Người Tiên Phong Nuôi Tôm Càng Xanh Ở Đông Mỹ (Hà Nội)
Trong số những mô hình kinh tế trang trại làm ăn có hiệu quả ở huyện Thanh Trì, không thể không kể đến mô hình nuôi trồng thủy sản của ông Nguyễn Duy Hưởng, thôn 3, xã Đông Mỹ, Hà Nội. Không chỉ làm kinh tế có hiệu quả cao, ông Hưởng còn là một trong những người tiên phong đưa con tôm càng xanh về nuôi tại địa phương này.
Năm 2001, xã Đông Mỹ có chủ trương khuyến khích các hộ dân chuyển đổi các diện tích trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình kinh tế trang trại tập trung. Trong đó, xã tạo điều kiện thuận lợi về dồn đổi ruộng đất và hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất. Nắm bắt cơ hội đó, ông Nguyễn Duy Hưởng đã dồn đổi ruộng của gia đình và thuê thêm 2,8 ha để xây dựng trang trại tại cánh đồng Bình, thôn 3. "Trước kia nhà tôi có hơn 3 sào ruộng. Khu đồng này lại trũng, mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa, nhưng vẫn không chắc chắn vì nhiều năm ngập mất trắng nên thu nhập từ làm ruộng rất thấp" - ông Hưởng chia sẻ.
Với diện tích đó, ông Hưởng vay vốn thuê máy múc đất, đào và kè thành hai khu ao để nuôi các loại cá trắm, trôi, chép, rô phi đơn tính, trên bờ trồng hơn 100 cây nhãn và bưởi Diễn. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, ông Hưởng luôn tìm đọc sách, báo và học hỏi mô hình nuôi trồng thủy sản ở nhiều nơi khác. Năm 2004, nhận thấy loài tôm càng xanh có giá trị kinh tế cao, ông Hưởng đã lặn lội xuống tận Quảng Ninh và Hải Phòng để tìm hiểu cách nuôi và mua con giống. Để nuôi được tôm càng xanh, ông đã đầu tư mua 4 máy sục khí oxy với giá hơn 10 triệu đồng/chiếc.
Là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn nuôi tôm càng xanh, ông Hưởng cho biết, điều kiện nguồn nước, khí hậu tại Đông Mỹ khá phù hợp với tôm càng xanh nên loài này phát triển tốt. Hơn nữa, kỹ thuật nuôi lại không quá khó. Bình quân mỗi năm ông Hưởng thu được 15 - 18 tấn cá các loại, 2 - 3 tấn tôm, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Năm 2011, doanh thu của trang trại đạt 1,2 tỷ đồng và ông Hưởng ước tính năm nay cũng đạt được mức tương tự.
Nói về con đặc sản của thủy sản Đông Mỹ, ông Hưởng phấn khởi cho biết, giá tôm càng xanh bình quân đạt 200.000 đồng/kg và đầu ra được đảm bảo, bởi vào vụ thu hoạch là thương lái tìm đến đặt mua hết. Từ thành công của ông Hưởng, nhiều người dân xã Đông Mỹ đã bắt đầu nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh cho hiệu quả kinh tế cao. Với những nỗ lực của mình, nhiều năm liền, ông Hưởng được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện và TP. Trang trại của ông cũng là nơi thu hút nhiều hộ nông dân trên địa bàn các xã lân cận và toàn TP đến tham quan, học tập kinh nghiệm làm giàu.
Related news
Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết hiện Việt Nam đã ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo cấp thấp IR 50404. Tuy nhiên, nhu cầu mua gạo cấp thấp trong 2 quí cuối năm nay sẽ không cao nên VFA khuyến cáo người dân không trồng lúa IR 50404 trong vụ hè thu.
Bước đầu qua điều tra tại một số huyện thuộc Hà Nội, Hà Tây cho thấy nông dân đã sử dụng 8 loại thuốc điều hòa sinh trưởng (thuốc trong danh mục gồm 7 loại, trong đó thuốc có chứa hoạt chất Gibberellic acid chiếm 70,9%; thuốc ngoài danh mục 1 loại).
Năm 2001, ngành công nghiệp tôm của Thái Lan trải qua một biến đổi đáng kể khi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng và trở thành nhà cung cấp Tôm Thẻ Chân Trắng hàng đầu thế giới