Prices / Mô hình kinh tế

Người Khai Phá Vựa Ngô Tây Bắc

Người Khai Phá Vựa Ngô Tây Bắc
Author: 
Publish date: Sunday. May 13th, 2012

Ông Lộc Mậu Triển - Chủ tịch HĐQT Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Chiềng Sung đã trở thành người bạn thân thiết của nhà nông Tây Bắc, là người có công đầu đưa Sơn La thành vựa ngô của cả miền Bắc.

Năm 1978, rời quê nhà xã Xuân Hoà, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) ở độ tuổi 20, chàng trai Lộc Mậu Triển đặt chân lên mảnh đất Sơn La, trở thành công nhân Nông trường Chiềng Sung ngay từ những ngày đầu thành lập tại xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn.

Người ở lại nông trường

Khi đến với "vùng kinh tế mới Chiềng Sung", cũng như hàng trăm công nhân khác trong nông trường, Lộc Mậu Triển chẳng thể ngờ rằng vùng đất này lại nghèo khó và vất vả đến thế. Cơm độn ngô, ăn rau rừng, bí đỏ triền miên; tay cuốc, tay xẻng bạt núi đồi; ngủ nghỉ trong lán tạm giữa sương mù giá lạnh và muỗi, vắt; nỗi nhớ nhà bâng khuâng thường trực mỗi lúc ngơi tay...

Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng chàng tra trẻ vẫn chưa khi nào có ý nghĩ rời bỏ nông trường- cái cách mà không ít người miền xuôi đã phải lựa chọn khi đi xây dựng vùng kinh tế mới Tây Bắc trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước.

"Tiếng là đi thoát ly, làm công nhân, cán bộ, nhưng thật ra vẫn là nông dân, chỉ khác là tổ chức chặt chẽ hơn, làm việc khoa học hơn thôi" - bà Phạm Thị Hoa, công nhân Nông trường Chiềng Sung đã nghỉ hưu nhớ lại công việc của mình, của cậu Triển khi ấy.

Trong cánh trai trẻ thời đó, Lộc Mậu Triển nổi lên là một điển hình về tinh thần hăng say lao động, có nhiều sáng kiến, nên đã được bồi dưỡng, đào tạo trở thành cán bộ cốt cán của nông trường. Sang thập kỷ 90, sau khi xoá bỏ cơ chế bao cấp, Nông trường Chiềng Sung đứng trước nguy cơ đổ vỡ, nhiều người đã ra đi, nhưng ông Triển vẫn quyết bám trụ.

Ông cùng cán bộ, công nhân ở lại lao vào tìm tòi, xây dựng hướng đi, đổi mới cách làm. Hướng đi của họ là gắn sản xuất- kinh doanh của nông trường với nông dân- nông nghiệp và nông thôn Sơn La bằng giải pháp: Sản xuất giống ngô lai phục vụ cho vùng Tây Bắc. Bên cạnh hoạt động đó, nông trường cũng dần trở thành trung tâm chuyển giao kinh nghiệm thâm canh cây ngô lai VN10.

Ông Triển tâm sự: "Mình gắn bó với nông dân nhiều nên thấy rõ, Tây Bắc là vựa ngô của cả nước, vậy mà ngô giống cứ phải đi nhập với giá cao. Tư thương lại lợi dụng ép giá, cung ứng ngô giống giả, giống kém chất lượng cho nông dân, thấy vậy tôi thấy trăn trở lắm".

Những trăn trở của ông, đã được Viện Nghiên cứu Ngô chia sẻ với chiến lược tập trung vào sản xuất ngô giống. "Thật may là giống ngô lai của Chiềng Sung làm ra lại phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Tây Bắc, nên năng suất cao, trong khi đó giá bán thấp hơn rất nhiều so với các giống ngô lai ngoài thị trường. Chúng tôi lại chấp nhận bán trả chậm, kèm cung ứng phân bón, tư vấn kỹ thuật... nên có lúc bà con mua nhiều quá, sản xuất giống không đủ cung ứng" - ông Triển kể.

