Prices / Tin thủy sản

Nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản

Nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản
Author: Bảo Bình
Publish date: Wednesday. June 7th, 2017

Để sản xuất thức ăn thủy sản thì chất lượng nguyên liệu là vấn đề then chốt; cùng đó, việc lựa chọn nguyên liệu thích hợp để phối chế thức ăn cho động vật thủy sản cần phải hội đủ hai điều kiện cơ bản là chất lượng và giá thành. Do đó, tìm hiểu về thành phần, tính chất của từng loại nguyên liệu sử dụng trong phối chế thức ăn là rất cần thiết.

Sản xuất thức ăn thủy sản thì chất lượng 

Thành phần nguyên liệu chính bao gồm: Nhóm cung cấp năng lượng; Nhóm cung cấp protein và các chất phụ gia.

Nhóm thức ăn thủy sản cung cấp protein

Nhu cầu protein của động vật thủy sản khoảng 25 - 55%, cao hơn nhiều so với gia súc và gia cầm. Do đó, trong chế biến thức ăn thủy sản, nguồn nguyên liệu cung cấp protein luôn là yếu tố được quan tâm đầu tiên. Nguyên liệu cung cấp protein có hàm lượng protein lớn hơn 30%, được chia làm hai nhóm phụ thuộc vào nguồn gốc: protein động vật và protein thực vật.

Protein động vật

Nhóm này có hàm lượng protein từ 50% trở lên và thường được động vật thủy sản sử dụng hiệu quả hơn nguồn protein thực vật. Các nguồn protein động vật thường được sử dụng trong thức ăn thủy sản là: Bột cá, bột đầu tôm, bột huyết, bột mực, bột nhuyễn thể….; trong đó, bột cá được xem là nguồn protein thích hợp nhất cho tất cả các loài tôm cá nuôi.

Bột cá được chia làm hai loại: bột cá nhạt (độ mặn dưới 5%, protein >50%) và bột cá mặn. Trong chế biến thức ăn cho động vật thủy sản chỉ sử dụng bột cá nhạt. Bột cá thường được làm từ cá trích, cá mòi và cá cơm. Chất lượng bột cá phụ thuộc vào loài, độ tươi của nguyên liệu tươi, phương thức chế biến và bảo quản.

Bột cá: Được sử dụng với tỷ lệ 25 - 35%, thay đổi tùy theo mức protein trong thức ăn (Ví dụ: Đạm thô cho tôm sú post larvae là 40% tổng lượng đạm thì tỷ lệ bột cá trong thức ăn là 35%, trong khi đạm thô cho tôm trưởng thành là 28 - 30% thì tỷ lệ bột cá là 25%). Khuynh hướng thay thế protein của bột cá bằng các protein của phụ phẩm động vật như: bột huyết, bột xương, bột phế phẩm gia cầm là điều tất yếu khi bột cá ngày càng khan hiếm và giá cao. Với lượng thức ăn tôm sản xuất hàng năm là 150.000 - 200.000 tấn thì lượng bột cá cần sử dụng là 40.000 - 45.000 tấn và nhu cầu nhập khẩu sẽ gia tăng.

Theo nghiên cứu, sản xuất bột cá trong giai đoạn 2014 - 2016 đạt trung bình 4,4 triệu tấn. Raboabank (Giám đốc liên kết, trưởng bộ phận tư vấn và nghiên cứu kinh doanh nông nghiệp, thực phẩm và protein động vật tại Rabobank) dự báo, nguồn cung bột cá từ nay đến năm 2019 sẽ tăng với tốc độ 500.000 tấn/năm. Hơn nữa, nếu các dự án sản xuất protein thay thế đi vào hoạt động trong vài năm tới, các nhà phân tích dự báo rằng sẽ có thêm 500.00 tấn protein chăn nuôi chất lượng cao gia nhập thị trường trong năm 2022, đẩy tổng nguồn cung protein lên mức 5,4 triệu tấn vào thời điểm đó.

Protein thực vật

Nguồn cung cấp protein thực vật quan trọng là những hạt có dầu như đậu nành, đậu phộng (lạc), hạt bông vải… Nhóm thức ăn thủy sản này được sử dụng nhiều trong thức ăn thủy sản với mục đích thay thế nguồn protein bột cá, nhằm giảm giá thành thức ăn. Tuy nhiên, khi sử dụng các nguồn protein thực vật sẽ gặp phải một số trở ngại như: độ tiêu hóa thấp, thường chứa các chất kháng dinh dưỡng và độc tố, không cân đối về acid amin, thường thiếu lysin và methionin.

Nhóm thức ăn thủy sản cung cấp năng lượng

Nhóm này gồm có nhóm cung cấp carbohyrat (chủ yếu là nhóm thực vật cung cấp tinh bột) và  nhóm dầu mỡ (dầu động vật và thực vật).

Tinh bột

Là thành phần chủ yếu trong mô của các loại khoai củ, ngũ cốc và phụ phẩm nông nghiệp như cám gạo, cám mì…

Đặc điểm: Hàm lượng protein thấp (không quá 20%), acid amin không cân đối; Lipid thấp khoảng 2 - 5%. Tuy nhiên, cám gạo có hàm lượng lipid cao 10 -15%; Hàm lượng chất xơ cao, đặc biệt là cám gạo, hàm lượng xơ biến động từ 11 - 20% tùy theo chất lượng cám do đó ít được sử dụng làm thức ăn cho tôm; Hàm lượng khoáng trong nhóm này thấp và không thích hợp cho động vật thủy sản.

