Người chăn nuôi dè dặt tái đàn
Theo quy luật hàng năm, đây là thời điểm người chăn nuôi tập trung vệ sinh chuồng trại, tìm mua con giống để tái đàn trở lại. Thế nhưng trong năm 2016 giá cả thị trường lên xuống thất thường, có thời điểm giá liên tục giảm đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân, đặc biệt là đối với các hộ chăn nuôi tự phát. Do đó, hiện nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh chưa dám tái đàn.
Trong ảnh: Giá lợn hơi xuống thấp, người chăn nuôi gặp khó. Ảnh: Việt Anh
Từ đầu năm đến nay, các hộ chăn nuôi lợn thua lỗ triền miên do giá thịt lợn xuống thấp “kỷ lục”. Ông Nguyễn Văn Đẩu, Giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi Bắc Đẩu (phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn) cho biết, thời điểm cận Tết Nguyên đán, trang trại nuôi 4.000 con lợn thương phẩm. Với giá bán 32 nghìn đồng/kg lợn hơi, trang trại chịu lỗ 1 triệu đồng/con, tổng thua lỗ hơn 2 tỷ đồng. Hiện giá bán tăng lên 36 nghìn đồng/kg lợn hơi nhưng vẫn chưa “chạm” tới giá thành sản xuất, một con lợn xuất chuồng vẫn lỗ khoảng 600 nghìn đồng. “Mặc dù thời điểm này, giá lợn giống rất rẻ, thấp hơn nhiều so với năm 2016 nhưng chúng tôi cũng không mua về tái đàn, một phần vì dịch bệnh, chi phí chăm sóc tăng, mà còn do thị trường vẫn chưa ổn định” - ông Đẩu chia sẻ.
Cùng chung tâm trạng, bà Nguyễn Thị Hạnh ở phường Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh) cho hay, năm vừa qua gia đình nuôi 700 con lợn. Thời điểm cận Tết, giá bán xuống thấp và đầu ra không ổn định dẫn đến thua lỗ. Nay giá thành có nhích lên, song người chăn nuôi vẫn chưa có lãi do giá thức ăn chăn nuôi, dịch bệnh, chi phí chăm sóc tăng. Gia đình bà hiện chỉ duy trì chăn nuôi chứ chưa dám tái đàn như mọi năm vì sợ tiếp tục thua lỗ.
Bên cạnh đó, giá trứng gia cầm cũng có chiều hướng giảm khiến nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn. Theo các hộ chăn nuôi tại xã Hòa Tiến (huyện Yên Phong), thông thường mọi năm, từ giữa tháng Hai âm lịch giá trứng bắt đầu tăng, nhưng năm nay, tình hình rất khó dự đoán vì nguồn cung tương đối dồi dào. Trong khi đó, dịch cúm gia cầm đang xuất hiện ở một số nơi nên các trang trại tái đàn với số lượng thấp so với năm 2016.
Tại HTX Chăn nuôi gia cầm Cường Thịnh (xã Đông Thọ, Yên Phong), tình hình có khá hơn do HTX luôn duy trì được đầu ra ổn định, thường xuyên cung cấp trứng cho một số trường học tại Hà Nội và trên địa bàn tỉnh. Song, ông Ngô Văn Chiến, Giám đốc HTX cho biết, trứng gà hiện có giá khoảng 2.000 đồng/quả. Với giá bán như vậy, người chăn nuôi hầu như không có lãi. HTX đang rất thận trọng trong việc tái đàn.
Theo ông Nguyễn Nhân Lừng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, năm nay việc tái đàn ở các hộ chăn nuôi chậm hơn so với mọi năm. Nguyên nhân là mức giá bán thấp và các trang trại vẫn còn tồn nhiều. Không những vậy, dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi cũng là những vấn đề khiến người dân càng dè dặt trong việc tái đàn. Dự báo năm 2017, ngành chăn nuôi tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn về quy mô, con giống, giá thức ăn, thuốc thú y... Tuy nhiên, Chi cục Thú y tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi không nên quá hoang mang, nên lựa chọn những con vật nuôi phù hợp, tránh nuôi tập trung cùng một thời điểm dễ bị thương lái ép giá. Trong thời gian tiếp theo, đơn vị tiếp tục tham mưu tỉnh có các chính sách hỗ trợ cho người dân như: Vay vốn ưu đãi, hỗ trợ vắc xin phòng bệnh…
Bên cạnh đó, các địa phương cần phát triển chăn nuôi theo định hướng, không phát triển tự phát theo trào lưu để hạn chế việc cung vượt cầu; khuyến khích các doanh nghiệp có năng lực tập trung đầu tư vào chăn nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao về con giống, thiết bị chăn nuôi tiên tiến. Đáng lưu ý, các địa phương triển khai có hiệu quả mô hình phát triển theo chuỗi liên kết chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào mô hình chuỗi sản xuất. Các doanh nghiệp cần năng động thiết lập chuỗi với các kênh phân phối sản phẩm cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Related news
Hơn 1 tháng nay, giá gà trên thị trường giảm sâu xuống dưới giá thành khiến người chăn nuôi điêu đứng. có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này
Mỗi ngày Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD để nhập rau củ quả từ Thái Lan và Trung Quốc. Trong khi đó, trái cây trong nước lại phải “vật vờ” chờ “giải cứu”
Phát triển nông nghiệp sạch gắn với công nghệ cao, theo đó mở rộng ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học vào sản xuất nông sản sạch là mục tiêu