Thoát nghèo nhờ ngô

Những năm làm cán bộ ở Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung, ông Triển đã đến tất cả những vùng khó khăn của địa bàn Tây Bắc, tìm hiểu đời sống và nhu cầu của nông dân. Chính từ đó, ông đã xây dựng phương châm hành động cho công ty: "Coi nông dân là người bạn đồng hành, là khách hàng và là đối tượng để phục vụ".

Chiềng Sung không phải là vùng đất dễ làm ăn, nhất là với sản xuất nông nghiệp, bởi đây là vùng đất dốc khô cằn, luôn thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Nhưng việc lựa chọn cây ngô với 2 sản phẩm ngô thịt và ngô giống, công ty đã từ bờ vực đổ vỡ vươn lên thành một trong những công ty mạnh nhất trên địa bàn và là đơn vị sản xuất ngô giống lớn nhất trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Với hơn 100ha đất sản xuất, Công ty CP Nông nghiệp Chiềng Sung có thu nhập 120 triệu đồng/ha/năm; cao nhất so với các doanh nghiệp, các địa bàn sản xuất trong tỉnh. Công ty đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng 3; nhiều cá nhân được tặng Huân chương Lao động, bằng khen của các cấp, các ngành.

Ông Đào Danh Thơm- Phó Giám đốc công ty tâm sự: "Công ty đã xây dựng được thương hiệu có uy tín trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm. Trong những năm qua, mặc dù phải cạnh tranh gay gắt với 4 công ty nước ngoài và 20 công ty trong nước, nhưng sản phẩm công ty sản xuất ra luôn tiêu thụ hết. Trong kết quả ấy có sự góp sức rất lớn của Giám đốc Triển".

Giờ đây, trên địa bàn tỉnh Sơn La, hai chữ Chiềng Sung không chỉ còn là tên của địa danh đơn thuần mà đã là tên của một thương hiệu nổi tiếng về giống ngô, người nông dân nơi nào cũng biết. Ngay cả cái tên Lộc Mậu Triển cũng đã trở thành "ông Triển Chiềng Sung".

Nói về Giám đốc Triển, ngay cả những người dân trên địa bàn Chiềng Sung cũng thấy tự hào. Anh Quàng Văn Phiêu - dân bản Pó Lý, xã Chiềng Sung, bảo: "Hàng ngàn người dân các xã Chiềng Sung, Chiềng Chăn, Tà Hộc, Cò Nòi... hôm nay đã thoát nghèo và vươn lên giàu có cũng là nhờ cây ngô lai, nguồn phân bón trả chậm cùng sự hỗ trợ tích cực của công ty và Giám đốc Triển.

Còn ông Triển, gặng hỏi mãi, ông cũng chỉ nói về công ty mà thôi: Sản phẩm của công ty đã 4 lần đoạt Giải thưởng Chất lượng Việt Nam. Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung đã trở thành 1 trong 4 công ty sản xuất ngô giống lớn nhất cả nước...

Related news

Cao Su Rớt Giá, Người Dân Chặt Bỏ Cây Cao Su Rớt Giá, Người Dân Chặt Bỏ Cây

Tại thời điểm này, giá mủ cao su chỉ bằng mức 1/2 năm 2011. Trong khi đó, hiện lượng mủ tồn đọng ở các công ty cao su rất lớn.

Sunday. May 13th, 2012
Nuôi Cá Tra Trở Lại Thời Thức Ăn Tự Chế Nuôi Cá Tra Trở Lại Thời Thức Ăn Tự Chế

Giá thức ăn viên (thức ăn công nghiệp) tiếp tục tăng; giá bán cá tra nguyên liệu lại giảm đã đẩy người nuôi cá tra rơi vào khó khăn. Để đối phó với áp lực lỗ vốn, nhiều hộ nuôi quyết định chuyển sang cho ăn thức ăn tự chế để cầm cự.

Sunday. May 13th, 2012
Nâng Cao Chất Lượng Đàn Heo Giống Ở Bến Tre Nâng Cao Chất Lượng Đàn Heo Giống Ở Bến Tre

Hiện nay, toàn tỉnh Bến Tre có đàn heo trên 400.000 con. Từ việc nuôi heo dạng gia đình (mỗi hộ chỉ vài con), trong những năm gần đây, người chăn nuôi chuyển dần sang nuôi qui mô theo hình thức trang trại.

Sunday. May 13th, 2012