Nguy Cơ Thất Thu Lớn Mùa Nghêu
Theo thường niên, vào đầu tháng 6 dương lịch, các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi nghêu ở các huyện ven biển tỉnh Trà Vinh bước vào cao điểm thu hoạch nghêu thương phẩm. Tuy nhiên, mùa nghêu năm nay, người nuôi nghêu ở đây đang đối mặt với nguy cơ thất thu nặng vì giá nghêu thương phẩm giảm mạnh và khó tiêu thụ.
Ông Trần Văn Đã, Chủ nhiệm hợp tác xã nuôi nghêu Thành Đạt, xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải cho biết, từ đầu tháng 5, giá nghêu thương phẩm được thương lái thu mua tại sân là 22.000 đồng/kg nhưng chỉ thu mua được hơn chục tấn thì không tiếp tục thu mua nữa. Hiện giá nghêu thương phẩm tiếp tục giảm xuống 18.000 đồng/kg (loại 50 con/kg), nhưng cũng không có thương lái ký hợp đồng thu mua hết sản lượng. Với giá nghêu này thì 1 kg nghêu thương phẩm giảm hơn 10.000 đồng so với giá nghêu cùng thời điểm của mùa vụ năm trước.
Tỉnh Trà Vinh hiện có 7 hợp tác xã và tổ hợp tác nuôi nghêu tại các vùng ven biển thuộc các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải, với tổng diện tích bãi biển được thả nuôi hàng năm hơn 740 ha.
Ở vụ nuôi nghêu năm 2012, tổng sản lượng nghêu thương phẩm toàn tỉnh thu hoạch đạt hơn 14.200 tấn, doanh thu trên 32 tỷ đồng. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh, vụ nuôi nghêu năm nay, sản lượng nghêu ước tăng hơn 50% so với năm trước, nhờ môi trường khá ổn định, kinh nghiệm, kỹ thuật của các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi nghêu đều được nâng cao. Tuy nhiên, trúng mùa nhưng mất giá, ước người nuôi nghêu trong tỉnh thất thu trên 20 tỷ đồng.
Không chỉ bị thất thu vì giá cả mà các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi nghêu trong tỉnh Trà Vinh còn lo mất trắng cả chục ngàn tấn nghêu nằm dưới bãi nuôi, nếu như không tìm được nơi tiêu thụ để thu hoạch kịp thời. Theo kinh nghiệm của ông Trần Văn Đã qua hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi nghêu trên nhiều bãi biển ở Trà Vinh, nếu như mùa vụ thu hoạch nghêu thương phẩm kéo dài đến sau tháng 7 dương lịch, thì sản lượng nghêu sẽ hao hụt rất lớn, do thời điểm này nước ngọt ở thượng nguồn đổ về, lượng bùn bồi lắng lên bãi làm nghêu bị chết trên diện rộng.
Trúng mùa nhưng mất giá, “điệp khúc” khó khăn cho người nuôi nghêu ở Trà Vinh lặp đi lặp lại nhiều lần. Điều này cho thấy, đối với các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi nghêu ở Trà Vinh cần có sự liên kết “bốn nhà”, ít nhất có sự liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (TTKNKN) Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện mô hình nuôi tôm sú luân canh trên nền ruộng muối tại hộ gia đình ông Huỳnh Văn Thuyết ở ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền với quy mô 1000 m2.
Ngoài cây cao su, những năm gần đây huyện Sông Hinh (Phú Yên) chú trọng mở rộng diện tích trồng cây ca cao, trong đó có mô hình trồng ca cao dưới tán rừng, mở đầu cho một dự án quy mô lớn, có diện tích hàng trăm hecta, nhằm nâng cao đời sống nhân dân trong vùng hưởng lợi và tích cực bảo vệ rừng.
Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau khuyến cáo nông dân: Vào thời điểm này nên tạm dừng việc thả tôm nuôi, nhằm tránh những rủi ro. Đây là vụ thả nuôi trái vụ, mặt khác do thời tiết khô hạn gay gắt nên nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nếu thả tôm nuôi vào thời điểm này sẽ không hiệu quả, thậm chí sẽ bị lỗ do chi phí đầu tư cao.