Dầu động, thực vật

Là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng trong thức ăn cho động vật thủy sản. Tuy nhiên, dầu động và thực vật được sử dụng trong thức ăn cho động vật thủy sản như là nguồn cung cấp các acid béo không no cần thiết cho động vật thủy sản. Đối với nhóm động vật thủy sản ăn thiên về động vật, khả năng sử dụng tinh bột kém thì lipid được sử dụng như là nguồn cung cấp năng lượng chính nhằm hạn chế việc sử dụng protein như là nguồn cung cấp năng lượng. Thường trong nguyên liệu chế biến thức ăn thủy sản có sẵn lipid nên trong công thức thức ăn chỉ bổ sung thêm khoảng từ 2 - 3% dầu. Tùy theo đối tượng nuôi mà nguồn dầu được bổ sung là dầu thực vật hay động vật, hoặc kết hợp cả hai.

Ngoài mục đích cung cấp năng lượng, acid béo, việc bổ sung dầu vào thức ăn cũng có tác dụng tạo mùi cho thức ăn. Mặt khác, lecithin (phospholipid) hay cholesterol cũng được bổ sung vào thức ăn thông qua nguồn dầu mực, dầu đậu nành hoặc trực tiếp sử dụng lecithin hay cholesterol tổng hợp.

Nhóm thức ăn thủy sản phụ gia

Bên cạnh nguồn nguyên liệu chính, một số nguồn nguyên liệu khác được bổ sung vào thức ăn với nhiều mục đích như: tăng giá trị dinh dưỡng, tăng tính ngon miệng, hạn chế sự biến chất thức ăn… Những chất này được gọi chung là chất phụ gia.

Chất kết dính

Để gia tăng độ kết dính của thức ăn, ngoài tinh bột trong thức ăn, trong chế biến thức ăn cho thủy sản còn sử dụng một số chất kết dính. Giá trị của chất kết dính như: đóng góp dinh dưỡng cho thức ăn, giảm sự thất thoát các chất dinh dưỡng, tăng độ bền của thức ăn trong môi trường nước, giảm bụi trong quá trình chế biến thức ăn. Tuy nhiên, một số chất kết dính có thể làm ảnh hưởng đến độ tiêu hóa thức ăn; một vài loài cá không chấp nhận thức ăn quá cứng. Tinh bột được gelatine hóa là chất kết dính tự nhiên tốt nhất cho động vật thủy sản, tuy nhiên. để tăng độ kết dính của thức ăn phải bổ sung thêm chất kết dính.

Chất chống ôxy hóa

Chất chống ôxy hóa phải đảm bảo không độc và có giá thành rẻ. Các chất chống ôxy hóa thường được sử dụng là: BHT (Butylated hydroxy toluene): 200 ppm; BHA (Butylated hydroxy Anisole): 200 ppm; Ethoxyquin (1,2 dihydro–6 ethoxy–2,2,4 trymethyl quinoline): 150 ppm.

Chất kháng nấm

Chất kháng nấm thường được sử dụng là một hay hỗn hợp các loại acid hữu cơ. Trong thức ăn thủy sản một số chất chống mốc được sử dụng là acid propionic, acid sorbic, sodium diacetate, acid phosphoric. Việc sử dụng chất kháng nấm phải không làm ảnh hưởng đến độ ngon miệng của thức ăn đối với động vật thủy sản.

Chất tạo mùi

Chất tạo mùi đóng vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả sử dụng thức ăn của động vật thủy sản, đặc biệt là tôm. Trong các nguồn nguyên liệu sử dụng làm thức ăn cho tôm có sẵn các chất dẫn dụ tự nhiên như: bột mực, bột nhuyễn thể, bột đầu tôm, gium nhiều tơ, nhộng tằm, dịch thủy phân cá, tôm. Hàm lượng chất dẫn dụ thay đổi tùy theo loài (1 - 5%).  Ngoài ra, dầu mực, dầu nhuyễn thể cũng được sử dụng như là chất tạo mùi trong thức ăn cho tôm. Ngoài các chất tạo mùi tự nhiên, các chất tạo mùi nhân tạo như các acid amin tự do (glycine, analine, glutamate) hay một số phân tử peptide  như betane cũng được tổng hợp để bổ sung vào thức ăn thủy sản.


Related news

Tác dụng của dịch chiết lá và hạt sim trong nuôi tôm Tác dụng của dịch chiết lá và hạt sim trong nuôi tôm

Nghiên cứu tác dụng diệt khuẩn của dịch chiết lá sim và hạt sim đối với vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm nuôi nước lợ.

Wednesday. June 7th, 2017
Tìm hướng phát triển nuôi tôm bền vững Tìm hướng phát triển nuôi tôm bền vững

Xuất khẩu tôm tăng là tín hiệu đáng mừng, nhưng cái khó hiện nay là tình trạng dịch bệnh xuất hiện ở nhiều địa phương ĐBSCL làm tôm chết tràn lan.

Wednesday. June 7th, 2017
Nuôi tôm càng xanh khi không có lũ Nuôi tôm càng xanh khi không có lũ

Vùng trũng thuộc các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp thì việc tận dụng ưu thế từ nước lũ hàng năm để nuôi tôm càng xanh là mô hình rất phổ biến

Wednesday. June 7th, 2017