Nguy Cơ Khủng Hoảng Thừa Thanh Long
Câu chuyện khủng hoảng thừa thanh long ở Bình Thuận đã dự báo từ vài năm trước, khi loại trái cây này năm nào cũng vài lần rớt giá thảm hại. Vậy nhưng diện tích thanh long vẫn tăng từng ngày.
Số liệu được lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cuối tháng 6 là 15.000 ha (hai tỉnh nhiều thanh long thứ hai là Tiền Giang và Long An chỉ khoảng 6.000 ha). Tuy nhiên, diện tích thực tế lớn hơn nhiều, trong khi chính quyền thừa nhận mất khả năng kiểm soát.
Ồ ạt lấp ruộng trồng thanh long
Thời điểm này, nông dân vẫn lấp ruộng trồng thanh long. Theo tính toán của nông dân, dù giá thấp hơn 3 - 4 lần so với năm ngoái, nhưng họ vẫn kiên quyết mở rộng diện tích, vì so với lúa, lợi nhuận từ thanh long hơn hẳn. Vườn thanh long của anh Nguyễn Văn Thống xã Tân Thuận - Hàm Thuận Nam gần 1,5 ha từng là ruộng lúa. Những chi phí cao không ngăn được anh đang lấp thêm vài ha ruộng nữa để trồng thanh long. Theo tính toán, chi phí đổ đất cho 1 ha ruộng lúa để trồng thanh long gần 150 triệu đồng, chưa tính giống, trụ, phân bón… Xã Tân Thuận đã có 18 ha ruộng lúa bị lấp để trồng thanh long.
Trong khi đó, đầu năm đến nay đã có 50 hộ xã Tân Thành bỏ lúa trồng loại cây này. Ông Trần Văn Ngọc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hàm Thuận Nam, cho biết toàn huyện có 4.500 ha diện tích đất lúa, nhưng đến 7.500 ha thanh long. Trung bình mỗi năm có khoảng 200 ha đất lúa bị chuyển trồng thanh long. Dù phát hiện trường hợp tự ý chuyển ruộng lúa trồng thanh long, nhưng địa phương chưa có chế tài xử phạt, nên chỉ động viên người dân tạm dừng phát triển mới. Trong khi đó, tại huyện Hàm Thuận Bắc, vùng chủ lực sản xuất lúa, nông dân cũng đang ồ ạt bỏ lúa trồng thanh long. Ông Phạm Kim Trọng ở xã Hàm Chính vừa chuyển 2 sào lúa trồng thanh long, cho rằng không định phá lúa trồng thanh long, nhưng vì ruộng xung quanh đều chuyển trồng thanh long hết, nên không thể làm lúa được nữa, phải trồng thanh long như mọi người. Cũng như ông Trọng, bà Nguyễn Thị Tư đã chuyển toàn bộ 4 sào lúa sang trồng thanh long.
Mất kiểm soát!
Chưa bao giờ câu chuyện khủng hoảng thừa thanh long lại dấy lên như bây giờ. Tại cuộc họp HĐND tỉnh mới đây, chuyện quy hoạch thanh long đã bị đưa ra mổ xẻ. Ông Nguyễn Ngọc Hai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Việc phát triển thanh long ồ ạt hiện nay là quá nóng và chính quyền không thể kiểm soát nổi. Theo ông Hai, mấy năm nay, do thấy thanh long có giá, người dân cứ thi nhau trồng, chính quyền khó có thể dùng biện pháp hành chính để can thiệp, dù các giải pháp như hạn chế cung cấp điện, nước cho sản xuất đã tính đến nhưng không thể thực hiện được.
Tuy nhiên, câu chuyện thanh long phát triển ồ ạt không chỉ là mất kiểm soát. Nhiều năm nay, cây thanh long được khẳng định là cây trồng chủ lực nên được khuyến khích phát triển. Phát triển nhanh, nhưng diện tích thực thì chính quyền chưa nắm chính xác. Từ năm 2008, diện tích đã vượt quy hoạch năm 2010, nhưng số liệu luôn chỉ… gần đạt quy hoạch. Vì vậy mà diện tích cứ tăng cho bằng quy hoạch. Và theo kế hoạch đến năm 2015, diện tích thanh long Bình Thuận mới đạt 15.000 ha, nhưng mới đến giữa năm 2011, con số 15.000 ha của 4 năm sau đã cán đích, đáng nói chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, diện tích trồng mới đã gần 2.000 ha.
Con nợ nhãn tiền
Dù là vùng chuyên canh cây thanh long lớn nhất nước, nhưng nói đến chuyện đầu ra là nông dân ngao ngán. Bởi mỗi năm, nông dân lại tự “ôm” khoảng 300.000 - 500.000 tấn thanh long tự xoay đầu ra, vì vậy họ liên tục bị ép giá, khiến hàng loạt doanh nghiệp trở thành con nợ.
Theo Chi cục thi hành án dân sự huyện Hàm Thuận Nam, nơi chiếm hơn 50% diện tích thanh long, cũng là nơi có đông đảo doanh nghiệp xuất khẩu loại trái cây này, tổng số tiền phải thi hành án 6 tháng đầu năm 2011 tăng đột biến đến gần 15 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với các năm, trong đó chủ yếu do các chủ vựa thanh long vỡ nợ. Hàng loạt trường hợp như vợ chồng ông Trần Văn Bỗng ở xã Hàm Mỹ, vay vốn đầu tư nhà xưởng, xe tải thu mua thanh long xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Những chuyến hàng đầu tiên được thanh toán sòng phẳng. Nhưng đến chuyến thứ ba, thứ tư, đối tác tìm cách xù nợ, chiếm dụng vốn. Mất khả năng thanh toán cho chủ vườn, ông phải chuyển tiền mua hàng của nhà vườn thành nợ vay. Bản án mà tòa án huyện vừa xử lý buộc ông phải trả nợ số tiềnhơn 3,6 tỷ đồng. Hiện gia đình ông không còn nhà ở. Hay vợ chồng ông Nguyễn Minh Hữu ở xã Hàm Cường, với cơ sở nhà xưởng thu mua đồ sộ, nay vỡ nợ phải thi hành án gần 6 tỷ đồng…
Một giám đốc chi nhánh ngân hàng thừa nhận “không dám cho các doanh nghiệp buôn thanh long sang Trung Quốc vay tiền nữa”. Vì họ cứ bị rơi vào “bẫy” của các doanh nhân bên kia biên giới. Đó là khi trái cây ít thì các doanh nghiệp Trung Quốc đến tận vườn mua với giá trên trời. Nhưng khi phát hiện trúng mùa thì hạ một cách thê thảm, thậm chí đóng cửa không mua.
Related news
Từ tháng 6.2013, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Điện Bàn thí điểm mô hình nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh thái. Ông Lê Thương, Trưởng phòng Thông tin - huấn luyện (Trung tâm KN-KN tỉnh) cho biết, đệm lót sinh thái trên nền chuồng chăn nuôi chủ yếu sử dụng mùn cưa hoặc trấu. Mùn này đựơc rải lên nền chuồng, sau đó kết hợp với một lớp men vi sinh vật có ích.
Các trại nuôi tôm của Charoen Pokphand Foods (CP Foods) và Plutaluang Water Aquaculture tại tỉnh Chonburi, Thái Lan đã được kiểm tra để phát hiện dấu hiệu EMS.
Huyện Cai Lậy (Tiền Giang) có 600 ha trồng chôm chôm Java, chôm chôm nhãn và chôm chôm Thái, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha. Tập trung ở các xã: Tân Phong, Ngũ Hiệp, Hội Xuân và Hiệp Đức.