay tỉnh Bạc Liêu ưu tiên tập trung các nguồn lực để đầu tư cho nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác. Hỗ trợ đầu tư vật tư nguyên liệu đầu vào và bao tiêu sản phẩm tôm lúa sản xuất theo hướng hữu cơ. Hỗ trợ trực tiếp cho các tổ hợp tác nâng cao năng lực quản lý tài chính, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, đào tạo nghề và vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Về quản lý, xây dưng quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết cho từng tiểu vùng sản xuất tôm lúa hữu cơ. Nếu không có quy hoạch khó hoạch định và hình thành nên các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa chất lượng. Khó thu hút được các dự án đầu tư trong và ngoài nước vào liên kết hợp tác với nông dân. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư: cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng, hệ thống thủy lợi cho vùng tôm lúa theo hướng các ô đê bao khép kín.

Ưu tiên các khu vực đê bao vừa và nhỏ, kết hợp tu sửa, nâng cấp các kênh mương nội đồng và trạm bơm. Qua đó đảm bảo cấp, thoát nước và trữ nước mặn, nước ngọt một cách linh hoạt, kịp thời cho nuôi tôm và trồng lúa trong hoàn cảnh nguồn lực chưa đủ mạnh. Thiết lập cơ chế quản lý tài nguyên nước dựa trên cộng đồng để sản xuất tôm lúa bền vững.

Về quy hoạch, quản lý và hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống, lúa giống tập trung để đảm bảo cung cấp giống đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tiếp tục hỗ trợ phục tráng giống lúa mùa bản địa. Đồng thời thử nghiệm, nhân rộng các giống lúa chất lượng cao, chịu phèn, mặn tốt như: ST24, ST25 trên vùng chuyển đổi của các địa phương.

Hỗ trợ củng cố, nâng cấp, thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác để có đủ năng lực tổ chức quản lý sản xuất mô hình tôm – lúa hiệu quả, bền vững. Nâng cao năng lực tài chính của các hợp tác xã, tổ hợp tác thông qua chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Đào tạo nguồn nhân lực kể cả cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, góp phần từng bước trí thức hóa nông dân. Tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề, các cuộc hội thảo để nông dân có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với nhau.

Đồng thời, hướng nông dân vào sản xuất tập trung thông qua các mô hình hợp tác, hợp tác xã và liên kết chuỗi giá trị, tránh tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và không tạo ra khối lượng hàng hóa lớn. Tiến tới việc chứng nhận chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông nghiệp - vốn là yêu cầu bắt buộc trong xuất khẩu hàng hóa hiện nay. Đây chính là nhu cầu không thể thiếu để xây dựng hàng hóa hữu cơ có thương hiệu, mang tính tập thể.

Một vấn đề quan trọng khác để phát triển sản xuất tôm lúa hữu cơ là tỉnh cần ban hành các chính sách đặc thù trong ưu đãi về thu hút đầu tư. Các chính sách về tín dụng cho doanh nghiệp và nông dân tiếp cận vốn. Cùng với đó là tăng cường đầu tư, chuyển giao về khoa học công nghệ tiên tiến. Công nghệ chuyển đổi số cho nông dân trong sản xuất, chế biến, bảo quản. Xúc tiến thị trường, quảng bá sản phẩm và giúp nông dân xây dựng thương hiệu.

Cùng với các chính sách, quản lý, đào tạo thì việc quy hoạch sản xuất giống hiện nay như thế nào thưa ông?

Về tôm giống: Tỉnh được Bộ NN-PTNT quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu sản xuất giống tập trung. Trong đó, khu sản xuất giống tập trung tại phường Nhà Mát (khu sản xuất giống Việt Úc), đến nay đã mở rộng với công suất 10 -15 tỷ post/năm. Khu sản xuất giống tập trung quy hoạch tại xã Long Điền Tây với diện tích 150ha.

Về lúa giống: Tổ chức quy hoạch, quản lý và hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa giống tập trung theo hình thúc cộng đồng (Hợp tác xã, Tổ hợp tác) trên cơ sở các tổ sản xuất lúa giống vệ tinh thuộc trung tâm tại các địa phương để đảm bảo nguồn cung cấp giống rõ ràng, đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Tiếp tục hỗ trợ phục tráng giống lúa mùa bản địa "Một bụi đỏ Hồng Dân". Đồng thời thử nghiệm, nhân rộng các giống lúa chất lượng cao, chịu phèn, mặn tốt như: ST24, ST25. Đặc biệt là giống BLR 413 của Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu nghiên cứu trên vùng chuyển đổi của các địa phương.

Ngoài ra, Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu sẽ liên kết với trung tâm giống các tỉnh bạn, các Viện, Trường nghiên cứu nhân rộng giống mới chất lượng cung cấp đủ nguồn giống phục vụ sản xuất cho bà con nông dân trong tỉnh.

Thưa ông, những hạn chế của mô hình tôm lúa hiện này là gì?

Sản xuất theo mô hình tôm lúa đã có từ thập niên 70 của thế kỷ trước nhưng với diện tích khá khiêm tốn. Từ năm 2010 sản xuất chuyên tôm có những bất lợi, dịch bệnh xảy ra ngày càng nhiều hơn. Trong khi đó, mô hình nuôi tôm kết hợp với trồng lúa dịch bệnh xảy ra ít và năng suất khá ổn định.

Qua kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã khẳng định tôm lúa là mô hình sản xuất mang tính bền vững. Ưu thế của mô hình này ít có nước nào trên thế giới có được. Từ những ưu điểm đó mà mô hình tôm lúa phát triển ngoạn mục từ vài ngàn ha đến nay đã trên 40 ngàn ha.

Tuy nhiên, đến nay mô hình tôm lúa vẫn còn những hạn chế do phần lớn còn sản xuất theo truyền thống. Chậm thay đổi phương pháp cải tạo đất, ngại việc lựa chọn giống mới chất lượng. Đây chính là những khó khăn tồn tại cần thay đổi nhưng không thể một ngày, một bữa. Việc này đòi hỏi phải có thời gian theo phương châm mưa dầm thấm lâu.

Thay đổi tập quán bằng với việc triển khai các mô hình cụ thể để nông dân mắt thấy tai nghe và làm theo thì tốt hơn. Đồng thời, rất cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất và người tiêu dùng về nông sản an toàn, chất lượng cao.

Xin cảm ơn ông!


Có thể bạn quan tâm

Nguy cơ cao bệnh lùn sọc đen vụ mùa 2021 Nguy cơ cao bệnh lùn sọc đen vụ mùa 2021

Có nơi, tỉ lệ mẫu rầy mang virus lùn sọc đen (LSĐ) gần 18%. Vì vậy, nguy cơ bệnh LSĐ trên lúa vụ mùa 2021 phía Bắc rất cao.

17/07/2021
Trồng thành công nấm mối đen trong nhà lưới Trồng thành công nấm mối đen trong nhà lưới

Lần đầu tiên An Giang thử nghiệm trồng thành công nấm mối đen trong nhà lưới có mái che kết hợp với pin năng lượng mặt trời để phun sương.

17/07/2021
Nuôi gà sao thương phẩm hiệu quả kinh tế cao Nuôi gà sao thương phẩm hiệu quả kinh tế cao

Phong trào nuôi gà sao đang phát triển mạnh ở ĐBSCL, đây là loại gà thịt thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng ở các quán ăn và nhà hàng.

17/07/2021